Vĩnh biệt Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký – Người thầy không cần phấn trắng và bảng đen
Nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký với cuốn tự truyện nổi tiếng
Tôi may mắn được làm học trò của thầy từ năm 1985. Không chỉ riêng với tôi – cái tên Nguyễn Ngọc Ký – người thầy giáo không cần phấn trắng và bảng đen – đã trở thành biểu tượng tự hào của lòng nhân đạo, một tấm gương về lòng kiên nhẫn…
LÀ THẦY LÀ BẠN. Những năm 80 của thế kỷ trước cứ mỗi khi thầy trò chúng tôi nghỉ giải lao sau mỗi tiết học, thể nào cũng có vài người đi chợ huyện qua trường, đứng từ hàng rào nhìn vào sân trường để xem thầy Ký « liệt » đá cầu và đá bóng với lũ học trò nghịch như quỷ sứ. Thầy là người dạy chúng tôi đá cầu chinh. Chúng tôi thường đứng thành vòng tròn để thi đấu. Bọn trẻ lúc nào cũng tìm cách đá những miếng cầu khó « bắt bí » thầy nhưng phần thua bao giờ cũng thuộc về lũ trẻ.
Thầy tâng cầu rất giỏi. Chúng tôi chỉ giúp thầy tung quả cầu lên và cứ thế tròn mắt mà nhìn thầy tâng cầu với mơ ước rằng mình cũng điều khiển được cầu giỏi như thế.
Vào đầu mỗi học kỳ, chúng tôi thường chờ đợi để được thầy viết tặng cho mỗi đứa một bảng thời khóa biểu mới. Chữ thầy đẹp. Chân phương và mềm mại. Tôi thường dán bảng thời khóa biểu thầy tặng vào góc học tập và luyện theo nét chữ của thầy.
Không chỉ tham gia các trò chơi với trò, thầy còn trở thành một người bạn lớn để chúng tôi có thể nói với thầy đủ mọi thứ chuyện. Nụ cười của thầy làm chúng tôi tin cậy để chia sẻ những tâm sự con trẻ mà không lo bị thầy nạt: Chuyện trẻ con.
LÀ THẦY LÀ CHA. Cứ mỗi khi đợt ôn thi đội tuyển tạm kết thúc, chúng tôi lại kéo nhau lên nhà thầy. Nếp nhà nhỏ ở xóm Nguyễn Mi, xã Hải Thanh luôn nhộn nhịp, ồn ã mỗi khi chúng tôi đến.
Nhà thầy có một mảnh vườn nho nhỏ, trồng ổi, nhót và chanh, quất chỉ để phục vụ lũ học trò chúng tôi. Bao giờ đến nhà thầy, cô Nhiễu vợ thầy cũng chuẩn bị một nồi khoai. Còn thầy thì pha trà. Đứa nào cũng thích được đến đây để nghe thầy đọc thơ, kể chuyện và nghe những lời chỉ bảo tận tình.
Chúng tôi luôn yêu cầu thầy kể về cuộc đời của thầy, về những kỷ niệm mà trong đó luôn đầy ắp những kiến thức về cuộc sống. Hình ảnh thầy ngồi trên sập gỗ giữa nhà còn lũ chúng tôi vây xung quanh luôn hiện về trong ký ức. Thầy không ngâm thơ, chỉ đọc thôi nhưng thầy có một giọng đọc thơ rất đặc biệt. Âm vực luyến láy trữ tình.
Khi chúng tôi học tập trung đội tuyển, thầy trò ở tập thể cùng nhau. Thầy hiểu tính nết từng đứa. Ngoài giờ học thầy luôn uốn nắn chỉ bảo cho chúng tôi cách xử thế. Thầy cũng rất nhạy cảm về tâm lý vì vậy lũ học trò tuổi 12 – 14 ương ương dở dở luôn luôn tìm thầy như một cứu cánh. Sau này, khi nghỉ công tác giảng dạy thầy còn tham gia với tư cách là một tư vấn viên của Trung tâm tư vấn tâm lý giáo dục trẻ em của Thành phố Hồ Chí Minh và được nhiều người biết đến qua tổng đài 1088.
