Thứ bảy, 18/01/2025, 01:49 [GMT+7]

Góp phần ổn định đời sống cho nhân dân tái định cư

Thứ hai, 24/06/2013 - 18:48'
(BLC) - Ổn định tư tưởng cho nhân dân tại các khu, điểm tái định cư (TĐC), giúp bà con tin tưởng, yên tâm lao động sản xuất, sinh sống ở nơi ở mới được Công an huyện Tân Uyên đặc biệt chú trọng trong thời gian vừa qua.

Xuất phát từ thực tế, khi nhận tiền đền bù, có gia đình sở hữu trên 2 tỷ đồng, đây là số tiền có lẽ nằm mơ họ cũng không tưởng tượng nổi bởi cuộc sống người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, chắt chiu cả cuộc đời cũng không thể có được số tiền lớn như thế. Bởi vậy, khi có số tiền lớn, bà con chưa có kế hoạch chi tiêu, mua sắm khoa học và hợp lý với điều kiện kinh tế của gia đình. Trong khi chuyển đến nơi ở mới còn bộn bề khó khăn, nhà cửa, đất sản xuất, việc làm chưa ổn định, thì một số hộ sẵn tiền trong tay chỉ biết mua điện thoại, xe máy đắt tiền; máy, loa nghe nhạc… Tôi đã từng được nghe câu chuyện sử dụng tiền TĐC như: có hộ sau khi nhận tiền đền bù TĐC đã ra về trắng tay vì đã bị các chủ nợ “siết hết tiền”. Đây là các hộ “ăn trước trả sau”, là hậu quả để lại của các đối tượng sống bám TĐC, mua lại đồ chán, bán đồ thừa, cho vay nặng lãi…. Do vậy, nguy cơ tái nghèo là kết quả nhãn tiền mà nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan tham mưu, cấp ủy chính quyền thì hậu quả sẽ đi quá xa tầm kiểm soát.

Công an huyện phối hợp với công an xã Nậm Cần tuyên truyền chính sách pháp luật tại bản TĐC Bằng Mai (xã Nậm Cần).

Không chỉ là việc tái nghèo, tình hình mất trật tự an ninh thôn bản cũng xuất phát từ đây. Có tiền, nhiều người chỉ ăn chơi, tụ tập đánh bài, thử vận may. Bên cạnh đó, khi bà con TĐC chuyển đến nơi ở mới, việc sắp xếp, tạo quỹ đất sản xuất cho họ cũng vô cùng khó khăn bởi dân sở tại không chịu nhường đất hoặc chỉ nhường lại những diện tích đất ruộng đã bạc màu, khó canh tác, đi lại khó khăn… xảy ra tình trạng tranh giành đất dẫn đến 2 bên mâu thuẫn nhau. Việc tiêu xài xa hoa cũng hình thành 2 bộ phận nhân dân: một bộ phận tiết kiệm, chăm chỉ lao động, chi tiêu khoa học và chú tâm nuôi dạy con cái ăn học trưởng thành; bộ phận khác khi nhận được đồng tiền hỗ trợ là tiêu xài xả láng... nên sinh ra ghen ghét, đố kị nhau. Tình trạng xích mích nhau giữa nhiều hộ dân TĐC là thực tế đáng buồn xảy ra trong 1 thời gian tại huyện.

Nhận thức rõ tình hình an ninh tư tưởng của bà con các khu, điểm TĐC trên địa bàn, công an huyện Tân Uyên đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các xã, thị trấn vào cuộc tháo gỡ những mâu thuẫn, vướng mắc từ phía nhân dân; vận động bà con tăng cường tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng đời sống mới. Lực lượng công an huyện tăng cường phân công cán bộ chiến sỹ (CBCS) bám nắm cơ sở, nắm bắt nguồn tin và xử lý kịp thời những sự việc xảy ra. Tuy nhiên, trong các biện pháp ổn định tư tưởng cho bà con TĐC thì công tác tuyên truyền vẫn là nhiệm vụ quan trọng đặt lên hàng đầu. Bởi theo các đồng chí lãnh đạo công an huyện Tân Uyên, chỉ bằng hình thức nói cho bà con nghe và hiểu đúng thì mới làm đúng được. 6 tháng đầu năm, công an huyện Tân Uyên đã tuyên truyền 158 buổi cho 6.901 người dân. Tính riêng trong năm 2012, công an huyện đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép với các tổ chức đoàn thể khác 500 buổi họp với khoảng 15.000 người dân tham gia. Ngoài tuyên truyền về các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, lực lượng công an huyện còn cảnh báo bà con những thủ đoạn cho vay nặng lãi của các thương lái, nếu không thận trọng, rất dễ rơi vào cái bẫy của chúng.

Kết hợp với tuyên truyền, công an huyện Tân Uyên cũng đặc biệt quan tâm đến công tác nắm thông tin qua đội ngũ những người có uy tín trong dòng họ, địa phương. Qua đội ngũ này, CBCS nắm rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng chính đáng cũng như những nguyên nhân gây nên những bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, phân công lực lượng đoàn viên ở các tổ, đội xuống cơ sở tình nguyện giúp đỡ bà con những ngày thu hoạch mùa, dọn dẹp, phát quang bụi rậm, khơi thông đường nước… Những tháng đầu năm nay, ở bản TĐC Kim Pu (xã Trung Đồng), bà con không có nước sinh hoạt do nguồn nước thiếu dẫn đến tình trạng tranh chấp nước, gây mâu thuẫn trong nhân dân. Nắm được tình hình, lãnh đạo công an huyện đã báo cáo UBND huyện chỉ đạo khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại đây. Hay như đầu tháng 3 vừa qua, một số thanh niên bản Nà Giàng (thị trấn huyện) gây sự với thanh niên bản Tân Nương (xã Trung Đồng) khiến tình hình giữa 2 bản càng phức tạp hơn khi có sự can thiệp của phụ huynh, công an huyện đã can thiệp và xử lý kịp thời khi sự việc mới bắt đầu xảy ra. Cũng theo các đồng chí lãnh đạo công an huyện, những câu chuyện tưởng như rất nhỏ nêu trên, nếu không giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng có thể gây chết người.

Một việc làm ý nghĩa trong công tác động viên tư tưởng cho bà con khu vực TĐC của công an huyện Tân Uyên nữa là việc tăng cường cải cách hành chính theo hướng có lợi cho người dân. Cụ thể, đã chỉ đạo lực lượng công an các xã, thị trấn cấp sổ hộ khẩu mới; hướng dẫn nhân dân làm thủ tục và cấp sớm chứng minh thư nhân dân; đăng ký lại phương tiện giao thông không còn phù hợp với quy định hiện hành… Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giúp bà con so sánh rõ nét hơn cuộc sống nơi ở cũ và mới.

Việc củng cố, ổn định tư tưởng cho nhân dân trên địa bàn huyện nói chung, nhân dân TĐC nói riêng chính là việc làm thiết thực để hưởng ứng phong trào thi đua “CBCS mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân” của lực lượng công an huyện Tân Uyên.

 

Thu Trang

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...