

>>Miền đất Lai Châu trong lịch sử đất nước
Tượng đài Bác Hồ với đồng bào nhân dân các dân tộc Lai Châu. Ảnh: Phan Lâm.
Với bản chất phản động, hiếu chiến và được sự hỗ trợ từ bên ngoài, tháng 11/1945 thực dân Pháp lại đưa quân quay trở lại đánh chiếm Lai Châu và phá hoại phong trào cách mạng ở Châu Quỳnh Nhai. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng thấy cần phải xây dựng cơ sở cách mạng và tổ chức Đảng ở Lai Châu để lãnh đạo phong trào. Tháng 3 năm 1948 Liên khu uỷ 10 đã cử “đội xung phong Quyết Tiến” vào địa bàn Lai Châu để gây dựng cơ sở cách mạng. Sau 2 năm tích cực bám dân, bám cơ sở, gây dựng, phát động phong trào, “đội xung phong Quyết Tiến” đã gây dựng được một loạt cơ sở cách mạng kéo dài từ Quỳnh Nhai sang Tuần Giáo, Điện Biên và một số tỉnh bắc Lào Cai. Để tổ chức quần chúng nhân dân thành một khối thống nhất và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, Lai Châu cần phải có một tổ chức Đảng Cộng sản, nhưng lúc này Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên tỉnh Sơn-Lai (Sơn La và Lai Châu) chưa đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ đó. Chính vì vậy, Liên khu uỷ 10 đã trực tiếp chỉ đạo toàn diện đối với Lai Châu, thành lập “tiểu ban Miền núi vận” để nghiên cứu tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của tỉnh Lai Châu. Tháng 7 năm 1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 đã tập hợp những thanh niên của châu Quỳnh Nhai tại Đan Hà, tỉnh Phú Thọ để thành lập đội xung phong Lai Châu (còn gọi là đội vũ trang tuyên truyền tỉnh Lai Châu) và cử đồng chí Hoàng Đông Tùng làm đội trưởng.
Ngày 27/8/1949, Ban Chấp hành Liên khu 10 ra Nghị quyết điều động một số cán bộ đang công tác tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai vào công tác tại Lai Châu.
Ngày 01/10/1949 chính uỷ Liên khu 10 ra quyết định thành lập Chi hội vũ trang Lai Châu, gồm các đồng chí đảng viên của đội xung phong Lai Châu, do đồng chí Hoàng Đông Tùng làm Bí thư chi bộ (chi bộ này là tiền thân của Đảng bộ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh ngày nay).
Ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên khu uỷ 10 ra Nghị quyết thành lập Ban cán sự Đảng Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay) gồm 3 đồng chí: Nguyễn Bá Lạc (bí danh là Trần Quốc Mạnh), Tỉnh uỷ viên tỉnh Yên Bái làm trưởng ban, đồng chí Hoàng Đông Tùng, đội trưởng đội xung phong Lai Châu và đồng chí Tạ Nhật Tựu (bí danh là Hoàng Hoa Thưởng) - uỷ viên Văn phòng khu uỷ 10 làm uỷ viên. Nhiệm vụ của Ban cán sự đảng Lai Châu lúc này: “gây dựng cơ sở quần chúng tiến tới tập hợp lực lượng, lãnh đạo nhân dân Lai Châu võ trang tranh đấu thu phục lại toàn bộ đất đai thực dân Pháp và tay sai chiếm đóng”. Nghị quyết cũng đã nêu “Ban cán sự đảng Lai Châu thuộc quyền trực tiếp chỉ huy của Liên khu uỷ 10, nhưng phải mật thiết liên lạc với các Ban Tỉnh uỷ Sơn La, Lào Cai, Yên Bái để được sự giúp đỡ trong khi tiến hành công tác và phối hợp kế hoạch hành động với các đội xung phong hiện đang hoạt động trong đất hoặc giáp với Lai Châu”, đây là bản Nghị quyết rất kịp thời và đúng đắn của Liên khu uỷ 10, đồng thời là cơ sở cho việc thành lập tổ chức Đảng ở Lai Châu.
Theo quyết định của Liên khu uỷ 10, tất cả cán bộ và đội viên võ trang tuyên truyền là đảng viên được cử vào công tác tại Lai Châu đều sinh hoạt trong Chi bộ Lai Châu. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng Lai Châu, ngày 2/12/1949 tại Bản Lướt xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Yên Bái, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã triệu tập Hội nghị để công bố quyết định của Liên khu uỷ 10 về việc thành lập chi bộ Đảng Lai Châu gồm 20 đồng chí, trong đó có 18 đảng viên chính thức, 2 đảng viên dự bị. Ban cán sự đã cử 3 đồng chí: Trần Quốc Mạnh, Hoàng Hoa Thưởng, Nguyễn Hữu Trí vào Ban chi uỷ, đồng chí Trần Quốc Mạnh được cử làm Bí thư chi bộ. Mặc dù số đảng viên ít, số cán bộ của đảng lúc đó chưa nhiều, nhưng với ý chí sắt đá, lòng dạ kiên trung với Đảng, với dân tộc và nhân dân, các cán bộ, đảng viên lặn lội đi vào quần chúng vận động, tổ chức xây dựng lực lượng được đồng bào các dân tộc tin tưởng, ủng hộ nên không ngừng trưởng thành và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng ở Lai Châu từng bước tiến lên. Việc ra đời của Ban cán sự Đảng Lai Châu đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Từ đây, phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc Lai Châu đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Bác Hồ và nhờ có sự lãnh đạo đó phong trào cách mạng ở Lai Châu đã phát triển không ngừng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.
(Còn nữa)

Guồng quay của chính quyền mới
Hội nghị giao ban Khối Đảng tỉnh quý II năm 2025

Kỳ họp thứ nhất HĐND xã Phong Thổ khóa I, nhiệm kỳ 2021-2026

Kỷ niệm trọng thể 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
Chính quyền địa phương 2 cấp: Hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu quả

Phiên họp UBND tỉnh chuyên đề tháng 7
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Các cơ quan Đảng tỉnh Lai Châu lần thứ III, nhiệm kỳ 2020–2025

Sắp xếp lại giang sơn vì sự phát triển bền vững và khoa học








