

Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Anh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Sáng cho biết: “Rèn kỹ năng sống cho trẻ mầm non là vô cùng quan trọng, bởi lẽ khi trẻ đến trường, đến lớp, mối quan hệ xã hội được mở rộng, các em làm quen, tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, đồng thời tiếp xúc với nhiều người lạ khi đi dã ngoại, đi chơi với gia đình. Đây là giai đoạn trẻ cần được rèn luyện các kỹ năng cơ bản để làm quen với thực tế và môi trường xung quanh. Để học sinh có kỹ năng sống tốt, Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch từ lựa chọn nội dung đến hình thức, phương pháp rèn cho trẻ phù hợp với từng lứa tuổi. Quan tâm xây dựng môi trường hoạt động, tạo nhiều cơ hội cho trẻ tham gia thực hành, trải nghiệm và khám phá. Tổ chức hoạt động tập thể, giáo dục, vui chơi có sự tham gia của phụ huynh, cộng đồng để trẻ tiếp xúc, giao lưu, tìm hiểu về môi trường thiên nhiên và xã hội”.
Trường Mầm non Sao Sáng có 11 lớp với 313 trẻ, 33 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Các kỹ năng sống dành cho trẻ mầm non như: nhận thức, vận động, giao tiếp, tự phục vụ và tự vệ, kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề, hợp tác làm việc theo nhóm... thường xuyên được giáo viên lồng ghép trong tiết học, buổi hoạt động ngoài trời hay tham quan dã ngoại tại Bảo tàng tỉnh, công viên, khu vui chơi.
Chúng tôi cùng cô giáo hiệu trưởng thăm lớp mẫu giáo lớn A2 vừa lúc cô - trò đang thực hành gấp quần áo. Cô gấp làm mẫu trước, các con nhìn và làm theo sau. Quần, áo được gấp bởi những đôi tay nhỏ cũng thật gọn gàng. Cháu Nguyễn Vũ Khánh Chi nói với chúng tôi: “Ở lớp, cô dạy con cách đánh răng, gấp quần áo, rửa tay, nhặt rau, mời trà. Khi về nhà, con thường tự vệ sinh cá nhân và làm những công việc nhỏ, rót nước mời ông bà, bố mẹ”.
Cô - trò lớp mẫu giáo lớn A2, Trường Mầm non Sao Sáng thực hành gấp quần áo.
Theo lời cô giáo Vũ Thị Quế - giáo viên phụ trách lớp mẫu giáo lớn A2, các kỹ năng được cô giáo hướng dẫn, các cháu đều hứng thú và làm theo rất nhanh. Giáo viên của lớp dạy kết hợp nhiều kỹ năng để trẻ tự biết chăm sóc bản thân và phụ giúp bố mẹ khi ở nhà. Ví dụ, ở lớp, trước bữa ăn, các cháu phải rửa tay sạch theo các bước, xếp ghế vào bàn ăn. Rèn các kỹ năng không những giúp trẻ biết tự lập, chăm sóc bản thân còn tạo hứng thú để trẻ vui vẻ, yêu thích đến trường. Qua đó, giáo viên dễ dàng phát hiện những sở thích, tài năng của trẻ để phân loại nhóm trong học tập, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm học này, nhà trường bổ sung thêm cho trẻ từ mẫu giáo nhỡ trở lên kỹ năng thoát hiểm khi gặp người xấu, phòng tránh xâm hại. Cụ thể, hướng dẫn trẻ các cách thoát hiểm như: dùng chân giẫm, cắn tay người có hành vi xấu, sau đó cầu cứu nhờ người giúp đỡ. Dạy trẻ phân biệt được đâu là yêu thương, đâu là bạo hành. Giờ ngủ trưa trên lớp, giáo viên chia khu vực ngủ riêng biệt đối với học sinh nam và nữ. Khi thay đồ, các bạn nữ sẽ vào nhà vệ sinh, tránh tâm lý e ngại, xấu hổ.
Với những nỗ lực của tập thể nhà trường và sự phối hợp của các bậc phụ huynh, tỷ lệ chuyên cần của Trường Mầm non Sao Sáng luôn đạt từ 90% trở lên, chất lượng nghiệm thu trẻ 5 tuổi đạt 100%.
Trẻ mầm non như tờ giấy trắng còn kỹ năng sống như những chiếc bút màu. Hy vọng, Trường Mầm non Sao Sáng nói riêng, các trường mầm non trên địa bàn thành phố nói chung sẽ tiếp tục cùng với các bậc phụ huynh trang bị thêm nhiều kỹ năng sống cần thiết cho trẻ. Qua đó, giúp các bé tự tin, hòa nhập với môi trường sống xung quanh.
Công ty Điện lực Lai Châu: Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2025–2030

Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”

Đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định phục vụ nhân dân

Tiên phong trên mặt trận truyền thông, lan tỏa tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

Đa dạng hoạt động giúp nông dân xóa nhà tạm

Bum Tở quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Lai Châu triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Công ty Điện lực Lai Châu: Diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn - xử lý sự cố - an toàn năm 2025








