

Các trò chơi dân gian, bài đồng dao, ca dao giúp học sinh lớp mẫu giáo lớn Trường Mầm non Tả Ngảo phát triển tiếng Việt.
Phần lớn các hộ dân cư trú tại các bản trên địa bàn xã Tả Ngảo là đồng bào dân tộc Mông, Dao, dẫu đời sống có nhiều đổi thay, các tập tục lạc hậu dần được bài trừ, nhưng trong phát âm của bà con nơi đây còn nặng thổ ngữ đặc trưng của mỗi dân tộc. Điều này ảnh hưởng nhiều tới phát âm của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi học mầm non và tiểu học. Trao đổi với cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết - Hiệu phó Trường Mầm non Tả Ngảo, chúng tôi được biết, năm học này, nhà trường có gần 500 trẻ, qua khảo sát cho thấy trong phát âm các cháu hay bị nhầm lẫn phụ âm đầu: B, M, V, L, Đ và nguyên âm đôi AO với AU và một số nguyên âm đơn. Trẻ phát âm sai dẫn đến nhận thức sai, hiểu sai, điều này sẽ khó khắc phục trong giáo dục. Chính vì thế, nhà trường xác định tăng cường tiếng Việt cho trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường triển khai đồng bộ các giải pháp, xây dựng kế hoạch, cử giáo viên tham gia bồi dưỡng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số”. Trong giờ lên lớp, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lồng ghép, tích hợp chủ đề nhằm phát triển ngôn ngữ tiếng Việt. Qua đó, hình thành kỹ năng nghe, nói, đọc và hiểu tiếng Việt cho trẻ, giúp trẻ tự tin, thêm hứng thú trong mỗi buổi học.
Theo cô Sùng Thị Hoa - giáo viên Trường Mầm non Tả Ngảo, để tăng cường tiếng Việt cho trẻ, ngoài giờ lên lớp, giờ chơi của bé, trong lúc ra chơi, thậm chí giờ đón, trả trẻ các cô thường xuyên gần gũi, động viên ân cần, lưu tâm những trẻ nhút nhát. Đối với trẻ lớp mẫu giáo lớn, ngoài phát âm đúng, các cô còn tập trung rèn kỹ năng giúp trẻ nói đầy đủ, chú trọng sửa lỗi cho trẻ ở các từ khó, sửa tật ngọng giúp trẻ thêm tự tin khi giao tiếp tiếng Việt. Tăng sự hứng thú, khuyến khích giao tiếp bằng tiếng Việt, các lớp thường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, thêm sự trải nghiệm cho trẻ. Ngoài ra, hàng năm nhà trường tổ chức một số hoạt động ngoại khóa, hội thi.
Để tạo môi trường phát triển tiếng Việt cho trẻ, nhà trường cũng tăng cường đồ dùng, trang thiết bị dạy học, đồ chơi phù hợp với từng lứa tuổi để kích thích nhu cầu giao tiếp bằng tiếng Việt của trẻ. Các buổi học trẻ được tìm hiểu các trò chơi dân gian, câu đố vui và học nhiều ca dao, đồng giao, tục ngữ để mở rộng vốn từ vựng. Qua đó, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trí tuệ, thẩm mỹ, tình cảm xã hội và giao tiếp bằng tiếng Việt được tốt hơn. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, từ đầu năm tới nay, trẻ phát âm ngọng giảm, tỷ lệ trẻ hiểu tiếng Việt và làm theo yêu cầu của cô giáo tăng. Các cháu đã chủ động giao tiếp với bạn bè, cô giáo bằng tiếng phổ thông.
Thăm nhà trường, chúng tôi mới thấy các cháu khá tự tin, ngoan ngoãn chào hỏi khi thấy người lạ, mạnh dạn hát, đọc thơ rõ ràng và không còn bị ngọng khi dùng tiếng Việt. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp không ít trở ngại, một số điểm trường: Nậm Chản, Háng Lìa và một số bản xa khác, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến cho việc ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp dạy học để rèn luyện kỹ năng tiếng Việt cho trẻ còn khó khăn. Môi trường giao tiếp hẹp cũng là trở ngại khiến cho việc phát triển tiếng Việt của trẻ em là người dân tộc thiểu số gặp trở ngại.
Nhưng những gì đã đạt được tạo niềm tin để cô - trò Trường Mầm non Tả Ngảo tăng cường rèn luyện, phát triển tiếng Việt cho trẻ. Trong hành trình này, cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành, công tác xã hội hóa giáo dục để ứng dụng công nghệ, xây dụng mô hình, lớp điểm tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

Guồng quay của chính quyền mới
Hội nghị giao ban Khối Đảng tỉnh quý II năm 2025

Kỳ họp thứ nhất HĐND xã Phong Thổ khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026

Kỷ niệm trọng thể 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Chính quyền địa phương 2 cấp: Hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu quả

Phiên họp UBND tỉnh chuyên đề tháng 7
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Các cơ quan Đảng tỉnh Lai Châu lần thứ III, nhiệm kỳ 2020–2025

Sắp xếp lại giang sơn vì sự phát triển bền vững và khoa học








