

Chuyến công tác mới đây tại Trạm Y tế xã Sà Dề Phìn, chúng tôi được hòa mình trong không khí vui mừng, phấn khởi của đội ngũ cán bộ, y, bác sỹ nơi đây khi Trạm chính thức được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã. Y sỹ Nguyễn Thị Hoa Dung – Trạm trưởng Trạm Y tế xã chia sẻ, Sà Dề Phìn là xã vùng cao của huyện Sìn Hồ. Xã có 7 bản, 2.046 nhân khẩu với 4 dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Dao. Tháng 1 năm 1989, Trạm Y tế xã được thành lập, những năm đầu mới đi vào hoạt động, Trạm Y tế xã gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trang thiết bị còn thiếu về chủng loại, đội ngũ y tá bản chưa đủ… Những điều kiện đó đã làm ảnh hưởng không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.
Đồng chí Lê Thanh Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng Trạm Y tế xã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn đến năm 2020.
Vượt lên những khó khăn đó, Trạm Y tế xã đã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng Nghị quyết và Chương trình hành động về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân; củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe Nhân dân… Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo cùng các tổ chức đoàn thể tổ chức thực hiện tốt các chiến dịch về sức khỏe, tích cực triển khai các hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; phối hợp cùng Trung tâm Y tế Dự phòng huyện giám sát, đôn đốc theo dõi và kiểm tra theo từng tiêu chí của Bộ Y tế ban hành về xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia.
Một trong những khó khăn lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn xã đó là bà con chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn; việc thay đổi hành vi, tập quán sinh hoạt không phải một sớm một chiều mà làm ngay được. Cán bộ Trạm Y tế xã đã đến từng hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, vệ sinh nhà cửa, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em… Mưa dầm thấm lâu, bà con đã dần hiểu, tự giác đi đến Trạm mỗi khi ốm đau để được điều trị bệnh… Anh Sùng A Di bản trung tâm xã Sà Dề Phìn cho biết: “Trước đây mỗi lần ốm đau chúng tôi thường mời thầy về cúng ma. Nhiều đứa trẻ trong bản đã không khỏi bệnh mà còn ốm thêm vì bố mẹ mải lo việc cúng bái chẳng còn thời gian chăm sóc con. Từ khi được các y bác sỹ trong Trạm tuyên truyền, vận động, nhất là nhiều người dân khi ốm đau được y bác sỹ đến tận nhà khám, chữa cho khỏi bệnh… chúng tôi đã hiểu, khi ốm đau phải đến bác sỹ kê thuốc mới đuổi được cái bệnh. Bây giờ ở xã mọi người đều đến Trạm Y tế xã để khám, chữa bệnh hoặc báo cho y bác sỹ của Trạm giúp đỡ. Chị em cũng không sinh con ở nhà nữa, chúng tôi đã rất yên tâm điều trị bệnh, không còn tin thầy cúng nữa”.
Được sự quan tâm của Trung tâm Y tế huyện, nguồn nhân lực của Trạm cơ bản được đảm bảo đủ chỉ tiêu biên chế và cơ cấu, hướng dẫn nhân viên y tế bản thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Bộ Y tế. Hiện, Trạm có 1 bác sỹ, 3 y sỹ và 2 điều dưỡng cùng 7 y tá bản với đủ 10 phòng chức năng; có lò đốt rác, rác thải y tế được xử lý đúng quy định; có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; vườn thuốc nam mẫu với 70 loại cây thuốc được chăm sóc và bổ sung thường xuyên. Trong Trạm luôn có đủ các loại tủ thuốc thiết yếu như: thuốc cấp cứu, thuốc bảo hiểm y tế và thuốc thông thường, vật tư tiêu hao, hóa chất phòng chống dịch bệnh được sắp xếp ngăn nắp, khoa học đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng đáp ứng nhu cầu trong công tác phòng chống dịch bệnh, sơ, cấp cứu cũng như điều trị bệnh thông thường cho Nhân dân tại địa bàn.
Việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh ở xã những năm trước không mấy thuận lợi do tập quán sống và sự chủ quan của người dân, dẫn đến số ca mắc bệnh khá cao. Trước thực trạng đó, Trạm Y tế xã đã phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể xã tổ chức các đợt ra quân phòng chống dịch bệnh, cùng với tuyên truyền cán bộ Trạm còn về các bản khám chữa bệnh cho bà con; cấp phát thuốc, phun tẩm màn bằng hóa chất, cùng bà con vệ sinh làng bản, khơi thông cống rãnh, diệt loăng quăng bọ gậy quanh nhà… giải quyết tình trạng triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhờ đó đã nhận được sự hưởng ứng của người dân địa phương. Đến nay, 77,8% hộ dân trong xã có nhà tiêu hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90%. Bà con biết đưa trẻ đi tiêm phòng các loại bệnh; thực hiện nếp sinh hoạt ngăn nắp, hợp vệ sinh để góp phần ngăn ngừa các loại dịch bệnh: tay chân miệng, sốt xuất huyết… Không chỉ làm tốt công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, Trạm Y tế xã còn thực hiện tốt việc quản lý các bệnh xã hội tại địa phương. Triển khai tốt các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn, tham gia phát hiện, điều trị, quản lý và theo dõi các dịch bệnh nguy hiểm, bệnh xã hội và bệnh mãn tính không lây theo hướng dẫn của y tế tuyến trên..
Ghi nhận sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, y bác sỹ trong Trạm, đối chiếu với các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến 2020, Trạm Y tế xã đạt 88,5/100 điểm, được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đây là niềm vui cũng là sự khích lệ rất lớn đối với đội ngũ cán bộ y tế của Trạm. Tuy nhiên, đối với một xã vùng cao việc đạt chuẩn đã khó, nhưng để duy trì được những tiêu chí đã đạt chuẩn còn khó hơn bởi những điều kiện đặc thù về tự nhiên – xã hội nơi đây. Vì vậy, thời gian tới, Tạm Y tế xã tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những yếu điểm còn tồn tại, phấn đấu duy trì giữ vững danh hiệu Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia.
Đồng chí Giàng A Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Cùng với sự phát triển về kinh tế, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân những năm qua được thực hiện khá tốt nên đời sống người dân trên địa bàn xã được cải thiện rõ nét, bộ mặt thôn bản ngày càng khởi sắc. Tuy còn những khó khăn, thiếu thốn nhưng tin rằng đội ngũ cán bộ y tế xã sẽ không ngừng nâng cao y đức và trình độ nghiệp vụ, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc về chăm sóc sức khỏe của người dân địa phương”.
Đến nay, 95% phụ nữ trong xã Sà Dề Phìn sinh con được khám thai 3 lần trở lên trong 3 thời kỳ thai nghén và được tiêm phòng đầy đủ. 90% phụ nữ đẻ và trẻ sơ sinh được cán bộ y tế chăm sau sinh trong vòng 24 giờ. 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. 98% trẻ 6 – 36 tháng tuổi được uống vitamin A 2 lần/ năm. 96% trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi tăng trưởng 3 tháng 1 lần, trẻ bị suy dinh dưỡng 1 tháng 1 lần và trẻ 2 – 5 tuổi dược theo dõi 1 lần /năm. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm còn 24,6%...
Tin đọc nhiều

Sơn Bình: 1 người tử vong và 1 người hôn mê sâu do ăn nấm độc

Lễ phát động hiến máu tình nguyện hưởng ứng Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện
Thành phố Lai Châu: Chủ động phòng, chống dịch sởi
Nỗ lực đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng
“Vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”
Quan tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thăm, làm việc tại tỉnh Lai Châu

Sin Suối Hồ nỗ lực phòng, chống bệnh sởi







