

Chúng tôi - thế hệ sinh ra trong thời bình và chỉ được biết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc qua nghe kể lại, sách báo, các phương tiện truyền thông. Từ các thông tin ấy phần nào khiến chúng tôi càng phải trân trọng hơn sự hy sinh của thế hệ cha ông, giá trị của hòa bình và trách nhiệm với đất nước.
Sáng sớm ngày 17/2/1979, Trung Quốc huy động gần 2 sư đoàn quân chủ lực, hàng vạn dân binh và xe tăng tiến vào đánh chiếm huyện lỵ Phong Thổ. Huyện lỵ Phong Thổ lúc bấy giờ nằm ở bản Sân Bay, xã Mường So. Mũi tiến quân thứ nhất vào các hướng cầu Pa Nậm Cúm, bản Tả Phìn thuộc xã Ma Ly Pho; bản Mồ Sì Câu, Nậm Cáy thuộc xã Hoang Thèn rồi đến Khổng Lào, ngã ba Pa So… Mũi thứ hai tiến vào các xã Sì Lở Lầu, Ma Ly Chải đến Vàng Ma Chải.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của tổ quốc năm 1979.
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm gặp nhiều nhân chứng trực tiếp chứng kiến, tham gia cuộc chiến đấu ấy. Bà Đèo Thị Ly (sinh năm 1947), nguyên là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Mường So, thời điểm ngày 17/2/1979 khi quân Trung Quốc tấn công, bà là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Công an xã. Bà cho biết: Năm ấy, khi người dân trong xã vừa đón tết xong, vào sáng sớm ngày 17/2, có tiếng pháo từ phía Trung Quốc bắn sang, ban đầu mọi người nghĩ đó là tiếng sấm báo hiệu bắt đầu mùa mưa. Song có điều lạ là tiếng sấm ấy lại xuất hiện quá sớm ngay trong tháng giêng đầu năm, tiếng sấm cứ vang liên tục mà chẳng có mưa rồi dồn dập kéo dài. Mãi đến khi trời sáng hẳn, có người báo tin, mới biết phía Trung Quốc bắn pháo sang tấn công, nếu có điện thoại như bây giờ chắc mọi người đã biết sớm hơn. Để ổn định tình hình, tỉnh điều động một đại đội cơ động lên kết hợp với chính quyền, công an và dân quân xã đến từng bản làm công tác tư tưởng, tránh gây hoang mang trong Nhân dân. Ngày thứ 3 sau khi bị tấn công, chính quyền xã sơ tán toàn bộ người dân vào tránh, trú tại các hang núi phía trên bản. Ngày thứ 4, khi chúng tấn công bắn pháo đốt cháy hầu hết các bản, phá trụ sở UBND huyện và cướp, đốt kho lương thực của xã, chúng tôi lại tiếp tục di tản bà con đi theo hướng ra xã Thèn Sin hiện nay rồi tiến ra San Thàng đến Bình Lư. Cuộc di tản ấy vô cùng vất vả với hàng trăm hộ dân và hàng nghìn con người.
Có một điều mà đến nay bà Đèo Thị Ly vẫn áy náy là việc khi địch tấn công đã không báo tin được cho bản Huổi Sen, đây là bản đồng bào dân tộc Giáy sinh sống, cách xa trung tâm xã, đường đi lại khó khăn mà thời đó không có sóng điện thoại nên Huổi Sen là bản duy nhất người dân không di tản được. Trên đường di tản, lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền đã rất lo lắng cho sự an toàn của người dân Huổi Sen. Sau khi quân Trung Quốc rút, mọi người trở về, điều đầu tiên bà làm là đến bằng được bản Huổi Sen, khi người dân thấy bà đều chạy đến khóc nức nở, sự sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Bà con nói thấy bà Đèo Thị Ly đến mới biết mình còn được sống, vẫn được mọi người nhớ đến. Việc làm quan trọng nhất sau khi trở về địa phương là ổn định tư tưởng cho người dân bởi nhiều người vẫn còn sợ, ám ảnh bởi cuộc tấn công của địch, một số người không dám trở về. Nhưng sau khi được tuyên truyền, vận động, trong thời gian ngắn, tất cả người dân trở về nơi ở cũ, cùng nhau xây dựng lại quê hương. Đồng thời, thực hiện việc truy tìm, bắt giữ những kẻ chỉ điểm đưa ra xét xử; công an, quân đội đi dò mìn, gỡ mìn giúp Nhân dân ổn định sản xuất. Trong cuộc chiến đấu kéo dài hơn 10 ngày ấy, xã không có người dân nào thiệt mạng mà chỉ có người bị bắt và sau này được trả theo con đường ngoại giao.
