Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Tìm hiểu về vấn đề này chúng tôi được biết: Là tỉnh miền núi, biên giới, phía Tây Bắc Tổ quốc, Lai Châu có 7 huyện, 1 thành phố (trong đó, có 4 huyện biên giới, 6 huyện nghèo); 108 xã, phường, thị trấn, trong đó: 62 xã đặc biệt khó khăn, 23 xã biên giới với có 1.169 thôn bản; dân số 452.456 người, gồm 20 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc rất ít người là Cống, Mảng, La Hủ và Si La. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80%; 28.257 hộ nghèo, 11.322 hộ cận nghèo. Những năm qua, để phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh đã cụ thể hóa nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện trên địa bàn tỉnh như: Quyết định ban hành danh mục loại dự án áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020; Hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020,…Tham mưu ban hành các Nghị quyết như: Nghị quyết về xây dựng Đề án ổn định và phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư các công trình thủy điện quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh các xã biên giới giai đoạn 2016 - 2020;... trong đó quan tâm xây dựng các chính sách, lồng ghép bố trí vốn theo hướng ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Nông dân bản Nậm Ty, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn đánh bắt thủy sản để tăng thu nhập.
Đồng thời, cân đối, lồng ghép nguồn lực thực hiện các chương trình, chính sách đầu tư ở vùng dân tộc thiểu số; phân bổ các nguồn vốn, giao kế hoạch đảm bảo thời gian, đúng đối tượng theo đúng tinh thần Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Luật Đầu tư công và các Quyết định giao kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tăng cường hợp tác, thu hút các nguồn lực, vốn đầu tư của nước ngoài để hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số. Chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện để các chương trình, dự án mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cường an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ đó, các chương trình dự án triển khai tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều đã phát huy hiệu quả thiết thực. Theo đồng chí Trần Hữu Chí – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh thì tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công tác truyền thông nhằm nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo và giảm nghèo về thông tin được đẩy mạnh qua nhiều kênh. Qua đó, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân. Nhất là từ các gương điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số, những cách làm hay, giải pháp mới trong thực hiện giảm nghèo tại các địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng được lan tỏa, nhân rộng đã góp phần quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thông qua các chính sách hỗ trợ, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới được đưa vào trồng trọt, chăn nuôi, góp phần thay đổi tập quán canh tác, tăng năng xuất, tăng thu nhập cho bà con, như: chọn lọc và sản xuất trên 10 tấn, giống lúa cấp xác nhận; ươm nuôi được 102 vạn cá giống; thực hiện 3 phiên chợ giống cây ăn quả; tư vấn cho hơn 6.000 lượt người về kỹ thuật chăm sóc và chữa bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả, kỹ thuật chăn nuôi thủy sản, kỹ thuật sản xuất láu trên địa bàn các huyện, thành phố. Đã hình thành và phát triển vùng sản xuất tập trung liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhân dân.
Nhiều loại cây công nghiệp được đưa vào thâm canh với quy mô lớn như: Chè, quế, mắc ca. Nhất là cây chè, vốn là cây trồng chủ lực của một số địa phương thì nay được nhân rộng ra toàn tỉnh. Nhận thức của người trồng chè chuyển biến rõ nét, chú trọng đầu tư thâm canh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chế biến chè, thu nhập của người trồng chè ngày càng tăng. Các công ty, Hợp tác xã chế biến đã chú trọng đổi mới dây chuyền, công nghệ tạo ra các sản phẩm chè có chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với đó, nỗ lực chung tay góp sức bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng là 48,16%.
Lĩnh vực chăn nuôi được đẩy mạnh, người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mú, thả rông sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Trên địa bàn tỉnh hiện có 20 Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi; 12 trang trại được cấp giấy chứng nhận có hoạt động sản xuất chăn nuôi; khoảng 46.176 hộ chăn nuôi trâu, bò, trong đó có 29.536 hộ có chuồng trại, chiếm 64%; diện tích cỏ đạt 758,76 ha; có khoảng 56,8% hộ có dự trữ thức ăn; công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm, chú trọng. Diện tích nuôi cá ao năm 2014 đạt 808,2 ha, năm 2017 đạt 911 ha, tăng 102,8 ha.
