Thứ hai, 07/10/2024, 07:41 [GMT+7]

Ngày Quốc tế Mẹ trái đất (22/4/2016): "Cây xanh cho trái đất"

Thứ sáu, 22/04/2016 - 14:52'
Ngày Quốc tế Mẹ trái đất được kỷ niệm trên toàn cầu vào ngày 22/4 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên, tôn vinh trái đất như một tổng thể gắn bó chặt chẽ, mà ở đó, mỗi người trong chúng ta đều có được vị trí của riêng mình.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Mẹ trái đất năm 2016 được lựa chọn là: "Cây xanh cho trái đất". (Ảnh: Khánh Linh)

Thuật ngữ "Mẹ trái đất" thường được dùng để chỉ hành tinh của chúng ta ở nhiều quốc gia hoặc khu vực, phản ánh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa con người, các loài sinh vật khác và hành tinh mà tất cả chúng ta đang cùng nhau chia sẻ. Nhấn mạnh rằng, Ngày trái đất được tổ chức hàng năm ở nhiều nước, từ năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định dành ngày 22/4 hàng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Mẹ trái đất.

Năm nay, chủ đề của Ngày Quốc tế Mẹ trái đất được lựa chọn là: “Cây xanh cho trái đất” với mục tiêu ấn định trồng 7,8 tỷ cây xanh trong vòng 5 năm tới. Thực tế đã cho thấy, cây xanh góp phần tích cực đấu tranh chống biến đổi khí hậu khi nó hấp thụ lượng khí CO2 dư thừa trong bầu khí quyển của chúng ta. Theo Liên hợp quốc, trong một năm, một ha cây trưởng thành có thể hấp thụ một lượng CO2 bằng với lượng phát thải của một chiếc xe đi 80.000km. Không những thế, cây xanh còn giúp lọc không khí chúng ta hít thở. Cây hấp thụ mùi và các khí gây ô nhiễm (oxit nitơ, amoniac, sulfur dioxide và ozon) và lọc các hạt từ không khí thông qua lá và vỏ cây. Cây xanh cũng giúp chúng ta chiến đấu chống lại sự mất mát của các loài. Bằng cách trồng cây thích nghi với môi trường tự nhiên, chúng ta có thể chiến đấu chống lại sự mất mát của các loài và kết nối các vùng phân bố giữa những mảng rừng. Cây xanh giúp các cộng đồng đạt được sự bền vững về kinh tế và môi trường trong khi cung cấp thực phẩm, năng lượng và thu nhập.

Ngoài ra, Ngày Quốc tế Mẹ trái đất năm nay cũng được kỷ niệm trùng với ngày ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thỏa thuận lịch sử này đã được đại diện 195 nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21 thông qua vào ngày 12/12/2015. Theo Thỏa thuận Paris, lãnh đạo các quốc gia đã nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C.

Những cử chỉ nhỏ mang lại thay đổi lớn

Trong thông điệp đưa ra nhân ngày kỷ niệm này, Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: Ngày Quốc tế Mẹ trái đất là dịp để nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng ta, những con người và các loài vô cùng đa dạng mà chúng ta cùng sẻ chia trái đất. Năm nay, kỷ niệm ngày này với nhiều hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả.

Theo Tổng thư ký Ban Ki-moon, hôm nay, đại diện của hơn 170 quốc gia họp tại trụ sở của Liên hợp quốc ở New York để ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Thỏa thuận lịch sử này, phù hợp với Chương trình Phát triển bền vững vào năm 2030, có thể làm biến đổi thế giới của chúng ta. Việc rất nhiều quốc gia cùng ký vào Thỏa thuận sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, phát đi một thông điệp rõ ràng về sự đoàn kết và lòng quyết tâm của thế giới.

Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng huy động mọi sức mạnh thiên tài của con người và phấn đấu để thiết lập một tốc độ tăng trưởng carbon thấp, cải thiện khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhấn mạnh mỗi người trong chúng ta đều có một vai trò nhất định, ông Ban Ki-moon nêu rõ: Chúng ta có thể tự do lựa chọn năng lượng hiệu quả, chấm dứt lãng phí thực phẩm, giảm lượng khí thải carbon và gia tăng đầu tư bền vững. Những cử chỉ nhỏ, nhưng ở quy mô của hàng tỷ người, sẽ dẫn đến những thay đổi lớn, tăng cường việc thực hiện Thỏa thuận Paris và chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Mẹ trái đất năm 2016 được lựa chọn: "Cây xanh cho trái đất" hoàn toàn minh họa cho điều này. Chỉ riêng một cây có vẻ ít, nhưng những gì mà 7,8 tỷ cây như mục tiêu của Ngày Quốc tế Mẹ trái đất dự định trồng trong 5 năm tiếp theo mang lại chắc chắn sẽ không hề nhỏ. Mỗi cây xanh có một vai trò nhất định trong sinh quyển, mỗi cá nhân con người đều nắm giữ những vai trò quan trọng nếu chúng ta cùng quan tâm tới hành tinh và tất cả các sinh vật sống. Một tương lai mới rộng mở chắc chắn sẽ đến với chúng ta nếu chúng ta tôn trọng Mẹ trái đất và gìn giữ, xây dựng các giá trị của nó.

Thỏa thuận lịch sử Paris

Ngày 22/4, tại trụ sở của Liên hợp quốc, Tổng thư ký Ban Ki-moon chủ trì Lễ ký kết Thỏa thuận lịch sử về khí hậu từng được kết luận ở Paris hồi tháng 12/2015 vừa qua với một số lượng kỷ lục các quốc gia tham gia ký kết.

Thỏa thuận Paris được ký kết ngày 12/12/2015 tại thủ đô nước Pháp sau hai tuần đàm phán. Lần đầu tiên, các nước thành viên của Liên hợp quốc đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng phục hồi và cùng nhau hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới và các nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất đều cho biết sẽ ký Thỏa thuận vào ngày 22/4. Việc ký kết là bước đầu tiên trước khi Thỏa thuận có hiệu lực. Sau khi ký kết, các nước cũng phải chấp nhận hoặc phê chuẩn thỏa thuận ở cấp quốc gia.

Thỏa thuận lịch sử Paris sẽ có hiệu lực 30 ngày sau khi ít nhất 55 Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), chiếm 55% lượng phát thải CO2 toàn cầu, gửi văn kiện về việc thông qua cam kết.

Liên hợp quốc cho biết, 13 quốc gia, chủ yếu là các đảo nhỏ đang phát triển, sẽ nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn ngay sau khi ký kết các thỏa thuận vào ngày 22/4.

Lễ ký kết là một thủ tục pháp lý. Chỉ có những người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao hay các đại diện khác nhận được "ủy quyền chính thức" từ các chính phủ của họ có thể tham gia ký kết Thỏa thuận. Sau Lễ ký kết, các nhà lãnh đạo sẽ lần lượt trình bày bài phát biểu điểm lại những nỗ lực của các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Theo Khánh Linh/dangcongsan/14:46 22/04/2016

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...