Thứ năm, 07/11/2024, 20:02 [GMT+7]
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn diện

Thứ hai, 20/05/2024 - 13:50'
Mường Tè là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước được thụ hưởng nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Xác định tầm quan trọng của việc triển khai chương trình, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn của huyện thực hiện hiệu quả các nội dung nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở kết cấu hạ tầng; tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có nhiều lợi thế: nông - lâm nghiệp, dịch vụ du lịch và thủy điện… Qua đó, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Là huyện thuần nông có 14 đơn vị địa giới hành chính, dân số trên 47 nghìn người với 10 dân tộc cùng chung sống, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên 90%. Giai đoạn 2021-2025, huyện Mường Tè được bố trí tổng nguồn vốn trên 600 tỷ đồng từ các chương trình MTQG, trong đó: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới khoảng 27 tỷ đồng; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gần 201 tỷ đồng; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 372 tỷ đồng. Để các chương trình được triển khai, thực hiện hiệu quả, UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG cấp huyện, xã giai đoạn 2021-2025 và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Đao Văn Khánh - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Huyện đưa ra những giải pháp cụ thể để các nguồn lực đầu tư phát huy hiệu quả lớn nhất và gắn với thực hiện các nghị quyết của Đảng, nghị quyết HĐND các cấp. Ban Chỉ đạo cấp huyện căn cứ vào tình hình thực tiễn để chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm. Yêu cầu các cơ quan chuyên môn, UBND các xã triển khai thực hiện các dự án ngay từ những tháng đầu năm, ngay sau khi được phân bổ vốn. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu đảm bảo tính cạnh tranh, công khai, minh bạch. Lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để hoàn thành các gói thầu theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình.

Triển khai thực hiện Tiểu dự án 2, các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư phát triển sâm Lai Châu tại huyện Mường Tè.

Giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác thẩm định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng các dự án đảm bảo mặt bằng để thực hiện triển khai thi công các công trình, dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng theo hạng mục, giai đoạn, phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Tiếp tục phát huy mọi nguồn lực đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tập trung, hỗ trợ người dân phát triển những sản phẩm là tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, cây dược liệu, sâm Lai Châu. Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong những cơ quan chủ lực tham mưu cho Ban Chỉ đạo huyện về triển khai thực hiện các nội dung chương trình. Đồng chí Lùng Văn Sáng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trên cơ sở nguồn vốn sự nghiệp nông thôn mới đã được giao, phòng tham mưu cho UBND huyện phân bổ ngân sách và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cùng UBND các xã triển khai thực hiện nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Với các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, phòng phối hợp với UBND các xã, chủ đầu tư tổ chức rà soát tiềm năng, thế mạnh của các địa phương để xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp phù hợp. Tập trung hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại 13 xã và phát triển dược liệu quý ở các xã có thế mạnh: Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ, Ka Lăng...
Đặc biệt, với Tiểu dự án 2 “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, phòng kêu gọi các nhà đầu tư vào địa bàn liên kết với người dân, hỗ trợ các bước liên quan đến hồ sơ, thủ tục. Đến nay, trên địa bàn huyện có gần 10 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư thực hiện dự án với diện tích trồng ước đạt trên 50ha. Giai đoạn 2023-2025, dự kiến huyện Mường Tè triển khai trồng khoảng 210ha cây dược liệu quý, trọng tâm là sâm Lai Châu, nguồn vốn ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ trên 60 tỷ đồng.
Nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình MTQG đã phát huy hiệu quả trên địa bàn huyện biên giới Mường Tè, qua đó đóng góp tích cực vào hoàn thiện kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, 99% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bêtông; 69% số bản có đường xe máy hoặc ôtô đến trung tâm được cứng hóa; 100% đồng bào các dân tộc được xem truyền hình và nghe đài phát thanh…
Tuy nhiên, để các chương trình MTQG sát với cơ sở và phát huy hiệu quả, các sở, ban, ngành của tỉnh cần sớm tổng hợp, đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn giao hàng năm, bao gồm cả vốn kéo dài của các tiểu dự án thuộc các dự án thành phần phù hợp với thực tế các địa phương. Đặc biệt, cần sớm thông báo, phân bổ vốn dự kiến hàng năm cho các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai, thực hiện.

Hà Dũng

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Lan tỏa yêu thương
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đức tính yêu thương, đùm bọc, chăm lo cho người nghèo, người già...