Thứ tư, 09/10/2024, 00:23 [GMT+7]

Phát triển nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 20/07/2020 - 16:58'
Dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tận dụng lợi thế vùng lòng hồ nuôi trồng, khai thác thủy sản; phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” - đó là thành quả nổi bật sau 7 năm huyện Nậm Nhùn chia tách và thành lập. Huyện đã có những bước đi vững chắc, triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

Huyện Nậm Nhùn có diện tích tự nhiên rộng, mật độ dân cư thấp, địa hình chia cắt lớn. Khi mới thành lập, giao thông trên địa bàn huyện khó khăn, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ; diện tích đất sản xuất ít và phân tán; trồng trọt, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, kỹ thuật sản xuất lạc hậu. Sản phẩm nông nghiệp phần lớn tự cung tự cấp, chưa có sản phẩm hàng hóa cũng như hình thành sản phẩm chủ lực. Năm 2015, Nậm Nhùn có tới 9/10 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đây là thách thức rất lớn trong quá trình xây dựng NTM của huyện.

Đồng chí Nguyễn Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình trồng nhãn tại xã Mường Mô.

Đồng chí Nguyễn Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cùng đoàn công tác kiểm tra mô hình trồng nhãn tại xã Mường Mô.

Thực hiện dự án tái định cư Thủy điện Sơn La và Lai Châu là điều kiện để huyện sắp xếp lại dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ (điện - đường - trường - trạm - trụ sở - nhà văn hóa - thủy lợi), tổ chức lại sản xuất và xây dựng NTM. Đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng; phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung; UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp… Trong 5 năm qua, huyện đã xây dựng vùng cây ăn quả tại các xã: Mường Mô, Nậm Manh, Nậm Hàng, Lê Lợi, Pú Đao và thị trấn Nậm Nhùn; khai hoang trên 250ha ruộng nước, giảm dần canh tác cây trồng lương thực trên đất dốc. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp phát triển, lương thực có hạt tăng cả về diện tích và sản lượng (tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 12.000 tấn, tăng 1.443 tấn so với năm 2015); lương thực bình quân đầu người đạt 431kg/người/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 45,2%/năm. Chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung bước đầu hình thành và phát triển; tốc độ tăng trưởng đàn bình quân trên 5%/năm; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đạt 60%.

Đến nay, toàn huyện có 100ha lúa chất lượng cao tại xã Nậm Hàng; 63ha cây mắc-ca, 220ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn và xoài Đài Loan. Tập trung phát triển các cây trồng mới có nhiều tiềm năng như: chanh leo, dứa, lê, trám, gỗ tếch, dược liệu (sa nhân, thảo quả sản lượng 152,3 tấn/năm). Đã hình thành và phát triển 240 lồng cá trên lòng hồ thủy điện. Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ Thủy điện Sơn La và Lai Châu, sản lượng hằng năm đạt trên 150 tấn. Lãnh, chỉ đạo quyết liệt công tác bảo vệ và phát triển rừng; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong liên kết phát triển nông nghiệp. Hiện, huyện đã có 603/2.057ha cây cao su cho khai thác mủ, sản lượng 0,9 tấn/ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%. Tính đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đạt 28,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,1 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 45,86% (năm 2015) xuống còn 19,66%.
Nông nghiệp phát triển, thu nhập của người dân tăng, thực hiện lồng ghép các phong trào thi đua yêu nước với xây dựng NTM là tiền đề để các xã vững tiến thực hiện mục tiêu cán đích sớm nhất. Vai trò chủ thể của người dân được phát huy theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, huy động các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và vốn đóng góp của Nhân dân với tổng số tiền 160 tỷ đồng. Kết quả đầu tư cơ sở hạ tầng làm tiền đề để nông nghiệp phát triển, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn nâng lên. Đến nay, toàn huyện có 3/10 xã đạt chuẩn NTM (Lê Lợi, Pú Đao, Mường Mô), bình quân đạt 14,1 tiêu chí NTM/xã.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Nậm Nhùn tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cấp theo hướng hiện đại. Thực hiện tốt đề án đào tạo nghề, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã. Xây dựng NTM theo hướng phát triển bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc; tập trung kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị. Chủ động giải quyết tốt những vấn đề phát sinh ở nông thôn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố; cảnh quan, môi trường nông thôn dần được cải thiện theo hướng xanh - sạch - đẹp.

Nguyễn Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...