Các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển phù hợp với vùng nguyên liệu; hình thành nhiều cơ sở sản xuất mới; việc cải tiến công nghệ, thiết bị được quan tâm đầu tư, sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng đảm bảo như: Chè Ô Long, chè Sencha, Matcha, Shan Tuyết được sản xuất và xuất khẩu sang thị trường các nước: Nhật Bản, Đài Loan và một số nước Trung Đông. Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống bước đầu được khôi phục, phát triển với nhiều loại hình cơ sở cùng đan xen tham gia. Sản xuất các sản phẩm thổ cẩm như: chăn, ga, gối, đệm, váy, áo…. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 4 làng nghề và 1 nghề truyền thống, gồm: 1 làng nghề sản xuất các loại bánh dân tộc tại bản San Thàng 1, xã San Thàng, thành phố Lai Châu; 3 làng nghề sản xuất miến dong tại bản Thống Nhất, Hoa Lư, Vân Bình, xã Bình Lư, huyện Tam Đường và nghề nấu rượu Ngô truyền thống tại bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng, thành phố Lai Châu. Hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân với giá cả hợp lý, chủng loại và mẫu mã đa dạng.
Các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất, thực hiện tốt chính sách xuất khẩu lao động, hỗ trợ người dân tộc thiểu số về vốn, kỹ năng lao động và thủ tục để đi lao động ở nước ngoài. Từ năm 2014 đến nay có 416 lao động tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả - Rập – Xê – Út, Đài Loan..., trong đó có 386 người dân tộc thiểu số, chiếm 92,8%. Đào tạo nghề cho 20.833 người lao động, người dân tộc thiểu số chiếm trên 95% và học nghề nông nghiệp là chủ yếu.
Các chính sách an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho người học; đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập từ cơ sở; khắc phục tình trạng chênh lệch chất lượng giáo dục giữa các vùng, địa phương; chăm lo hỗ trợ điều kiện học tập cho học sinh vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Công tác liên kết đào tạo được chú trọng, tăng cường tổ chức với nhiều hình thức, ngành nghề để cán bộ người dân tộc thiểu số được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số.
Các thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở cũng được đầu tư để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của nhân dân các dân tộc. Các lễ hội văn hóa được phục dựng, bảo tồn. Công tác khám chữa bệnh không ngừng được nâng lên, mạng lưới y tế dần được hoàn thiện theo quy định. Các dịch vụ y tế ngày một phát triển, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và thụ hưởng. Ý thức, nhận thức về việc tự bảo vệ sức khoẻ của Nhân dân đã có nhiều thay đổi. Các mô hình nâng cao chất lượng dân số các dân tộc Cống, Mảng, Si La, La Hủ trên địa bàn huyện Mường Tè, Sìn Hồ được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số của tỉnh nói chung và các dân tộc có nguy cơ suy giảm nói riêng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các vùng dân tộc thiểu số hôm nay, từ rẻo cao đến vùng thấp, no ấm đã và đang hiện hữu, dễ nhận thấy nhất là điện, đường, trường, trạm khang trang; những con đường lầy lội ổ gà, ổ voi đã được bê tông hóa đến tận ngõ bản. Đặc biệt là, tình trạng du canh du cư của một số dân tộc ít người cũng không còn. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước dần được loại bỏ; bà con đã từng bước nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; sắm trang thiết bị sinh hoạt đắt tiền để phục vụ cuộc sống và tham gia hiệu quả vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa từ tiếng nói, trang phục, chữ viết; đi học dần trở thành nhu cầu thiết yếu. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đáng kể, ăm 2014 giảm 3,74%; năm 2015 giảm 4,73%; năm 2016 giảm 5,59%; năm 2017 giảm 4,98 %.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hôm nay đang ngày một khởi sắc, rút ngắn khoảng cách về kinh tế - xã hội so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Minh Duy
Bình luận