Để trẻ sử dụng Internet an toàn
Mãi đến khi kết quả học tập của con giảm sút, chị Hiền (buôn bán tại Thủ Đức, TP HCM) nhờ cậu em họ rành về công nghệ đến nhà kiểm tra giúp. Chị tá hỏa khi biết số lượt truy cập trong máy tính của con chủ yếu là các trang web, diễn đàn có nội dung xấu và các trang game.
Ban đầu chị Hiền định cấm hẳn, nhưng con trai phản đối ra mặt rồi lầm lì với mẹ. Cuối cùng để xoa dịu tình hình, chiếc máy tính từ phòng riêng của "quý tử" được chuyển sang phòng khách, nơi có nhiều người qua lại để tiện kiểm soát. Đồng thời chị cũng làm quy ước với con về thời gian sử dụng.
Phụ huynh cần có sự định hướng đúng đắn để trẻ sử dụng Internet an toàn. Ảnh: orderscience.
Thạc sĩ Lê Minh Công, giảng viên Bộ môn Tâm lý học, ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP HCM cho biết, để an toàn, nhiều phụ huynh cấm không cho con sử dụng Internet. Trên thực tế, Internet mang lại nhiều lợi ích, là phương tiện hữu ích cho cuộc sống, giúp tìm kiếm tin tức hữu hiệu, phát triển quá trình nhận thức bản thân, mở rộng tương tác và quan hệ xã hội một cách tích cực, phục vụ cho học tập, nghiên cứu, liên kết mọi cá nhân...
Internet còn giúp trẻ bộc lộ cái tôi lý tưởng, được thể hiện bản thân, giúp trẻ bộc lộ tính cách, những nội tâm dồn nén, tạo được những hình tượng hoàn hảo. Do đó, nếu phụ huynh cấm đoán sẽ làm con mất cơ hội tiếp cận những điều tốt đẹp và có thể dẫn đến tác động tâm lý tiêu cực.
Theo ông Công, việc cấm đoán thường xuất phát từ các nguyên nhân cha mẹ thiếu thông tin về công nghệ, về sự tương tác, lo lắng khó kiểm soát nên cấm. Phụ huynh cần nắm rõ những tác hại, nguy cơ của Internet để định hướng đúng đắn cho con khi sử dụng.
Bên cạnh những mặt tích cực, Internet cũng khiến trẻ giảm thời gian vận động, hạn chế khả năng phát triển cảm xúc, quan hệ xã hội và sự tập trung, hay cáu gắt, bực bội. Những hoạt động trực tuyến còn có thể khiến trẻ bị hạn chế thời gian tiếp xúc với những công cụ “thô”- một phần của thế giới con người. Trẻ ngày nay không còn lục tìm sách trên thư viện nên rất thiếu sự va chạm trực tiếp. Internet cũng dễ dẫn đến sự mất cân bằng trong cuộc sống, trẻ có xu hướng che đậy khó khăn, dễ tổn thương tâm lý, dễ lệ thuộc vào các ứng dụng công nghệ.
Một vấn đề phổ biến hiện nay là một số trẻ không hề biết thông tin cá nhân cung cấp trên Internet hoặc các phương tiện truyền thông số khác đều sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích. Có rất nhiều nguy cơ về an toàn tính mạng và lạm dụng tình dục thông qua việc kết nối trên các ứng dụng công nghệ. Không ít trường hợp từ lời khai trên mạng mà kẻ xấu đã tìm đến nhà để lạm dụng tình dục, có hành vi lừa đảo.
Lời khuyên cho phụ huynh giúp con an toàn trên mạng
- Lưu ý 4 nguyên tắc giúp trẻ an toàn trên mạng là: không cho biết thông tin cá nhân, không gặp gỡ người lạ, không dùng chung password, có sự quy định về thời gian sử dụng Internet, không để thả phanh.
- Khéo léo sử dụng các chiến lược ngắn hạn như nói chuyện với con, cùng thảo luận để xây dựng quy ước với con trước khi sử dụng, nhắc nhở trẻ về những nguy cơ có thể gặp để tăng cường cảnh giác.
- Cần có sự tìm hiểu về Internet để có thể kiểm soát được nội dung truy cập của trẻ. Cùng nói chuyện với phụ huynh khác về những quy định, những cách thức giáo dục con cái, kết nối với nhà trường...
Chăm sóc, giáo dục và quản lý con trong thời đại công nghệ:
- Trẻ em có thể không quản lý được quỹ thời gian mình có cho các hoạt động đa dạng của bản thân. Vì thế, cần xây dựng những chiến lược giúp con biết quản lý thời gian. Cha mẹ có thể trực tiếp hướng dẫn con hoặc tìm nơi nào có thể hướng dẫn con quản lý thời gian một cách chuyên nghiệp.
- Xây dựng quy ước rõ ràng về các hoạt động chăm sóc bản thân và có thời gian hướng dẫn, hỗ trợ để đảm bảo rằng con không bỏ qua việc đó.
- Giúp con cân bằng cuộc sống thật và cuộc sống trên Internet bằng cách tham gia vào các hoạt động xã hội. Từ đó trẻ sẽ có nhận thức rõ ràng về bản thân và xây dựng các mối quan hệ lành mạnh với người khác trong xã hội, rèn luyện được tính tự lập, có những cảm xúc, trải nghiệm thú vị từ những va chạm thực tế.
- Giúp con xây dựng và quản lý kế hoạch cuộc đời. Trao đổi và hướng dẫn con định hướng, hoạch định kế hoạch cho cuộc đời dựa trên những thế mạnh, hứng thú, tiềm năng của trẻ. Tập cho trẻ biết đánh giá từng hoạt động trong kế hoạch để đảm bảo những việc mình làm trong hiện tại là phù hợp với mục tiêu lâu dài trong kế hoạch cuộc đời.
Theo Lê Phương/VNE
Bình luận