

Thướt tha trong áo cóm, váy Thái, xà tích bạc, khó mà tin rằng những đôi chân, bàn tay thể hiện điệu múa uyển chuyển, duyên dáng nhường ấy là của những người đã 50 – 65 tuổi.
Thành lập từ năm 2000, cũng là từng ấy năm các bà gắn bó với nhau để tập luyện những điệu múa Thái. Theo bà Lý Thị Lả - Đội trưởng Đội múa không chuyên thì: “Dân vũ Thái có nhiều làn điệu, cách biểu diễn nhịp nhàng, mọi người múa phải ăn khớp với nhau. Giờ đây các đoàn nghệ thuật sử dụng nhiều điệu múa nâng cao, các động tác múa của dân tộc cũng ít nhiều mai một nên đội múa của chúng tôi luôn tâm niệm: phải gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc nhất trong điệu múa của dân tộc mình”.
Đội văn nghệ Mùa ban trắng tập luyện tiết mục Múa nón Thái để biểu diễn chào mừng thị xã Lai Châu lên đô thị loại III.
Cũng như bà Lả, 12 thành viên của đoàn đều là người nhiệt huyết với các điệu múa Thái. Mỗi buổi cuối tuần họ lại cùng tập múa tại nhà bà Lả. “Tiếng lành đồn xa”, đến nay cả tỉnh đã biết đến đội múa Thái và mỗi khi có hoạt động của thị xã như: lễ hội ở Đền Lê Lợi, đêm xòe ở phường Đoàn Kết, giao lưu giữa các phường, lễ, tết, Hội Then Kin Pang ở huyện Phong Thổ… các bà lại xúng xính váy, áo, đạo cụ tập luyện để buổi biểu diễn thành công. Bà Lả chia sẻ: Sau hơn 300 cuộc giao lưu, biểu diễn ở tỉnh ta và các tỉnh bạn, Đội văn nghệ Mùa ban trắng đã đoạt 1 số giải thưởng như: giải A tiết mục “Múa nón” trong Liên hoan băng đĩa hình toàn quốc lần thứ nhất năm 2006 tổ chức tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Giải A tiết mục múa “Tính tẩu nhớ thương” trong Hội diễn các dân tộc thiểu số tại Lai Châu lần thứ nhất năm 2008. Giải A tiết mục múa “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” trong Hội thi ca múa nhạc quần chúng do thị xã Lai Châu tổ chức năm 2012. ..
Tuy tuổi đã cao và các bà đều đã “lên chức” bà nội, ngoại song trong ánh mắt, điệu cười của họ vẫn còn tươi trẻ lắm! Khi hóa thân thành các diễn viên trong điệu múa khăn, múa quạt của dân tộc mình, họ như trở lại tuổi đôi mươi, khi eo còn thắt đáy lưng ong, tiếng hát mượt như làn suối, tóc xõa dài làm vương vấn trái tim trai bản. Hòa cùng điệu múa, họ quên đi những bươn chải mưu sinh hàng ngày để đắm chìm trong làn điệu dân tộc mình. Đó cũng là lý do đến giờ, đến ngày tập luyện văn nghệ, các bà lại thu xếp công việc gia đình, trông con, cháu để tập trung lại. Và khi tiếng nhạc tính tẩu, tiếng lắc rộn ràng của quả “má sáo” (tiếng địa phương) cất lên, họ lại hướng dẫn nhau từng điệu đi sao cho đúng động tác, chân tay nhịp nhàng.
Bà Đèo Thị Ôn (thành viên trong đội múa từng tập múa với bà Lả từ năm 1996) tâm sự: “Bà Lả biết nhiều điệu múa Thái cổ nên đã truyền dạy lại cho chúng tôi. 17 năm tập luyện văn nghệ với bà, tôi vui vì đã biết thêm nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Chúng tôi thường gọi đùa bà Lả là “Biên đạo múa Thái của phường Đoàn Kết”.
Tuy đội múa không có kinh phí hoạt động, phải tự lo trang phục biểu diễn, trang điểm, số thù lao ở các đợt đi giao lưu, công diễn không nhiều song điều đó không làm họ nản lòng. Niềm yêu mến văn hóa dân tộc và hăng say văn nghệ khiến 12 thành viên của đội múa trở thành những “nghệ nhân không tuổi” trên sân khấu. Họ đang ngày ngày gìn giữ những điệu múa dân gian của dân tộc Thái để những dịp lễ, hội lớn, thế hệ đi sau lại được chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa dân tộc.
Dào San - Nơi hội tụ sắc màu văn hóa dân tộc Mông

Công bố Quyết định công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Phát huy giá trị khoa học và văn hóa của di sản bãi cọc Bạch Đằng
Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2025

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị









