

Các thành viên trong Đoàn được chị Nguyễn Kim Ngân - hướng dẫn viên Ban Quản lý Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào đưa đi thăm quan Lán Nà Nưa (hay còn gọi là Nà Lừa). Đây là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8/1945 để chuẩn bị cho Cuộc tổng khởi nghĩa. Với giọng nói truyền cảm, chị Ngân giới thiệu cho chúng tôi nghe về Lán Nà Lừa được dựng bằng tre, mái lợp lá cọ theo kiểu nhà sàn. Tại Lán Nà Lừa (từ ngày 4 - 6/8/1945), Bác Hồ triệu tập Hội nghị cán bộ để chuẩn bị thành lập “Khu giải phóng, Quân giải phóng”, tiến tới Quốc dân Đại hội, Tổng khởi nghĩa. Mỗi năm, Lán Nà Nưa thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chị Ngân còn kể câu chuyện về nơi ở và làm việc tuy đơn sơ và đạm bạc nhưng Bác Hồ đã lãnh đạo Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền cả nước.
Đoàn công tác Báo Lai Châu cùng một số báo bạn tại điểm di tích lịch sử Lán Nà Lừa.
Điểm đến thứ 2 chúng tôi dừng chân là Đình Tân Trào, nơi thờ Thành Hoàng của cư dân làng Tân Lập. Theo lời diễn thuyết của chị Ngân thì đình Tân Trào được chính quyền và Nhân dân xây dựng năm 1923 theo kiểu nhà sàn, cột gỗ 3 gian 2 chái, mái lợp lá cọ. Tại Đình Tân Trào, ngày 16/8/1945, đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc về dự họp Quốc dân Đại hội nhằm thống nhất chủ trương tiến hành Cuộc tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa, 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng 17/8/1945, thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đọc lời thề thiêng liêng trong Lễ ra mắt Quốc dân tại Đình Tân Trào. Thăm quan Đình Tân Trào, chúng tôi như được chứng kiến khí thế sôi nổi của Quốc dân Đại hội trong những ngày hừng hực cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám năm 1945; giọng Bác trang nghiêm, lời thề ngắn gọn, hùng hồn thể hiện khí phách kiên cường bất khuất của dân tộc ta.
Điểm thăm quan cuối cùng của chúng tôi, chị Ngân giới thiệu về dấu ấn di tích lịch sử cây đa Tân Trào. Dưới gốc cây đa Tân Trào, chiều ngày 16/8/1945, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của Nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu toàn quốc về dự. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân giải phóng lên đường qua tỉnh Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội. Từ đó đến nay, cây đa Tân Trào trở thành một biểu tượng cách mạng của thủ đô hhu giải phóng Tuyên Quang. Nghe chị Ngân diễn thuyết, chúng tôi như được hòa vào không khí hào hùng của những tháng năm lịch sử. Cây đa Tân Trào là niềm tự hào với giá trị lịch sử quan trọng của Nhân dân tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung. Di tích lịch sử cây đa Tân Trào trở thành điểm du lịch thăm quan và tìm hiểu lịch sử nổi tiếng tại tỉnh Tuyên Quang.
Hiện, tỉnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp chăm sóc, bảo tồn cây đa Tân Trào lịch sử vượt qua quy luật sinh tử nhằm phát huy giá trị lịch sử. Năm 1945, cây đa Tân Trào cành lá sum suê tỏa bóng mát với hai cây mọc cách nhau chừng 10m, người dân địa phương thường gọi là “cây đa ông” và “cây đa bà”. Trận bão năm 1993, “cây đa ông” bị đổ, còn lại một nhánh nhỏ. Bấy giờ, “cây đa bà” cũng không tránh khỏi quy luật sinh tử, lá ngả vàng, một số ngọn bị chết. Năm 2008, cây đa Tân Trào sót lại một cành hướng Đông Bắc của “cây đa bà”. Tỉnh Tuyên Quang đưa ra các phương án chăm sóc và hồi sinh cho cây đa Tân Trào. Đến nay, cây đang dần phục hồi, xuất hiện thêm nhiều chồi non, báo hiệu sự sống nảy nở mạnh mẽ. Cụ thể, “cây đa bà” phát triển thành 2 cụm rễ gồm 38 rễ lớn nhỏ, tán rộng tỏa bóng xanh mát. Nhánh nhỏ, “cây đa ông” cũng đang phục hồi, phát triển thành cụm cây mới tươi tốt.
Chia tay Khu du lịch, lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào, chúng tôi vững niềm tin, Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thi đua lao động sản xuất và chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp.
Đêm Tân Uyên Trà và Thơ

Chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

15 hội viên tham gia trại sáng tác tại huyện Tân Uyên

Ngày hội “Hương sắc bản Mông” năm 2025

Phát triển du lịch xanh, bền vững

Nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống ở Phong Thổ

Chảng Phàng điểm du lịch tiềm năng

Các đơn vị của Vùng 3 hưởng ứng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2025










