

Những ngày cuối tháng 5 chúng tôi có mặt tại khu vực trồng chè bản Nà Bỏ, xã Bản Giang (huyện Tam Đường), trước mắt chúng tôi, trên các sườn đồi không còn hình ảnh bà con tấp nập vai mang gùi, vừa hái vừa rôm rả trò chuyện như trước mà chỉ còn âm thanh mạnh mẽ, sắc lẻm của những chiếc máy hái chè chạy sàn sạt qua từng vạt chè, cắt sạch, hút vào túi vải, đổ vào bao tải một cách nhanh gọn. Tranh thủ lúc giải lao, chúng tôi có cuộc trò chuyện nhanh với anh Lù Văn Seo, người dân bản Nà Bỏ. Anh Seo cho biết, ở bản anh, một số hộ đã mua được máy hái chè. Nếu như trước đây, với 3000m2 chè thì nhà anh vừa phải tập trung hái, vừa hái đổi công, thuê hái nhưng có vụ vẫn để quá lứa. Qua các phương tiện thông tin đại chúng biết có loại máy hái chè, giá cả cũng vừa phải mà quan trọng là thu hoạch theo cách này vừa nhanh, vừa giảm nhân công. Hiện nay, cả thu hoạch của gia đình thì anh còn phục vụ nhu cầu của bà con trong bản, mỗi ngày có thể cắt được từ 500kg chè búp trở lên.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, toàn tỉnh có trên 3.350 héc-ta chè. Để gắn kết các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu, tỉnh đã phân vùng nguyên liệu ở một số địa bàn cho các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến chè. Theo đó, các doanh nghiệp tiến hành ký kết hợp đồng với người dân ngay từ đầu vụ như: Cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi; thu mua sản phẩm chè búp tươi với giá hợp lý. Đồng thời cũng khuyến khích bà con dùng máy móc thiết bị trong sản xuất để giảm sức lao động mà vẫn đảm bảo hiệu quả về năng suất và sản lượng. Nhờ đó, sản lượng chè năm sau thường tăng cao hơn năm trước khoảng 20%.
Anh Lù Văn Seo ở bản Nà Bỏ vận hành máy hái chè.
Thực tiễn đã và đang khẳng định, cây chè hiện là một trong những cây trồng mũi nhọn, góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân ổn định cuộc sống, giảm nghèo. Ở tầm nhìn rộng hơn, với mức độ tiêu thụ như hiện nay, Lai Châu là một trong những tỉnh có số lượng lớn chè được bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường “khó tính” như: Nga, Anh, Pakistan, Đài Loan… góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Là một trong những cơ sở sản xuất, chế biến chè lớn nhất của tỉnh, vào mùa vụ, với 2 dây chuyền công nghệ cao, công suất chế biến của Công ty cổ phần Chè Lai Châu đạt 25 tấn/ngày. Bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Công ty cho biết, để chè đảm bảo chất lượng, Công ty đã cử cán bộ, phối hợp với Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương trong vùng nguyên liệu đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăm sóc chè đảm bảo quy định, chất lượng và thu hái chè theo đúng quy chuẩn. Mặc dù giá thu mua chè cắt tay cao hơn cắt máy từ 1.000 - 1.500 đồng/kg nhưng nhiều hộ trồng chè chọn phương án cắt máy để tiết kiệm thời gian. Những vụ gần đây, có ngày Công ty thu mua đến trên 30 tấn chè búp tươi.
Chị Đinh Thị Dịu - cán bộ kỹ thuật của Công ty trách nhiệm hữu hạn chè Hồng Đức (trụ sở tại xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên) cho biết, vùng chè nguyên liệu của Công ty có 150 ha đã và đang cho thu hoạch. Tuy nhiên do địa hình đồi dốc nên Công ty khuyến cáo bà con không sử dụng máy hái chè mà chỉ thu hoạch bằng biện pháp thủ công.
Về vấn đề này, ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, chất lượng búp chè thu hái không bị ảnh hưởng do sử dụng liềm hay dùng máy cắt. Nhất là chủ trương cơ giới hóa, sử dụng máy móc, giảm nhân công trong thu hoạch là hoàn toàn đúng đắn, cần được nhân rộng. Nếu hái chè bằng lao động thủ công, thu nhập của nông dân sẽ giảm, do đó đầu tư máy hái chè là điều tất yếu nếu muốn phát triển sản xuất hàng hóa. Song, nếu sử dụng máy không đúng kỹ thuật, cắt chè quá dài, sâu, khiến cây chè bị mất nhiều chất kích thích sinh trưởng, tác động đến thời gian ra búp của cây, về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất búp chè. Do vậy, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cũng cần có phối hợp chặt chẽ hơn nữa với người nông dân trong tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè để không ảnh hưởng tới sản lượng. Qua đó, giúp người trồng chè tỉnh ta không chỉ sản xuất và cung cấp nguyên liệu mà còn gắn trách nhiệm với sản phẩm, góp phần xây dựng và tiếp tục phát triển thương hiệu chè của Lai Châu.
Để sử dụng máy hiệu quả, cơ quan chuyên môn khuyến cáo: Nên sử dụng máy hái chè đối với các diện tích chè nhỏ, các cấp cành chè dày. Khi sử dụng máy hái chè cần lưu ý tạo sự cân đối giữa phần hái chè đã hái và phần chè còn lại để đảm bảo cho sự sinh trưởng và của cây chè. Không để máy hái quá cao hoặc quá sâu. Nếu để sâu, máy sẽ cắt cả phần cuống già, ảnh hưởng tới việc ra búp, sản phẩm chè có lẫn nhiều tạp chất. Nếu để cao, búp hái quá non, phấn chưa nhiều, tán chè chóng lên cao. Bên cạnh đó dựa vào yêu cầu chất lượng của sản phẩm chè để áp dụng quy trình hái chè bằng máy hay bằng tay. Trong vụ xuân không nên dùng máy hái chè vì sau khi đốn, cây chè còn rất ít lá. Vụ xuân cần được nuôi tán để lấy lá quang hợp tạo chất hữu cơ nuôi cây, chỉ nên dùng tay hái một số búp đủ tiêu chuẩn để kích thích mầm nhánh phát triển, khi nào tầng tán mới có độ dày 10 – 15cm mới tiến hành hái bằng máy. Trong quá trình hái, không nên để lượng chè trong túi đựng chè quá nhiều và không kéo lê trên mặt tán chè làm túi nhanh bị rách, chè bị nát, mầm chè bị gãy, ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng lứa chè sau.
Tin đọc nhiều

Khởi sắc Tà Hừa
Công ty Điện lực Lai Châu: Bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương

175 cán bộ Hội CCB tham gia tập huấn công tác giảm nghèo năm 2025

Khai mạc Lễ hội Chợ Phong Lưu Khâu Vai năm 2025

Tam Đường: Linh hoạt trong công tác giảm nghèo

Thị trường bất động sản: Tín hiệu lạc quan

Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia” và ra mắt Văn phòng đại diện ACTIV tại tỉnh Lai Châu