Đôi chân huyền thoại tạo cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò
MỘT TẤM GƯƠNG VỀ ĐẠO ĐỨC VÀ NGHỊ LỰC: Với thầy, nghiêm túc với bản thân dường như là một nguyên tắc bất di bất dịch. Còn nhớ khi hai thầy trò ở cùng nhau trong khu tập thể của trường. Mặc dù có rất nhiều việc tôi có thể giúp thầy nhưng không bao giờ thầy đồng ý. Chỉ duy nhất có một việc tôi được phép giúp thầy đó là cài khuy áo cho thầy trước giờ lên lớp. Thầy bao giờ cũng dậy thật sớm. Tập thể dục và vệ sinh cá nhân. Đun một ấm nước sôi để khi trò dậy có nước ấm để rửa mặt.
Tôi chưa bao giờ thấy thầy nổi cáu. Lúc nào cũng nhẹ nhàng. Cả những lúc bọn học trò của tôi làm những điều thầy phải bận lòng. Có lẽ những nỗ lực chiến thắng tật nguyền đã giúp thầy có được một tâm thái cân bằng đến vậy.
Mỗi lần nghĩ về ngôi trường cũ, chúng tôi không bao giờ quên hình ảnh những hàng khẩu hiệu: DẠY TỐT – HỌC TỐT treo ở mỗi lớp trong trường. Toàn bộ những khẩu hiệu đỏ do chính… chân thầy tự cắt. Ngẫm ra đó cũng là một biện pháp động viên giáo dục hiệu quả đối với giáo viên và học trò. Nghị lực của thầy giúp cho thầy giáo, cô giáo dạy tốt hơn còn trò cũng học tốt hơn. Vì thế đội tuyển văn, toán các khối của trường tôi đi thi luôn đạt được những thành tích đáng kể.
Trong một lần gặp nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại quê hương Hải Thanh, Hải Hậu, Nam Định.
MỘT NHÀ SƯ PHẠM GIỎI: Giờ dạy của thầy không có phấn trắng và bảng đen. Thầy dạy chúng tôi Lý luận văn học và Thực hành sáng tác. Chúng tôi chỉ nghe thầy giảng bài, nhưng cách truyền đạt của thầy luôn rành mạch nhưng cũng uyển chuyển và dịu dàng. Ở thầy là cả một kho kiến thức. Thầy yêu sách, đọc rất nhiều và truyền niềm say mê đó sang cho cả lớp học trò chúng tôi.
Thầy luôn khuyến khích chúng tôi đọc sách và chia sẻ. Thầy không chỉ là thầy giáo giảng dạy văn học mà còn là một nhà sư phạm toán. Khi còn dạy chúng tôi, lúc nào trong xắc-cốt của thầy cũng có com-pa, bút chì và thước kẻ để sẵn sàng khi học trò nhờ thầy giảng về các bài toán. Chúng tôi thường hay nói vui với thầy: Bởi thầy thương học trò chuyên văn kém toán nên phải đa mang…
Có lẽ cũng có rất ít người biết rằng thầy vốn là một học sinh giỏi toán. Từng 2 lần được Bác Hồ tặng huy với thành tích đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc hai năm liền (1962, 1963). Nhưng tình yêu văn chương và khát khao sáng tạo văn chương đã khiến thầy chuyển hướng. Mặc dù giảng dạy văn học nhưng năm 1983 thầy đã đoạt giải nhất trong hội thi giáo viên giỏi toán tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Bằng tài năng và nỗ lực thầy đã được biết đến là một Kỷ lục của Việt Nam – Người viết văn bằng chân nhiều nhất với hàng chục đầu sách đã được xuất bản, trong đó nổi tiếng nhất là cuốn tự truyện Tôi đi học được tái bản nhiều lần.
