

Người dân xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn) chăn nuôi đại gia súc có chuồng trại.
Năm 2016, tổng đàn trâu, bò của huyện Nậm Nhùn đạt 9.833 con, qua đánh giá nhận thấy dịch bệnh trên đàn trâu, bò ít xảy ra, chủ yếu là bệnh lở mồm long móng, không phức tạp. Trên thị trường, giá thịt trâu, bò ít biến động, đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi. Nguồn thức ăn thô xanh dùng cho chăn nuôi trâu, bò có thể trồng bằng cỏ chất lượng cao với kỹ thuật đơn giản. Cộng với các lợi thế có sẵn, huyện xác định phát triển chăn nuôi đại gia súc tập trung hàng hóa là hướng đi quan trọng trong nền kinh tế địa phương, cần thực hiện đạt hiệu quả cao. Thời gian qua, huyện Nậm Nhùn tập trung xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc. Trong đó nêu rõ mục tiêu cụ thể qua các năm, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện, xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung nhằm cải tạo chất lượng, nâng cao năng suất đàn gia súc. Tạo chuyển biến về nhận thức và nâng cao hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi để Nhân dân mạnh dạn đầu tư, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính của huyện, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Hoạt động tuyên truyền được tổ chức bằng nhiều hình thức như: họp dân, tuyên truyền trên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, tuyên truyền tại các hội nghị; phát tờ rơi. Nội dung nêu rõ những tiềm năng lợi thế của huyện trong việc phát triển chăn nuôi đại gia súc, lý do cần chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung và làm thế nào để xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung thành công.
Ông Mào Văn Tuyển - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mô cho biết: “Song song với công tác hỗ trợ người dân ổn định đời sống sau tái định cư, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền bà con đầu tư, vay vốn phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Chỉ đạo, giúp đỡ các bản quy hoạch các bãi chăn thả, xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung theo nhóm hộ. Với kinh nghiệm chăn nuôi gia súc lâu đời, cộng với áp dụng hình thức chăn nuôi mới, đầu tư chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh giúp đàn trâu, bò phát triển nhanh. Hầu hết, các hộ đã bỏ hẳn chăn nuôi thả rông, nhiều hộ hình thành được đàn gia súc lớn hơn 10 con, mang lại giá trị kinh tế cao”. Đến nay, nông dân xã Mường Mô chăn nuôi tốt đàn đại gia súc đạt hơn 1.100 con (tốc độ tăng đàn tự nhiên đạt 6,3%/năm); xây dựng được 7 mô hình chăn nuôi tập trung.
Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức trong Nhân dân, huyện Nậm Nhùn chú trọng chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp xây dựng chỉ tiêu, lập kế hoạch hỗ trợ người chăn nuôi về giống, vốn, trồng cỏ chất lượng cao và xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Đến nay, người chăn nuôi các xã, thị trấn trồng được 157,16ha cỏ VA06. Tính đến tháng 6/2020, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại trên địa bàn huyện đạt 61,46% (điển hình như xã Nậm Hàng với 89,92%, thị trấn Nậm Nhùn với 84,3%). Công tác quy hoạch các bãi chăn thả được quan tâm thực hiện với tổng số 95 bãi chăn thả tập trung nằm xa khu dân cư, có rào chắn. Hỗ trợ về con giống cho các hộ khó khăn, trong giai đoạn 2016 - 2020 bằng nguồn vốn các chương trình giảm nghèo huyện hỗ trợ tiền mặt cho 720 hộ mua trâu sinh sản; các ngân hàng cho Nhân dân vay vốn mua đại gia súc phát triển sản xuất, tổng dư nợ hơn 53 tỷ đồng, mua 2.104 con trâu, bò. Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc được quan tâm, thực hiện đạt tỷ lệ 95% được tiêm phòng vắc-xin mỗi năm. Ông Cà Văn Pao (ở bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng) chia sẻ: “Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung hàng hóa, gia đình tôi bỏ vốn làm chuồng nuôi, trồng cỏ, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn trâu, bò. Nhờ đó, việc chăn nuôi của gia đình tôi phát triển hơn trước rất nhiều. Đàn trâu, bò 19 con của gia đình luôn có người chăn dắt, sau một ngày chăn thả, được lùa về khu vực chuồng nuôi để quản lý. Gia súc được cho ăn thêm cỏ bổ sung dinh dưỡng, những con có dấu hiệu bị ốm hoặc sắp sinh được giữ lại nuôi nhốt để chăm sóc. Nhờ đó, nhiều năm qua đàn trâu, bò của gia đình tôi không bị chết do dịch bệnh hay tai nạn, mỗi năm bán từ 1 - 2 con mang lại thu nhập”.
Nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ hiệu quả của chính quyền các cấp và việc hưởng ứng nhiệt tình của người dân nên giờ đây chăn nuôi đã trở thành hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hiện, toàn huyện có tổng đàn đại gia súc đạt gần 12.905 con (trâu 8.674 con, bò 4.231 con) tốc độ tăng đàn đạt 8,1%/năm; toàn huyện hình thành 31 mô hình chăn nuôi tập trung. Phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa hiệu quả đã góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững, góp phần đưa thu nhập bình quân toàn huyện hiện đạt 28,5 triệu đồng/người/năm (tăng 2,1 lần so với năm 2015).

Khởi sắc Tà Hừa
Công ty Điện lực Lai Châu: Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương

175 cán bộ Hội CCB tham gia tập huấn công tác giảm nghèo năm 2025

Khai mạc Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2025

Tam Đường: Linh hoạt trong công tác giảm nghèo

Thị trường bất động sản: Tín hiệu lạc quan

Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia” và ra mắt Văn phòng đại diện ACTIV tại tỉnh Lai Châu










