

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cùng thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Tại tỉnh Lai Châu cuộc họp được kết nối trực tuyến tới các xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.
Bão số 3 (tên quốc tế là Wipha). Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 4h ngày 20/7, vị trí tâm bão số 3 Wipha trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 830km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103 - 117km/giờ), giật cấp 14; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 - 25km/h.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ vĩ Bắc; 110,3 độ kinh Đông, trên đất liền phía đông bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15. Trong 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h. Đến 4 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,6 độ vĩ bắc; 107,4 độ kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh - Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Dự báo trong 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 10km/h, đi vào đất liền đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Quang cảnh cuộc họp tại các điểm cầu.
Từ ngày 21 - 23/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 300mm; riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200 - 350mm, có nơi trên 600mm. Cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện mưa cường suất lớn trên 150mm/3 giờ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm. Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố chủ động theo dõi nắm tình hình diễn biến cơn bão, chỉ đạo, triển khai công tác kiểm đếm, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình thiên tai và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo tại buổi họp.
Các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin về tình hình thiên tai và công tác chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng, tăng cường phổ biến, hướng dẫn biện pháp, kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét cho người dân; Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thường xuyên, liên tục cập nhật các thông tin liên quan đến cơn bão...
Đối với tỉnh Lai Châu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; xác định cơn bão số 3 là cơn bão rất mạnh, tầm ảnh hưởng rộng, hoàn lưu bão gây mưa lớn, do vậy tỉnh Lai Châu đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát diễn biến thời tiết, nâng cao cảnh giác, tổ chức trực ban 24/24 giờ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt. Hiện nay, 100% các xã, phường và các sở, ngành đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy, sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai. Các lực lượng thường trực bao gồm: Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, doanh nghiệp, tình nguyện viên và các lực lượng khác trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo duy trì đủ quân số, tùy theo tính chất và tình hình diễn biến, mức độ ảnh hưởng của thiên tai, chính quyền các cấp có thể điều động và phân công, bố trí lực lượng phù hợp theo yêu cầu...
Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ngành thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó cơn bão; yêu cầu các chủ đầu tư đang thi công các công trình thuỷ điện có phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; nếu xảy ra mưa, lũ lớn chủ động di chuyển toàn bộ người và phương tiện trên các công trình đang thi công đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã trên cơ sở kế thừa phương án ứng phó của Ban Chỉ huy cấp huyện, cấp tỉnh tiếp tục cụ thể hoá để xác định được vị trí, loại hình đối tượng của thiên tai để có phương án ứng phó... Các xã, phường chủ động theo dõi tình hình cơn bão số 3, tham mưu UBND tỉnh để có những chỉ đạo, kiểm tra, ứng phó; chủ động các phương án, báo cáo kịp thời khi có diễn biến mới nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 3 gây ra; trên các tuyến đường ngập, sạt lở, Sở Xây dựng cử lực lượng trực và cắm biển báo nguy hiểm để nhân dân biết…

“Mùa hè xanh” năm 2025
Chi đoàn BIDV Chi nhánh tỉnh Lai Châu viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh

Sôi nổi các hoạt động chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2025

Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025

Một thanh niên tử vong khi bơi tại khu vực hạ lưu thủy điện Phiêng Lúc

Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình

Công bố dịch tả lợn Châu Phi tại phường Tân Phong

Xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá








