

Mỗi tuần từ 2-3 lần, người dân tại bản Đán Đăm lại mang rác đến các lò đốt rác được xây dựng ngay tại bản để xử lý. Tại đây, các loại rác hữu cơ như: vật liệu làm từ giấy, sợi, thực phẩm thừa, túi ni lông… được tập kết đưa vào lò đốt. Với chủ trương, mỗi bản có từ 1 - 10 lò rác được phân bổ rải rác tại các khu dân cư để tập kết, thu gom và xử lý rác thải, mô hình này bước đầu được xã triển khai tại các bản, nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân. Nhờ đó, tạo yếu tố quan trọng giúp xã Hua Nà duy trì và giữ vững tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.
Người dân bản Đán Đăm xử lý rác thải sinh hoạt tại lò đốt rác tập trung của bản.
Anh Lò Văn Hương - bản Đán Đăm chia sẻ: Được Nhà nước hỗ trợ xây dựng lò đốt rác cùng với sự tuyên truyền, vận động của xã, bản về lợi ích của mô hình, dân bản nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường bằng việc thu gom, đốt rác mỗi tuần. Cùng với đó, chúng tôi thực hiện nghiêm việc vệ sinh đường nội bản, không vứt rác bừa bãi, xử lý rác đúng quy định, qua đó góp phần giúp bản làng ngày càng xanh, sạch đẹp”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2014, từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã Hua Nà được đầu tư 50 lò đốt rác để thu gom, tập kết và xử lý rác thải tại 9 bản (bình quân mỗi bản có 5 lò đốt). Với chi phí mỗi lò rác từ 300 - 500 nghìn đồng, thiết kế chiều cao gần 1m, rộng 1m, có giàn sắt đựng rác và có cửa lấy tro, tất cả rác thải sinh hoạt đều được xử lý nhanh, đảm bảo môi trường sống của bà con. Lò đốt rác được chia quản lý theo từng nhóm hộ (từ 5-7 hộ/lò). Theo đó, hàng tuần, các hộ tập trung rác của gia đình rồi chọn thời điểm thích hợp đốt, hạn chế thấp nhất khói bụi.
Nâng cao hiệu quả việc sử dụng lò đốt rác, xã Hua Nà đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến bà con về lợi ích cũng như công năng lò đốt rác tập trung mang lại. Các hộ dân không còn phải đào hố chôn lấp rác tại vườn nhà hoặc đổ ra lề đường, suối, gây ô nhiễm môi trường như trước kia. Khi những lò đốt rác đi vào hoạt động, người dân đã nâng cao ý thức thu gom rác xử lý đốt, chung tay bảo vệ môi trường.
Ông Lù Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hua Nà cho biết: Toàn xã có 630 hộ, 3.291 nhân khẩu sinh sống ở 9 bản. Xác định vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là sức khỏe người dân là nhiệm vụ quan trọng để hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, xã đã triển khai thực hiện mô hình thu gom, đốt rác tại các bản nhằm xử lý rác một cách triệt để. Nếu như trước đây, bà con thường vứt tùy tiện không những gây ô nhiễm môi trường, mỹ quan làng bản mà còn ảnh hưởng sức khỏe. Đến nay, việc triển khai các lò đốt rác thải sinh hoạt tại các bản đem lại hiệu quả rõ nét và được người dân đồng tình ủng hộ thông qua việc hàng tuần bà con cùng tham gia quét dọn đường nội bản, đốt rác theo từng nhóm hộ.
Nhờ cách làm hay của địa phương trong xử lý rác thải sinh hoạt đã giải quyết phần nào bài toán rác thải nông thôn. Để duy trì, nâng cao tiêu chí môi trường, thời gian tới xã tiếp tục vận động các gia đình thu gom rác thải sinh hoạt vào đốt tại các lò, hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Đây cũng là giải pháp cần thiết duy trì môi trường xanh sạch đẹp một cách bền vững, đặc biệt đối với các xã vùng nông thôn miền núi trong giải quyết rác thải ở mỗi gia đình, khu dân cư.
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới ở huyện Nậm Nhùn

Phong Thổ nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Tả Phìn: Xây dựng đường giao thông nội bản

Nam Định xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu

Bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo xã Huổi Luông

Xã Bản Bo: Nỗ lực ''cán đích'' nông thôn mới nâng cao
Cuộc sống đổi thay từ nông thôn mới









