Người dân Nậm Cuổi “đổi đời” từ cây cao su
“Bây giờ ở Nậm Cuổi hầu như nhà nào cũng có xe máy đi, ti vi để xem, tất cả những thứ đó đều từ cây cao su mà ra”- Lời khẳng định của ông Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Cuổi Lò Văn Nhính đã khiến tôi theo ông về thăm Nậm Cuổi. Nhìn từ xa, các đồi cao su của Nậm Cuổi xanh ngút tầm mắt. Chỉ tay về những quả đồi bạt ngàn màu xanh của cây cao su, ông Nhính cho biết: "Trước đây toàn bộ khu đồi này chỉ là nương khô cằn, bạc màu, trồng trọt kém hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm đẩy nhanh xoá đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người dân, tiến tới làm giàu chính đáng trên quê hương, tháng 5/2008 Nậm Cuổi bắt đầu triển khai trồng cây cao su. Chỉ một vài năm nữa thôi cây cao su sẽ cho thu hoạch, rồi khu này chẳng khác gì những rừng cao su ở Gia Lai, Bình Phước”.
Người dân xã Nậm Cuổi chăm sóc cây cao su.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết người dân trong vùng quy hoạch trồng cây cao su được hỗ trợ 5 triệu đồng/ha đất trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm để chuyển đổi sang trồng cao su; 3 triệu đồng/ha đối với đất trồng cây hàng năm; 2 triệu đồng với đất trồng cây lâm nghiệp và 3 triệu đồng hỗ trợ di chuyển nhà. Ngoài mức hỗ trợ này, người dân trong vùng dự án còn được ưu tiên tuyển dụng làm công nhân trồng cao su. Hiện nay, toàn xã đã có 1.350ha cao su và có 270 người làm công nhân của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu.
Dừng tay quệt mồ hôi trên trán, anh Vì Văn Lản, ở bản Cuổi Tở 2 (là công nhân của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu) nói: “Cây cao su lên xanh là đời người công nhân như chúng tôi sáng rồi”. Nụ cười tươi rói trên khuôn mặt anh Lản khiến chúng tôi vui lây. Được biết, trước đây gia đình anh Lản cũng là một trong những hộ nghèo nhưng từ khi anh vào làm công nhân của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu, cuộc sống khấm khá hơn, con cái được đến trường đầy đủ. Anh Lản cho biết: “ Công việc tuy vất vả nhưng thu nhập cao và ổn định hơn hẳn so với làm nương, rẫy trước kia, tôi mừng lắm cố gắng làm tốt công việc được giao”.
Cũng giống như anh Lản, anh Lò Văn Học ở bản Phiêng Phai cũng từ một hộ nghèo, mỗi mùa giáp hạt đến, gia đình anh phải chạy ăn từng bữa. Từ khi được làm công nhân của Công ty không những có thu nhập ổn định, gia đình anh còn thoát khỏi đói nghèo. Theo anh Học, từ khi cây cao su về với bản, không chỉ thanh niên tham được nhận vào làm công nhân cho Công ty mà còn tạo việc làm thời vụ người dân trong xã với mức thu nhập từ 70.000 - 80.000 đồng/ngày (lao động thời vụ); 2 - 3 triệu đồng/tháng (công nhân Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu). Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 49%.
Với sự nỗ lực của Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu, chính quyền và nhân dân nơi đây, tin rằng “vàng trắng” nảy mầm, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Tường Lam
Bình luận