

Sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa là đồng bào Si La tổ chức ăn tết (thời gian khoảng tháng 10, không quá tháng 11 âm lịch). Ngày tết kéo dài 3 ngày, bắt đầu vào ngày con trâu.
Bà con thu hoạch lúa nếp nương về làm nguyên liệu cho bánh giầy.
Trong gia đình người Si La, sau khi ăn tết xong mới được sắp xếp lại bàn thờ tổ tiên. Bố mẹ là người thực hiện, trong trường hợp ốm yếu, con dâu trưởng sẽ làm thay. Bởi theo quan niệm, dâu trưởng sau này sẽ là chủ gia đình. Bàn thờ tổ tiên được đặt góc nhà phía mặt trời lặn, nơi bố mẹ, người chủ gia đình ngủ.
Tết của đồng bào Si La có nhiều đặc biệt. Người Kinh cùng với các dân tộc khác lấy thời điểm giao thừa làm mốc chuyển năm; còn người Si La lấy thời điểm đánh dấu mùa thu hoạch kết thúc để ăn tết. Chính vì vậy, tuỳ thuộc từng nơi mùa vụ thu hoạch sớm hay muộn để tổ chức tết, không nhất thiết phải trùng nhau.
Ngày đầu tiên của tết năm mới, nhà nào cũng mổ lợn. Tùy điều kiện của mỗi gia đình có thể mổ lợn to hay nhỏ. Nhưng quy định chung phải là lợn đực và lợn đen truyền thống còn sử dụng một số bộ phận cần thiết treo lên bậu cửa báo hiệu cho tổ tiên biết nhà mình đã mổ lợn xong.
Nhà nào mổ lợn trong ngày đầu tiên năm mới xong sớm thì năm đó làm ăn có nhiều may mắn.
Việc mổ lợn trong ngày tết thường tiến hành sớm. Người Si La tin rằng, trong ngày này nếu nhà nào mổ lợn xong sớm thì năm đó làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn.
Tết năm mới là cái tết duy nhất trong năm mà con lợn trước khi bị chọc tiết sẽ được “ăn tết” và đồ ăn là bánh trôi và rượu. Lợn được đặt lên ghế băng, hiên nhà hay phiến đá cao, mặt phẳng rộng ở sân nhà. Chủ nhà đặt 3 hòn bánh trôi lên mép lợn, rót chén rượu vào mồm lợn 3 lần. Sau đó, tay đập nhẹ vào đầu lợn, miệng khấn: “Năm nay 1 tạ, sang năm 2 tạ, sang năm nữa 3 tạ”. Theo quan niệm, làm lý như vậy sẽ giúp cho lứa lợn tới sẽ đầy đàn, mau ăn, chóng lớn, mạnh khoẻ, không bị dịch bệnh.
Lợn sau khi mổ, bà con lấy gan lợn để người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà xem vận mệnh của gia đình trong năm đó. 2 chân trước cùng một ít lòng, thịt nạc giao cho chủ nhà làm lễ cúng tổ tiên. Đồ cúng được nấu ở bếp nhỏ trong gian buồng thờ - cũng là nơi ngủ của vợ chồng gia chủ. Nghi lễ cúng được thực hiện ngay sau khi đồ cúng được chế biến xong.
Các hộ gia đình đều mang về nhà trưởng họ để cúng tổ tiên.
Lễ cúng năm mới mang ý nghĩa cầu mong cho tổ tiên và các vị thần linh phù hộ cho mùa màng bội thu. Do đó, lễ vật ngoài lợn còn có 2 con sóc (tượng trưng cho sự nhanh nhẹn); 2 con cua; 2 con cá (sống dưới nước, cầu mong dân tộc Si La đi đâu cũng có nước để sinh sống); 2 cái bánh giầy (ba pa).
Trong ngày tết, bà con vui chơi thể thao thể hiện tinh thần đoàn kết.
Khi mặt trời ngả về chiều, những người trưởng thành trong gia đình cùng chuẩn bị các điều kiện cho lễ cúng theo đúng quy trình và cách thức của dân tộc. Sau khi hoàn tất mâm cúng (1 gói thịt sóc, 1 gói thịt cá, 1 gói cua, 3 bông lúa và 1 gói bánh giầy), lần lượt các hộ gia đình đều mang về nhà trưởng họ, đặt dưới chân bàn thờ. Những người chủ hộ trong dòng họ phải có mặt để cúng tổ tiên.
Trước đây, người Si La không tổ chức vui chơi trong ngày mừng cơm mới do cuộc sống di cư nhưng với sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư và khuyến khích của Nhà nước, của huyện, giờ đây trong tết năm mới của đồng bào Si La, các hoạt động thi, giao lưu văn nghệ, thể thao đã được tổ chức thường xuyên và sôi nổi.
Người Si La rất yêu thích văn nghệ, chơi và nghe các loại nhạc cụ như món ăn tinh thần không thể thiếu được. Vì thế, đồng bào đã chế tác được nhiều loại nhạc cụ riêng của dân tộc mình như: sáo, đàn tre…
Nhân dân hát múa vui đón tết cổ truyền của dân tộc Si La.
Ngoài lễ tết cổ truyền, các lễ, tết của người Si La hiện nay vẫn còn duy trì được lễ mừng lúa mới, tết năm mới, lễ cúng bản, lễ cúng ma suối, các bài hát, điệu múa. Tuy nhiên, một số giá trị văn hóa truyền thống, các món ăn truyền thống, một số làn điệu dân ca, dân vũ... đang dần mai một. Vì vậy, cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện để có những chính sách, cách làm bảo tồn kịp thời.

Than Uyên: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

15 hội viên tham gia trại sáng tác tại huyện Tân Uyên

Ngày hội “Hương sắc bản Mông” năm 2025

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng










