

Thực tế sau một thời gian áp dụng cho thấy những bất cập trong việc thực hiện khung phạt tiền hành chính theo giá trị hàng hóa vi phạm đối với một số hành vi xâm phạm quyền sao chép và phân phối tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, bản định hình chương trình phát sóng, theo Nghị định 47/2009/NĐ-CP và Nghị định số109/2011/NĐ-CP. Do đó, Nghị định số 131/2013/NĐ-CP đã thiết kế khung tiền phạt dựa vào hành vi vi phạm mà không dựa vào giá trị hàng hóa vi phạm như 2 Nghị định trước đây.
Cụ thể, quyền sao chép tác phẩm, quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm là một trong những quyền tài sản mà chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Phạt tiền từ 15 đến 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
Hành vi xâm phạm quyền sao chép và phân phối tác phẩm… sẽ bị xử phạt. Trong ảnh: Một điểm bán, cho thuê băng đĩa và sách báo trên đường Trần Hưng Đạo (thị xã Lai Châu). Ảnh: Huyền Anh
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Một điểm mới cơ bản của Nghị định 131/2013/NĐ-CP là trước đây mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định cũ là 500 triệu đồng áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức, nay mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Quy định này sẽ làm cho Nghị định 131/2013/NĐ-CP có tính khả thi cao hơn.
Ngoài ra, Nghị định 131/2013/NĐ-CP cũng có nhiều điều chỉnh đáng lưu ý khác.
Biểu diễn tác phẩm không được phép của tác giả sẽ bị phạt nặng
Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là một trong những quyền tài sản mà chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là quyền do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện.
Do đó, theo quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP, việc biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả cũng là hành vi vi phạm và có thể bị xử phạt tối đa đến 10 triệu đồng.
Trường hợp biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Đối với vi phạm trong phát sóng hoạt động biểu diễn, Nghị định 131/2013/NĐ-CP cũng đã đưa ra mức phạt lên đến 40 triệu đồng hành vi phát sóng hoặc truyền theo cách khác (bằng bất kỳ phương tiện nào ngoài phát sóng) đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của người biểu diễn, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng.
Nghị định số 131/2013/NĐ-CP cũng quy định mức phạt với một số hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực này như: không nêu tên hoặc nêu không đúng tên người biểu diễn trên bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; mạo danh người biểu diễn để biểu diễn tác phẩm…
Bên cạnh hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc buộc sửa lại đúng tên người biểu diễn; buộc dỡ bỏ bản sao cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Phải cải chính thông tin khi xuyên tạc tác phẩm của người khác
Bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả là một trong những quyền nhân thân mà tác giả được hưởng theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Và Nghị định 131/2013/NĐ-CP đã quy định “Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật; buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu huỷ tang vật vi phạm.
Một vi phạm khác về quyền nhân thân của tác giả là việc sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm trên bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo quy định mới cũng sẽ bị phạt tiền tối đa đến 3 triệu đồng. Đồng thời phải sửa lại đúng tên tác giả, tác phẩm.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa

Tháng hành động phòng, chống ma túy 2025: "Chung một quyết tâm - Vì cộng đồng không ma túy"
Công văn về việc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Hội thảo khoa học “Báo chí Lai Châu đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh”

Điều lệ Giải Vô địch Pickleball tỉnh Lai Châu lần thứ I năm 2025, Tranh cúp Facolos

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự dịp Lễ 30/4 và 1/5

Hoàn thiện để trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lai Châu