Mũi tấn công thứ hai là hướng các xã: Sì Lở Lầu, Ma Ly Chải, Vàng Ma Chải và Dào San. Chúng tôi tìm gặp ông Sùng A Sang (60 tuổi, dân tộc Mông) khi ấy là Tiểu đội phó Đội pháo 12 ly 7 đóng quân ở xã Dào San, hiện nay ông Sang là Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phong Thổ. Ông cho biết, sáng sớm khi quân Trung Quốc bắn pháo sang, ông đang đi cày trên nương, mọi người đều khá bất ngờ về cuộc tấn công này. Việc đầu tiên, ông cùng lực lượng dân quân, công an, biên phòng đi tìm và bắt những tên chỉ điểm, bởi chúng chính là những kẻ thông thuộc địa hình, biết rõ tình hình bà con và quân ta nên sẽ gây ra thiệt hại lớn nếu không bắt được. Ngày 17/2/1979, địch tấn công vào xã Sì Lở Lầu, tại đây cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt giữa ta và địch, do chênh lệch lực lượng và bị tấn công bất ngờ nên nhiều cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu đã hy sinh. Ngày 19/2/1979, địch đánh chiếm điểm cao bản Vàng Ma Chải, đến ngày 20/2/1979, chúng rút quân tập trung tấn công ta theo hướng Ma Ly Pho, sau đó đổi hướng đánh vào bản Mồ Sì Câu hòng chiếm ngã ba Pa So rồi phát triển vào thị trấn Phong Thổ. Cũng theo lời ông Sùng A Sang kể lại, khi tất cả chuẩn bị phục kích, đón hướng tấn công của địch từ khu vực xã Vàng Ma Chải thì chúng chỉ dừng lại ở Vàng Ma Chải chứ không tiếp tục tấn công theo hướng ấy nữa mà tấn công ta lên điểm cao Dào San theo ba mũi. Mũi tấn công thứ nhất từ xã Mù Sang, mũi thứ hai theo đường ôtô từ xã Bản Lang và mũi thứ ba từ bản Giao Chảng (xã Bản Lang) lên.
Trong cuộc chiến đấu ấy, quân và dân huyện Phong Thổ đã phát huy truyền thống yêu nước, chiến đấu dũng cảm bảo vệ Tổ quốc. Tại hướng Pa Nậm Cúm, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Đồn công an Nhân dân vũ trang số 33 phối hợp với Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 741 đánh trả quyết liệt. Cùng với đó, Tiểu đoàn đặc công 41 đã chi viện, phối hợp chiến đấu với dân quân du kích các xã: Hoang Thèn, Ma Ly Pho, Khổng Lào, Mường So và tự vệ Lâm trường Pa So chặn đánh địch trên hướng tấn công của chúng. Dân quân du kích các xã: Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu phối hợp với công an vũ trang, biên phòng chiến đấu đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch.
Ngày 9/3/1979, quân Trung Quốc đóng ở thị trấn Phong Thổ rút quân theo hai hướng. Hướng thứ nhất theo đường Bản Lang - Dào San - Vàng Ma Chải về nước; hướng thứ hai theo đường Hoang Thèn - Nậm Cáy - Pa Nậm Cúm. Đến ngày 10/3/1979, toàn bộ quân Trung Quốc ở Phong Thổ đã rút hết về phía bên kia biên giới.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới của quân và dân huyện Phong Thổ đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình như: Đồn công an Nhân dân vũ trang số 1 Sì Lở Lầu, số 33 Ma Lù Thàng; Đại đội 3 (Tiểu đoàn 907, Trung đoàn 741); tự vệ Lâm trường Pa So. Nhiều cán bộ, dân quân tự vệ người dân tộc thiểu số lập công xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu như các đồng chí: Phù Tả Ma - Bí thư Chi bộ, Lý Sải Mìn - Phó Chủ tịch xã Ma Ly Chải, Tẩn Phủ Quẩy - Xã đội trưởng xã Sì Lở Lầu. Tiểu đội tự vệ Lâm trường Sin Cai do đồng chí Bùi Thị Hấn làm Tiểu đội trưởng đã bám trụ suốt ba ngày đêm vận chuyển vũ khí, lương thực lên chốt cho bộ đội. Cũng từ những thành tích ấy, huyện Phong Thổ được Quốc hội và Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Đã 40 năm trôi qua nhưng những ký ức về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn còn đọng lại mãi trong tâm trí của nhiều người. Gần 1.800 nóc nhà ở 43 bản của người dân 12 xã bị đốt phá; hàng trăm tấn lương thực của Nhà nước, của Nhân dân và nhiều diện tích hoa màu bị phá hoại; cơ sở hạ tầng kinh tế của huyện thiệt hại nặng nề, nhiều trụ sở chính quyền bị phá hoại… Đó là những hậu quả tàn khốc sau sự kiện 17/2.
Quá khứ đã đi qua, được sống trong hòa bình, thế hệ trẻ ngày nay không quên quá khứ và phải trân trọng giá trị của hòa bình, sống có ích cho xã hội. Đó là lời nhắn nhủ của những nhân chứng sống dành cho thế hệ trẻ chúng tôi ngày nay khi kể về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc ngày 17/2/1979.
Tin đọc nhiều

Nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên
Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình liệt sỹ trước 27/7, gia đình người có công trước 2/9

Công bố các quyết định về công tác tổ chức và cán bộ

Gợi lên ký ức hào hùng trong Ngày Chiến thắng 9/5

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân dự Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Moskva

Chi bộ Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy: Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2025 – 2030

Hội nghị lần thứ 52 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Than Uyên khóa XVIII

Kỳ họp thứ hai mươi mốt (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Mường Tè