Một sự hữu duyên đưa thầy đến với ngành sư phạm. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp đại học Tổng hợp, thầy được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Khi biết tân Cử nhân đặc biệt Nguyễn Ngọc Ký mong muốn được viết những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi, Thủ tướng khuyên anh nên chọn nghề dạy học, để tích lũy vốn sống và có thể tiếp cận nhiều hơn với thế giới tuổi thơ.
Năm 1993, thầy chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Thầy không trực tiếp làm công tác giảng dạy nữa mà chuyển về phòng Giáo dục Quận Gò Vấp. Ở vị trí công tác mới thầy viết các chuyên luận sâu sắc về công tác giáo dục giúp ích rất nhiều cho các giáo viên trẻ. Thầy tâm đắc với dự án « Xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho học sinh tiểu học » (Từ lớp 1 đến lớp 5).
BIỂU TƯỢNG CỦA TÌNH YÊU: Thầy còn biết đến như là một biểu tượng của tình yêu. Vợ thầy, cô gái Vũ Thị Nhiễu – Em họ nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã vượt qua mọi trở ngại để yêu anh chàng Ký « liệt ». Cô trở thành chỗ dựa tinh thần cực kỳ quan trọng cho cuộc đời dạy học và sáng tác của thầy. Cô và thầy công tác ở hai trường khác nhau. Buổi sáng, cô chở thầy từ nhà tới trường rồi mới tới chỗ làm của mình. Hình ảnh hai cô thầy chở nhau trên chiếc xe đạp Nam Hà cũ kỹ ngày nắng cũng như ngày mưa, đã trở nên quen thuộc với lũ học trò chúng tôi. Năm 1994, cô bị tai biến mạch máu não. Chúng tôi đã rơi nước mắt lúc xem một phóng sự về thầy cô trên VTV khi nghe cô nói: Vợ chồng tôi bây giờ chỉ còn 1 tay và 3 chân… Thế nhưng không lúc nào họ không dành cho nhau sự quan tâm chu đáo nhất. Năm 2001, cô Nhiễu không qua được bệnh hiểm nghèo. Tưởng như mất mát này khiến thầy không gượng lại được. Nhưng thật cảm động khi chúng tôi biết rằng trước khi mất, cô Nhiễu đã kịp « nối dây » cô em gái ruột của mình (cũng không may góa chồng) cho thầy.
Mối duyên này đã tiếp nối hơn 20 năm cho đến ngày thầy rời cõi tạm.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đột ngột qua đời rạng sáng 28/9/2022, hưởng thọ 76 tuổi. Tang lễ được cử hành tại tư gia số 12 đường 623D Khu dân cư Nam Long, phường Phước Long, thành phố Thủ Đức.
Lễ nhập quan sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ sáng nay, 28/9, lễ động quan được tổ chức lúc 14 giờ chiều cùng ngày. Sau đó, linh cữu cố nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký được đưa đi hỏa táng tại Phước Lạc Viên thuộc TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Năm 2005, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã tặng ông danh hiệu: "Người thầy đầu tiên của Việt Nam dùng chân để viết”. Cuộc đời và quá trình luyện viết của ông đã vào những trang sách giáo khoa. Ông cũng được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và bồi dưỡng lòng ham học cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước.
Mặc dù phải chống chọi với bệnh suy thận, tuần 3 lần phải chạy thận nhân tạo, song với nghị lực và quyết tâm phi thường, ông vẫn miệt mài đi giao lưu với học sinh, vừa tiếp khách tư vấn tâm lí qua Tổng đài 1088 và vừa sáng tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2013, nhân dịp Nick Vujicic đến Việt Nam, ông là một trong 24 tấm gương "Hạt giống tâm hồn" của Việt Nam được vinh danh ở Trung tâm Hội nghị White Palace (Thành phố Hồ Chí Minh).
Cập nhật: Thứ tư, 28/9/2022 | 7:44:21 AM//http://baoyenbai.com.vn/
Bình luận