Thứ bảy, 14/12/2024, 16:31 [GMT+7]

50 năm xây dựng và phát triển

Thứ hai, 11/11/2024 - 10:54'
Sau nửa thế kỷ hình thành và phát triển (1974-2024), Hội Nông dân tỉnh Lai Châu không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, khẳng định là một tổ chức chính trị - xã hội có vai trò, vị trí quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện của tỉnh.

Hội Nông dân Việt Nam được thành lập vào ngày 14/10/1930, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của công tác hội và phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 12/11/1974, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lai Châu ra Quyết nghị số 657-QN/TU về việc thành lập Ban Trù bị Đại hội Đại biểu nông dân tập thể Lai Châu, đánh dấu sự ra đời của Hội Nông dân tỉnh Lai Châu. Từ ngày 15 - 19/9/1976, trong bối cảnh đất nước vừa được thống nhất còn bộn bề khó khăn, nhưng Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tập thể tỉnh Lai Châu lần thứ I được tổ chức thành công với sự tham gia của 360 đại biểu chính thức. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Niệm làm Chủ tịch Hội đồng nông dân tập thể; đề ra mục tiêu, phương hướng lãnh đạo công tác Hội và phong trào nông dân thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nông dân để giáo dục, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong 50 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã trải qua 10 kỳ đại hội, mỗi kỳ đều đánh dấu sự trưởng thành và phát triển không ngừng của công tác Hội và phong trào nông dân. Từ Hội Nông dân tập thể thời kỳ đầu, Hội đã không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước và của tỉnh Lai Châu.
Thực hiện Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội khóa XI về việc chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh, tỉnh Lai Châu (cũ) được chia tách thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Ngày 29/12/2003, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Quyết định thành lập Hội Nông dân tỉnh Lai Châu và Hội Nông dân tỉnh Điện Biên, thời điểm đó, Hội Nông dân tỉnh chỉ có 7 biên chế, Ban Chấp hành lâm thời có 19 đồng chí, với 5 hội cấp huyện, 86 cơ sở hội, 996 chi hội, 35 nghìn hội viên. Sau hơn 20 năm chia tách, thành lập tỉnh, Hội Nông dân tỉnh có 31 biên chế, Ban Chấp hành có 35 đồng chí, với 8 hội cấp huyện, 106 cơ sở hội, 970 chi hội và trên 70 nghìn hội viên, tăng gấp đôi so với khi mới thành lập. Đội ngũ cán bộ Hội không ngừng được nâng cao về phẩm chất và năng lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội, đoàn kết cùng nhau xây dựng phong trào nông dân phát triển mạnh mẽ.

Đồng chí Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy thăm mô hình trồng bí xanh của người dân bản Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).


Các cấp Hội Nông dân luôn năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; tăng cường tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; khích lệ, động viên nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có năng suất và giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và bán ra các địa phương khác. Đến nay, tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với 3.879ha lúa hàng hóa, 10.256ha chè, 7.751ha cây ăn quả, trên 11.000ha cây dược liệu, trong đó có trên 76ha sâm Lai Châu, trên 7.500ha cây mắc-ca, 17.905 đàn ong mật…; đã xây dựng thương hiệu cho 215 sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao. Hội đứng ra tín chấp ngân hàng cho 17.417 hộ nông dân vay với dư nợ là 1.289.555 triệu đồng; Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt gần 65 tỷ đồng cùng với nhiều nguồn lực khác được Hội Nông dân các cấp huy động, sử dụng hiệu quả đã giúp hàng ngàn lượt hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại cây con giống, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn… Qua đó, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 24%, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, xây dựng giai cấp nông dân và tổ chức Hội vững mạnh.
Trong các cấp Hội, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai rộng khắp, lan tỏa mạnh mẽ, khích lệ nông dân phát huy vai trò chủ thể trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.800 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, với nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới thu được nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2018 đến nay, hội viên, nông dân đã hiến tặng 469.797m2 đất, đóng góp 153.375 ngày công lao động và 4.755,8 triệu đồng để xây dựng các công trình phúc lợi và làm đường giao thông nông thôn; tu sửa, làm mới 323,6km đường giao thông, 156km kênh mương; sửa chữa, làm mới được 38 cây cầu. Đến nay, toàn tỉnh có 44/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 46,8%, tiêu chí bình quân của tỉnh là 15,5 tiêu chí, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện. Các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được đẩy lùi, 87% bản, khu phố và 86,1% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; phong trào xây dựng bản làng, khu dân cư kiểu mẫu gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch cộng đồng thu hút được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân. Tình hình an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, hội viên, nông dân phối hợp tốt với lực lượng chức năng duy trì tuần tra bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Nông dân trong tỉnh thi đua lao động sản xuất.

Các cấp hội chủ động phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính truyền và khối đoàn kết các dân tộc; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nông dân để kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của hội viên, nông dân. Hội đã phát huy vai trò trung tâm của hội viên, nông dân trong đấu tranh xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh; bảo vệ môi trường; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh không ngừng lớn mạnh và có bước trưởng thành vượt bậc, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vào sự phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của tỉnh nhà, để Lai Châu hôm nay vươn mình thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đang nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
Tự hào về truyền thống vẻ vang 50 năm xây dựng và phát triển, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh hôm nay cần tăng cường hơn nữa việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và đạo đức lối sống cho hội viên, nông dân; tiếp tục khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của giai cấp nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh; phối hợp chăm lo giải quyết nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên, nông dân; không ngừng nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, tạo điều kiện để nông dân đóng góp sức sáng tạo, vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng và củng cố tổ chức Hội Nông dân, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và dự nguồn cán bộ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần xây dựng quê hương Lai Châu ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân các dân tộc Lai Châu có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Vũ Mạnh Hà - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trông sâm Lai Châu
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc...