Chủ nhật, 15/09/2024, 13:02 [GMT+7]

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh

Thứ sáu, 05/07/2024 - 10:50'
Trong những năm qua, việc xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.

Việc xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh, tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, số lượng các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng. Việc cưới, việc tang hiện nay ở các địa phương trong tỉnh được tổ chức theo hướng tinh gọn, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Các nghi thức truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số được gìn giữ và phát huy; nhiều hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan đã được loại bỏ.

Nhiều lễ hội dân gian hàng năm ở các địa phương được duy trì, tổ chức đúng định hướng của Nhà nước và thực sự trở thành ngày hội, mang đậm sắc thái vùng miền, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thông qua các ngày hội, những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được khôi phục, bảo tồn, phát huy, qua đó góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Nghệ nhân Hù Cố Xuân cùng bà con xã Kan Hồ (huyện Mường Tè) nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Si La.

Nghệ nhân Hù Cố Xuân cùng bà con xã Kan Hồ (huyện Mường Tè) nỗ lực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Si La.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã thực sự trở thành phong trào thi đua rộng lớn, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân và các gia đình tham gia. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 91.555/106.517 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 86 %. Trong quá trình vun đắp, xây dựng tổ ấm, các gia đình văn hóa đã thực hiện lối sống lành mạnh, trung thực, nhân ái, kỷ cương, nền nếp, có ý thức chấp hành chính sách, pháp luật.

Phong trào xây dựng bản văn hóa, khu phố văn hóa được phát triển rộng khắp từ đô thị đến nông thôn, góp phần làm cho bộ mặt của tỉnh ngày càng đổi mới. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 714/965 khu dân cư được công nhận danh hiệu bản văn hóa, khu phố văn hóa, chiếm tỷ lệ 74,7%. Qua xây dựng bản văn hóa, khu phố văn hóa, khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy mạnh mẽ. Các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; các truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần tương thân tương ái… được phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng. Các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đô thị văn minh ngày càng được lan tỏa. Nhiều nghề truyền thống, nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy, phát triển. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, thể dục, thể thao được thường xuyên tổ chức với các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, qua đó đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần ngày càng cao của người dân.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào thi đua “Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai rộng khắp, góp phần làm cho diện mạo khu vực nông thôn của tỉnh đổi mới rõ rệt, chất lượng đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 01 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới; 39 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 23,88%. Hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, đặc biệt hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở như nhà văn hóa, khu sinh hoạt văn hóa - thể thao, thư viện, điểm bưu điện - văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng, trung tâm học tập cộng đồng… ngày càng hoàn thiện, phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu thụ hưởng văn hóa của người dân.

Hàng năm, tại các Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư, Mặt trận các cấp cũng tổ chức triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”…..; tổ chức cho nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, phù hợp với hương ước, quy ước của cộng đồng, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng khu dân cư “sáng - xanh - sạch - đẹp”; mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ; phát triển các trò chơi dân gian, truyền thống; tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công; các hoạt động giúp đỡ người nghèo, an sinh xã hội. Tổ chức biểu dương các tập thể, cá nhân, gia đình có thành tích và đóng góp cho cộng đồng; tôn vinh gia đình văn hóa, dòng họ hiếu học, các gương nghị lực vươn lên vượt khó, các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Qua đó tạo động lực để xây dựng và phát triển khu dân cư an toàn, lành mạnh, văn minh, giàu đẹp.

  Có thể khẳng định, việc xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện nếp sống văn minh; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ và phát huy; nhiều giá trị văn hóa mới, tiên tiến được chọn lọc, tiếp thu và bồi đắp; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao… Qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh và đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ nên chưa có sự quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện xây dựng môi trường và đời sống văn hóa.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa nói riêng và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh nói chung chưa được thực hiện thường xuyên, bài bản, dẫn đến chưa phát huy được ý thức tự giác, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong việc tham gia xây dựng môi trường và đời sống văn hóa. Các hình thức tuyên truyền, giáo dục chưa phong phú và ít hiệu quả, còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào thực chất. Các hoạt động văn hóa chưa thực sự thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đời sống văn hóa và khoảng cách hưởng thụ văn hóa còn chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Nhiều nơi đời sống văn hóa còn nghèo nàn, đơn điệu, môi trường văn hóa chưa thực sự lành mạnh.

