

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Than cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, hàng năm, Đảng bộ xã cụ thể hóa các chỉ tiêu cụ thể, chỉ đạo cấp ủy các chi bộ xây dựng và triển khai nhiều giải pháp, trong đó yếu tố quan trọng là nâng cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực. Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân và đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vì vậy, tạo sự đồng thuận cao, niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền ngày càng củng cố, nâng cao.
Với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, các đảng viên phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tiêu biểu như đảng viên Điêu Văn Liền (dân tộc Thái, Chi bộ bản Nà Phát). Sinh năm 1971, từ khi còn rất trẻ, anh đã tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua do tổ chức Đoàn, chính quyền bản phát động. Năm 1991, anh vay 2,5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện mua 2 con trâu sinh sản. Chú trọng chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, 5 năm sau, gia đình anh đã trả hết nợ ngân hàng, có kinh tế khá của bản. Năm 2000, anh vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Anh Liền chia sẻ: Tôi luôn xác định rõ, là người đảng viên thì từ lời nói đến việc làm phải luôn gương mẫu, tiên phong. Có như vậy mới hướng dẫn, động viên được quần chúng tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới. Trong các cuộc họp, tôi chủ động tham mưu cho cấp ủy trong công tác lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng. Phát triển kinh tế gia đình, năm 2015, tôi tiếp tục vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện đầu tư nuôi lợn, cá, chuyển đổi giống lúa mới. Với gần 5.000m2 áo nuôi cá trắm, vược; 1ha ruộng; nuôi 10 con lợn/lứa (3 lứa/năm), gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng đã trừ chi phí.
Cán bộ xã Phúc Than, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Than Uyên hướng dẫn bà con bản Noong Thăng chăm sóc chè. Ảnh: Tùng Phương
Phát huy, khai thác lợi thế về đồng đất, nguồn nhân lực, cùng với chủ động lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ từ Chương trình 135, 30a/CP, xây dựng nông thôn mới, tái định cư... UBND xã tham mưu, đề xuất với UBND, các đơn vị chuyên môn của huyện tăng cường đầu tư kiên cố hóa kênh mương, mở rộng mạng lưới thủy lợi, phát triển giao thông nông thôn; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, cung ứng vật tư, hỗ trợ vay vốn tín dụng. Đặc biệt là các hội, đoàn thể, trưởng bản vận động hội viên, đoàn viên sử dụng giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao. Đến nay, toàn xã đã có gần 90% diện tích lúa, ngô, đậu tương gieo trồng giống mới, năng suất, giá trị kinh tế cao và từng bước được đưa vào sản xuất đại trà và thâm canh từ 1 vụ lên 2 vụ. Tổng sản lượng lương thực hết năm 2018 đạt 6.527/6.010 tấn (đạt 108,6% Nghị quyết đề ra). Quy hoạch dự án vùng chè tập trung với quy mô lớn, với tổng diện tích chè toàn xã đạt 273ha.
Đảm bảo an ninh lương thực, Nhân dân trong xã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi thông qua xây dựng chuồng trại, tăng đàn, thực hiện mô hình thí điểm các loại con giống mới, đầu tư thức ăn, phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là hướng tới chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần duy trì tốc độ tăng đàn hằng năm đạt 7%. Công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng cũng được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương quan tâm với tỷ lệ che phủ đạt 39,12% (đạt 100% Nghị quyết Đại hội).
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức tuyên truyền, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch của các cấp về xây dựng nông thôn mới tới các thôn, bản và đơn vị trên địa bàn. Tổ chức học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hiệu quả ở một số xã khác trên địa bàn. Với phương châm: Học hỏi cách làm hay, vận dụng sáng tại, phù hợp với điều kiện của địa phương, đến cuối năm 2018, xã Phúc Than đã cán đích nông thôn mới.
Tận dụng lợi thế gần đường quốc lộ, cửa ngõ vào trung tâm huyện, với sự hỗ trợ đắc lực từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện thông qua các tổ chức hội tín chấp, hội viên, đoàn viên đã nắm bắt kịp thời nhu cầu thị trường đầu tư mở rộng các loại hình sản xuất. Đồng thời, đa dạng mặt hàng, đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến nông - lâm sản, quán ăn, nhà nghỉ, sửa chữa xe máy nhỏ, đại lý bán buôn, bán lẻ hàng hóa, hợp tác xã nông nghiệp...
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XVIII, Đảng bộ xã Phúc Than đã đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ, khai thác tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Minh chứng là cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, thương mại dịch vụ ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 26 triệu đồng/người, tăng 6 triệu đồng so với đầu năm 2016; còn 297 hộ nghèo trong tổng số 1.392 hộ dân (chiếm 13,98%); 141 hộ cận nghèo (chiếm 6,63%). Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây đựng đồng bộ, khang trang. Nhân dân các dân tộc địa phương đoàn kết, đồng thuận cùng cấp ủy, chính quyền xây dựng Phúc Than ngày càng khởi sắc, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Hội đàm hợp tác giữa Sở Công Thương (Lai Châu, Việt Nam) và huyện Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc)

Ban Chỉ đạo 35 Trung ương triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm

Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump điện đàm
Công bố Quyết định thành lập Đảng bộ Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng

Lễ công bố các quyết định, nghị quyết về tổ chức bộ máy và cán bộ xã Bình Lư
Công bố quyết định về công tác cán bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

TỔ QUỐC KHÔNG BAO GIỜ QUÊN

Tổng Bí thư Tô Lâm: Từ nay lãnh đạo cấp cao có nhiều điều kiện đến gần dân hơn






