

Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Nậm Nhùn thực hiện giao dịch với khách hàng tại điểm giao dịch Pa Kéo (xã Nậm Hàng)
Giải pháp linh hoạt, phù hợp
Trước yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh mới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh tham mưu với tỉnh thống nhất giữ nguyên 106 điểm giao dịch tại xã, thay vì cắt giảm theo đơn vị hành chính mới. Đây là giải pháp linh hoạt, vừa bảo đảm tính ổn định trong cung ứng dịch vụ tài chính, vừa giúp người dân không bị gián đoạn tiếp cận vốn vay chính sách.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cho biết: “Tín dụng chính sách không chỉ cung ứng vốn còn là công cụ hỗ trợ sinh kế, giúp hộ nghèo và các đối tượng yếu thế tiếp cận nguồn lực để vươn lên. Chúng tôi xác định, phải bám sát thực tiễn, hiểu rõ khó khăn của người dân sau sáp nhập để có giải pháp phù hợp”.
Theo ông Hà, việc giữ nguyên các điểm giao dịch xã không những giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại còn đảm bảo sự ổn định về mặt tâm lý và tổ chức trong quá trình giao dịch, nhất là với những người ít sử dụng công nghệ hoặc sống ở những khu vực cách xa trung tâm xã mới.
Hiệu quả từ chính sách“gần dân, sát dân”
Tính đến ngày 13/7/2025, tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh đạt hơn 4.172 tỷ đồng, với 53.233 khách hàng đang còn dư nợ, thông qua mạng lưới 1.423 tổ tiết kiệm và vay vốn. Hoạt động giao dịch tại các điểm xã tiếp tục được tổ chức định kỳ hằng tháng, bảo đảm đủ điều kiện kỹ thuật, an toàn vốn và đúng quy trình nghiệp vụ.
Anh Tẩn Phủ Sìn, dân tộc Dao ở bản Sòn Thầu 1 (xã Phong Thổ) phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi vay 150 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Phong Thổ để san ủi mặt bằng, cải tạo và mở rộng diện tích đất canh tác. Hằng tháng, tôi đều đến điểm giao dịch Ma Li Pho nộp lãi và gốc vay ngân hàng. Giữ lại điểm giao dịch cũ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân rất nhiều khi không phải đi xa; cán bộ ngân hàng còn tư vấn, định hướng để các hộ vay xác định mục tiêu phát triển kinh tế hiệu quả”.
Không chỉ thuận tiện trong giao dịch, các điểm xã còn trở thành nơi phổ biến chính sách, tuyên truyền pháp luật và là “đầu mối” nắm bắt nhu cầu tín dụng từ cơ sở. Thông qua các buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng cũng phát hiện nhiều hộ dân cần vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng cây dược liệu hoặc làm nhà ở theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ.
Ông Nguyễn Khánh Yên - Chủ tịch UBND xã Pa Ủ nói: “Mạng lưới điểm giao dịch được giữ nguyên giúp công tác phối hợp giữa xã với ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội thuận lợi hơn. Cán bộ xã cũng dễ tiếp cận và hỗ trợ người dân kịp thời khi có vướng mắc trong vay vốn”.
Nhân văn trong từng quyết sách
Trong bối cảnh nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong tổ chức lại mạng lưới cung ứng dịch vụ công sau sáp nhập đơn vị hành chính, mô hình của Lai Châu được xem là giải pháp phù hợp, vừa đảm bảo hiệu quả vận hành, vừa không “bỏ rơi” người dân vùng sâu, vùng xa. Các điểm giao dịch xã không chỉ là nơi “thu - phát vốn” còn thể hiện tính nhân văn trong hành trình bảo đảm tài chính toàn diện và không để ai bị bỏ lại phía sau. Chính sách tín dụng chỉ hiệu quả khi được thiết kế từ thực tiễn, có sự đồng hành của chính quyền cơ sở và hướng đến nhu cầu thật sự của người dân. Việc duy trì 106 điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh là minh chứng cho tư duy linh hoạt, phục vụ sát nhu cầu của nhân dân.
Chuyển đổi hành chính không thể đồng nghĩa với thu hẹp tiếp cận dịch vụ. Bằng cách duy trì mạng lưới như cũ, Lai Châu đang làm rất đúng và đi trước nhiều tỉnh trong việc giữ cho các chính sách tiếp cận được người dân một cách thực chất.
Từ chủ trương “sáp nhập để tinh gọn” đến giải pháp “duy trì để phục vụ”, Lai Châu đang cho thấy cách làm sáng tạo, bám sát thực tế và đầy tính nhân văn. Đây không chỉ là giải pháp tài chính mà còn là chính sách xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, giúp bà con giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cũng như tránh được rủi ro khi đến giao dịch với Ngân hàng CSXH.
Trong từng giao dịch, từng khoản vay nhỏ, chính sách tín dụng của Nhà nước đã đến gần hơn với bà con. Và điều quan trọng hơn cả: người dân vùng cao không bị bỏ lại phía sau trong hành trình thoát nghèo vươn lên phát triển bền vững.

Đoàn kiểm tra Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam làm việc tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Lai Châu

Hướng phát triển kinh tế mới

Tăng gần 200 đồng/lít, giá xăng RON95-III vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bền vững

Ưu tiên nguồn lực, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng

Công ty Điện lực Lai Châu thành lập các đội quản lý khu vực

Thành phố Lai Châu: Đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản

Mang ấm no, hạnh phúc đến với nhân dân






