Thứ sáu, 20/09/2024, 21:27 [GMT+7]

Những người thắp sáng lớp học biên cương

Thứ bảy, 25/06/2022 - 16:33'
Buổi sớm làm nhiệm vụ trên chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, tối lại trở thành thầy giáo, đó là công việc thường ngày của “tổ giáo viên” Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị. Nhiều phụ nữ người Vân Kiều ở xã Thanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) không chỉ biết đọc, viết, tính toán, mà còn nhận được nhiều hơn thế nhờ những lớp học cơ động của các thầy giáo Biên phòng.

Trung úy Hồ Văn Lãng, nhân viên Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị hướng dẫn các học viên tập viết. Ảnh: Trúc Hà

Trung úy Hồ Văn Lãng, nhân viên Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị hướng dẫn các học viên tập viết. Ảnh: Trúc Hà

Lớp học đặc biệt

Đã gần 1 tháng nay, Trung úy Hồ Văn Lăng (thực hiện nhiệm vụ tại chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 64, Đồn Biên phòng Thanh) đều ăn cơm tối sớm hơn mọi người để đúng 18 giờ đi xe đến nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A Ho (xã Thanh). Trung úy Hồ Văn Lăng được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ làm giáo viên lớp học chống tái mù chữ cho phụ nữ ở thôn A Ho. 19 giờ lớp học mới bắt đầu, nhưng hôm nào cũng vậy, Trung úy Hồ Văn Lăng đến sớm làm công tác chuẩn bị cũng là để các học viên biết giờ học sắp bắt đầu, cần nhanh chóng tới lớp.

Mặc dù không có tiết dạy nhưng Trung úy Nguyễn Văn Hoàng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cũng tới lớp bởi: “Tôi là tổ trưởng nên ngoài việc đứng lớp ra, còn phải phụ trách đảm bảo nội dung giảng dạy. Lớp học mới khai giảng chưa được 1 tháng, học viên vẫn đang trong giai đoạn làm quen con chữ, học đánh vần nên cần nhiều sự hỗ trợ của giáo viên. Khi nào lớp ổn định sẽ chỉ cần 1 giáo viên duy trì lớp học”.

Có đến đây mới thấy được sự cố gắng của thầy trò ở lớp học đặc biệt nơi biên cương này. Cả ngày chị em học viên phải đảm đương việc nương rẫy, nuôi lợn, gà, lo cơm nước nhưng 19 giờ đều có mặt ở lớp và học liên tục từ thứ 2 đến thứ 6. Tuy nhiên, theo Trung úy Nguyễn Văn Hoàng thì tỉ lệ học viên xin nghỉ học rất ít. Nhiều hôm chưa tới 19 giờ nhưng 30/30 học viên đều có mặt đầy đủ nên giáo viên cho lớp học bắt đầu để “học sớm, về sớm mai còn đi làm”.

Những người phụ nữ vốn quen cầm dao chặt củi, cầm cuốc rẫy cỏ nay lóng ngóng cầm bút, viết những nét chữ đầu tiên. Những lúc như vậy, Trung úy Nguyễn Văn Hoàng, Trung úy Hồ Văn Lăng lại kiên trì hướng dẫn các chị, các mẹ nắn nót từng nét chữ. Trung úy Hồ Văn Lăng động viên chị Pỉ Thiết: “O cố gắng nhé, ban đầu ai cũng thế. Không biết thì hỏi, muốn giỏi phải học và không phải ai cũng giỏi ngay được đâu”.

Theo Trung tá Ngô Trường Khôi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh thì lớp học chống tái mù chữ ở thôn A Ho là lớp học thứ 2 được đơn vị phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh mở, dành cho phụ nữ trên địa bàn. Giáo viên là cán bộ đồn và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh. “Căn cứ vào tình hình cụ thể, chúng tôi sẽ mở các lớp học chống tái mù chữ cho phụ nữ trên địa bàn. Để tạo thuận lợi cho các học viên và lớp học có kết quả, lớp học sẽ luân phiên mở tại các thôn. Việc mở nhiều lớp ở nhiều nơi là bộ đội thêm việc, nhưng vì bà con, chúng tôi không ngại khó, ngại khổ” - Trung tá Ngô Trường Khôi chia sẻ.

Con chữ nhọc nhằn

Tổ giáo viên của Đồn Biên phòng Thanh gồm Trung úy Nguyễn Văn Hoàng, tổ trưởng và các tổ viên là Trung úy Hồ Văn Lăng (nhân viên Đội Vũ trang), Trung úy Hồ Văn Dưng (nhân viên Đội Vận động quần chúng), Trung úy Hồ Văn Đức (nhân viên Trạm Kiểm soát Biên phòng Xy) và Trung úy Hồ Văn Huy (nhân viên quân khí). Điều đặc biệt là các anh đều thực hiện nhiệm vụ ở chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, chỉ duy nhất Trung úy Hồ Văn Huy làm nhiệm vụ chuyên môn ở đơn vị. Biết những người lính còn nhiều việc nên chị Hồ Thị Tê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh và chị Hồ Thị Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh cũng nhận đứng lớp. Chị Hồ Thị Nghiêm vốn có nghiệp vụ sư phạm, bởi vậy, những tiết học đầu tiên thường đến hỗ trợ các thầy giáo Biên phòng.

Với các học viên trong lớp, thầy giáo Hoàng là tấm gương về “việc học không bao giờ muộn, không phân biệt lứa tuổi”. Sinh ra trong một gia đình làm nông ở huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị), hết lớp 12, anh ở nhà phụ bố mẹ làm ruộng rồi nhập ngũ và được biên chế về một đơn vị thuộc Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng). Năm 2015, anh xuất ngũ và quyết tâm thi đỗ vào Học viện Biên phòng. Lối sống khiêm tốn, trách nhiệm với công việc nên anh luôn được cấp trên, đồng đội tin tưởng. Từ khi biết câu chuyện riêng của thầy giáo Hoàng, mọi người nể lắm, vì thế mà ai cũng cố gắng học nghiêm túc hơn.

Trung úy Hồ Văn Lãng, nhân viên Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Thanh, BĐBP Quảng Trị hướng dẫn các học viên tập viết. Ảnh: Trúc Hà

Trung úy Nguyễn Văn Hoàng với “niềm vui” làm thầy giáo quân hàm xanh. Ảnh: Trúc Hà

Ở lớp học, không ít học viên đã lên chức bà nội, bà ngoại hoặc có con đang học đại học như chị Hồ Thị Hương (49 tuổi), chị Hồ Thị Nang (có con gái là sinh viên năm thứ 3, Đại học Kinh tế Huế)... Thế nhưng, bằng cả sự kính trọng lẫn biết ơn, các học viên trong lớp đều gọi Trung úy Hồ Văn Lăng, Trung úy Nguyễn Văn Hoàng là “thầy”.

Chị Hồ Thị Nang được mọi người chú ý vì là người thường đến sớm và về muộn nhất. Chị tâm sự: “Các thầy ban ngày phải đi làm, buổi tối còn lên lớp dạy học thì mình phải tôn trọng. Tôi đi học mong biết đọc, biết viết thì sẽ không còn phải điểm chỉ mỗi lần cần ký giấy tờ. Biết cộng trừ sẽ biết tính toán khi mua bán và chi tiêu trong gia đình”.

Thực tế, tiết học của thầy giáo Biên phòng không chỉ dạy chữ, con số mà còn có những bài học giáo dục công dân, tuyên truyền, phổ biến pháp luật rồi truyền thụ kiến thức xóa đói, giảm nghèo.

Ai cũng thích lắng nghe, bởi các thầy giáo Biên phòng còn “miệng nói, tay làm”, giúp nhiều hộ trồng lạc trên đất cát, trồng cây cà gai leo bán cho công ty dược liệu để cải thiện đời sống. Hay chuyện Đồn Biên phòng Thanh phối hợp với chính quyền xã, các tổ chức thiện nguyện tặng người dân 1 triệu cây keo giống để trồng dọc theo bờ sông Sê Pôn. Với việc làm này, sau khoảng thời gian nhất định, cây keo sẽ gia cố, hạn chế sạt lở bờ sông khi lũ về, nhưng các hộ dân vẫn có thể thu hoạch bán lấy tiền trang trải cuộc sống.

Cứ thế, ai cũng mong chờ đến tiết học ngày hôm sau của thầy giáo Biên phòng.

Cập nhật Thứ sáu, 17/06/2022 07:53 GMT+7/Trúc Hà/https://www.bienphong.com.vn

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Sớm có phương án di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
(BLC) - Ngày 12/9 bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) xuất hiện tình trạng sụt lún, sạt lở, kèm theo hố cát tơ và các vết nứt nhỏ trên hệ thống đường bêtông nội bản. Do đó, sớm có...
Thư, điện, thông điệp thăm hỏi Việt Nam về ảnh hưởng của cơn bão số 3
Bày tỏ tình đoàn kết và sẻ chia với Việt Nam về những thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, lãnh đạo các nước trên thế giới tiếp tục gửi thư, điện, thông điệp tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô...
Nữ y sỹ nhiệt tình với công việc
Với tấm lòng tận tâm vì sức khỏe của nhân dân, y sỹ Đỗ Thị Kiều (Trạm Y tế xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) luôn tận tụy hết mình với công việc, được bà con trên địa bàn tin yêu.