Thứ bảy, 05/10/2024, 06:48 [GMT+7]

Giúp người dân vùng biên xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh

Thứ bảy, 01/06/2024 - 11:05'
(BLC) - Những năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chỉ đạo lực lượng biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) vùng biên giới. Giúp đồng bào nâng cao nhận thức, bài trừ những hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi… Từng bước nâng cao mức hưởng thụ, sáng tạo văn hóa tinh thần của nhân dân nơi biên giới, thúc đẩy kinh tế, xã hội ở địa phương phát triển.

Vùng biên giới của tỉnh Lai Châu có địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều... Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cuộc sống số phát triển không ngừng, các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ tới từng xã, bản biên giới… tác động rất lớn đến đời sống của người dân. Trong 10 năm trở lại đây, BĐBP tỉnh phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện hàng chục vụ việc, thu giữ 220 cuốn sách, 358 đĩa VCD, DVD (các loại)… có nội dung độc hại tại khu vực biên giới. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, một số hủ tục lạc hậu như tổ chức đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm... vẫn còn tồn tại, làm ảnh hưởng tới phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc.

Chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông (huyện Phong Thổ) tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sự xâm nhập của các ấn phẩm độc hại vào địa bàn.

Xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, để đấu tranh có hiệu quả với văn hóa xấu độc, truyền bá tư tưởng sai trái, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục của cộng đồng các dân tộc trên khu vực biên giới, BĐBP tỉnh đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp trong tỉnh đối với lĩnh vực văn hóa.

Đại tá Lê Công Thành - Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chia sẻ: Lai Châu có đường biên giới dài 265,165km với 101 mốc quốc giới. Toàn tỉnh có 22 xã biên giới thuộc 4 huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè. Nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác đấu tranh với các sản phẩm văn hóa độc hại, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục trên khu vực biên giới. Chỉ đạo các đồn Biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát khu cửa khẩu, lối mở, chợ biên giới đấu tranh chống sự xâm nhập của các ấn phẩm độc hại vào địa bàn, làm ảnh hưởng tới đời sống, tinh thần lành mạnh của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu chỉ đạo tập trung hướng mạnh về cơ sở, phát huy vai trò, trách nhiệm của 21 cán bộ biên phòng tăng cường tham gia cấp ủy cấp xã. Các cán bộ tăng cường trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy xã đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh ở địa phương. Đưa những nội dung cần cải tiến, cắt giảm, bài trừ các hủ tục, phong tục lạc hậu vào quy ước, hương ước của thôn, bản. Thường xuyên báo cáo Đảng ủy đồn Biên phòng những vấn đề nảy sinh, khó khăn, vướng mắc ở cơ sở để Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thống nhất với cấp ủy, chính quyền địa phương tìm ra chủ trương, giải pháp thực hiện.

Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng và cần phải làm theo hình thức “mưa dầm thấm lâu” để đồng bào hiểu, tự nguyện, tự giác xóa bỏ hủ tục, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đồn Biên phòng xây dựng kế hoạch phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên tập trung tuyên truyền bảo tồn phong tục truyền thống, nền văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới, góp phần xây dựng nền văn hóa các dân tộc tốt đẹp lành mạnh và bài trừ các hủ tục, lạc hậu. Góp phần nâng cao nhận thức, kịp thời định hướng tư tưởng, thống nhất hành động; cảnh giác, chủ động ngăn chặn tin giả, đấu tranh phản bác với các luận điệu xuyên tạc, thông tin bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động tác động, ảnh hưởng tới nền văn hóa tốt đẹp của các dân tộc khu vực biên giới.

Với sự chung sức đồng lòng của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng biên phòng Lai Châu đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất và mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân khu vực biên giới. Chung sức xây dựng biên giới bình yên, phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có trên 85% gia đình thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; 100% nhân dân thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội; 100% thôn, bản, tổ dân phố xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước tại cộng đồng; 86% hộ gia đình, 74,7% thôn, bản tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa.

Đặc biệt, văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới được quan tâm, đầu tư phát triển. Nổi bật như: Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông ở xã Dào San (huyện Phong Thổ), Gạ Ma Thú của người Hà Nhì xã Ka Lăng, Tết Cổ truyền của đồng bào Hà Nhì huyện Mường Tè... và nhiều nét đẹp văn hóa của các dân tộc đang được gìn giữ, bảo tồn. Các xã, bản khu vực biên giới đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa và đội văn nghệ của các xã, bản được thành lập, duy trì phát triển… Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các khu vực dân cư ở thành thị với khu vực vùng sâu, xa, biên giới. Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống theo xu hướng văn minh, tiến bộ cho đồng bào nơi biên cương Tổ quốc. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu, đến năm 2030, các địa phương trong tỉnh cơ bản xóa bỏ hết các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, các hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện tốt các nội dung xây dựng nếp sống văn minh và nông thôn mới.

Phương Lan

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...