Việc tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nơi còn chạy theo thành tích và số lượng, chưa chú ý nâng cao chất lượng. Chất lượng các danh hiệu văn hóa, như gia đình văn hóa, làng văn hóa, thôn, ấp, bản văn hóa ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa phát huy hiệu quả và hấp dẫn được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Trong việc hiếu, hỉ vẫn còn hiện tượng tổ chức đám cưới linh đình, tốn kém; tổ chức đám tang trong nhiều ngày gây ô nhiễm môi trường; lối sống, nếp sống văn hóa truyền thống tốt đẹp đang có biểu hiện suy giảm. Vẫn còn biểu hiện xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống. Tệ nạn xã hội gia tăng, tính chất và số lượng các vụ án ma túy, mại dâm, cướp bóc, trấn lột, giết người... vẫn đang diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp. Tình trạng bạo hành gia đình, bạo lực học đường, xâm phạm trẻ em... vẫn là những vấn đề nóng trong xã hội. Các tệ nạn xã hội, như cờ bạc, buôn lậu, mua bán trái phép chất ma túy, cá độ, tín dụng đen, cho vay nặng lãi... gây nên những bức xúc trong xã hội. Vẫn còn hiện tượng du nhập, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, hoạt động thiếu lành mạnh thông qua các cơ sở dịch vụ văn hóa, như karaoke, in-tơ-nét công cộng...

Trên cơ sở các thành tựu đã đạt được, những tồn tại, hạn chế cần khắc phục và từ thực tiễn hiện nay, để xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh, cần thực hiện một số giải pháp sau: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh trong sự phát triển bền vững đất nước. Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân ở thôn, bản, tổ dân phố thực hiện nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng; các quy định về nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang; tích cực xây dựng gia đình văn hóa và phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền tiêu chuẩn công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, khu dân cư văn hóa đến từng gia đình, khu dân cư trên địa bàn; tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến…Đây là những công việc cụ thể, quan trọng, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước, hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách: Để xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ, là nền tảng tinh thần của xã hội, nhất thiết phải có hệ thống pháp luật hướng tới việc bảo vệ các giá trị, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa tốt đẹp, bảo vệ, tôn trọng quyền làm chủ của người khác, của cộng đồng. Thông qua vai trò quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, dùng luật pháp để điều chỉnh hành vi con người cho phù hợp, nhằm dần trở thành ý thức tự giác của mỗi người, hướng tới thực hiện chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa.

Thứ ba, quan tâm đầu tư, đào tạo nguồn lực xây dựng môi trường văn hóa: Phải có cơ chế, chính sách đầu tư, đào tạo nguồn lực, trước tiên là củng cố bộ máy cơ quan nhà nước đủ mạnh để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Có chính sách phát triển văn hóa tương ứng với phát triển kinh tế, đầu tư về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính nhằm hoàn thiện các thể chế, thiết chế văn hóa phục vụ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Thứ tư, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện chế độ tôn vinh khen thưởng kịp thời: Đặc biệt chú trọng các phong trào hạt nhân, như phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa và phong trào thi đua người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến. Thường xuyên chú trọng công tác tôn vinh, khen thưởng những điển hình tiên tiến về tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh việc nêu gương người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống.

Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, phát huy có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng môi trường, đời sống văn hóa gắn với xây dựng môi trường kinh tế - xã hội: Sự kết hợp giữa môi trường văn hóa và môi trường kinh tế - xã hội đều nhằm đạt tới sự lành mạnh, tiến bộ, phát triển cho con người và xã hội. Do đó, cần phải thực hiện nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống, nếp sống truyền thống, để trên cơ sở đó, cái gì tốt thì kế thừa, cái gì xấu, cản trở sự phát triển phải loại ra khỏi đời sống thực tiễn, đồng thời, phải chống lại những yếu tố phản động, đồi trụy, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc đang tác động vào môi trường văn hóa của chúng ta.  

B.T

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Chung tay đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) triển khai nhiều giải pháp nhằm chung tay phòng, chống tảo hôn (TN), hôn nhân cận huyết thống (HNCHT) trên địa bàn.
Tô thắm hình ảnh của người chiến sỹ công an
Với sự mưu trí, dũng cảm, tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, Thiếu tá Nguyễn Quang Trung - Trưởng Công an xã Bản Giang (huyện Tam Đường) đấu tranh thành công nhiều vụ án ma tuý, khai thác...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.