

Trong cái nắng oi bức của những ngày cuối tháng 5, chúng tôi theo em Chang A Phiêu (học sinh lớp 4) ở bản Tìa Tê, xã Pu Sam Cáp, huyện Sìn Hồ lên nương. Mất gần 2 giờ đồng hồ leo qua 2 quả đồi chúng tôi cũng đến được nương ngô nhà Phiêu. Không dám tin vào mắt mình, đám nương ngô xác xơ, thân úa vàng xen kẽ với những đám cỏ dại cao quá mặt.
Nghỉ hè, trẻ em vùng cao lại vào rừng kiếm sống.
Phiêu tâm sự: “Năm nào cũng vậy, cứ bắt đầu kết thúc năm học, em lại cùng bố mẹ lên nương. Hôm thì bẻ ngô, làm cỏ, hôm đi đào măng trong rừng, có khi tối mịt mới về”. Theo Phiêu thì hôm nay là một ngày lao động hiệu quả, vì em đã bẻ được trên 40 bắp ngô. Nhìn em tươi cười dưới cái nắng như đổ lửa chúng tôi ai cũng cảm thấy chạnh lòng.
Trẻ em vùng cao quen với việc lên nương, lên rẫy từ khi còn nhỏ. Lên 5, 6 tuổi đã phải theo bố mẹ trèo đèo, lội suối. 9 đến 15 tuổi trở thành lao động chính trong gia đình. Em Tẩn A Sang ở bản Cung Mu Phìn, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ mới 10 tuổi, nhưng đã có 3 năm theo bố mẹ đi nương. Mỗi ngày hè với Sang là những ngày lao động cực nhọc. Từ sáng sớm Sang đã phải lên rừng kiếm hoa chuối rừng, đào sắn về ăn. Hôm nào được nhiều, em lại cùng mẹ mang ra Quốc lộ 4D bán lấy tiền đong gạo.
Sớm phải lăn lộn với nương rẫy dưới cái nắng hè thiêu đốt nên Phiêu và Sang cũng như các trẻ em khác đều có làn da đen xạm, mái tóc vàng bù xù do cháy nắng, quần áo thì nhàu nhĩ, cáu bẩn. Quả thật, việc bố mẹ các em phải chạy ăn từng bữa đã khó thì làm gì có thời gian quan tâm đến cái ăn, cái mặc cũng như vui chơi trong ngày hè của con em mình.
Làm báo, tôi được đi nhiều, được thấu hiểu cuộc sống của đồng bào vùng cao, và tôi cũng được trải qua nhiều cảm xúc khi được trăn trở cùng ước mơ của các em nhỏ nơi đây. Có những ước mơ thật giản dị song cũng có những ước mơ thật lớn lao.
Ước mơ nghỉ hè có được quả bóng đá để vui chơi với bè bạn của em Tẩn A Dao, ở bản Cung Mu Phìn, xã Lản Nhì Thàng. Ước mơ ngày hè được ở nhà xem tivi của em Lầu A Dìa ở bản Tả Sán 2, xã Làng Mô... tưởng chừng rất bình thường, nhưng với các em ở đây thì đó là một khát khao lớn.
Song có cả những ước mơ với quyết tâm biến thành hiện thực. Chang A Phiêu, mơ nghỉ hè không phải đi làm nương mà được ở nhà học bài, sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho bà con trong bản. Chính vì vậy, dù được nghỉ hè nhưng Phiêu vẫn chăm chỉ học bài. Tôi hỏi đùa: “Làm bác sĩ học hành vất vả lắm lại tốn tiền của bố mẹ nữa, Phiêu có cố gắng được không?” “Phải cố gắng thôi để còn làm bác sĩ chứ”- Phiêu trả lời...
Những ước mơ của các em gợi lên cho chúng tôi nhiều nỗi trăn trở. Phải làm gì để chia sẻ với các em, dù là những điều nhỏ nhoi nhất. Chúng tôi ngược về thị xã cũng là lúc các em lại trở về với công việc mưu sinh hàng ngày. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, 3 tháng nghỉ hè với các em là trên nương, rẫy, nhưng chúng tôi tin rằng một ngày không xa những ước mơ của các em sẽ trở thành hiện thực.
Tin đọc nhiều

Ra quân hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát

Khởi công xóa nhà tạm, nhà dột nát tại xã Pắc Ta
Quán triệt, triển khai chỉ đạo của Ban Bí thư về lưu trữ, quản lý tài liệu

An cư cho người dân vùng nguy cơ sạt lở

Người dân có thể tham gia BHXH, BHYT qua Cổng Dịch vụ công và Ứng dụng ngân hàng

Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Hỗ trợ khi gặp rủi ro trong quá trình làm việc

Chính phủ đề xuất điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH năm 2026
Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình liệt sỹ trước 27/7, gia đình người có công trước 2/9







