Thứ bảy, 18/01/2025, 01:03 [GMT+7]

Ấm tình quân dân

Thứ năm, 06/01/2011 - 16:04'
(BLC) –Đã thành công trong việc định canh, định cư cho 18 hộ dân ở bản Hà Xi với rất nhiều khó khăn, nay tại bản Tân Biên - bản do Đồn Biên phòng Pa Ủ lập, đặt tên, vận động nhân dân về ở ý tưởng táo bạo là xây dựng bản làng kiểu mẫu đầu tiên cho đồng bào đã thành sự thật.

Phố mới trên rừng

Xuất phát từ tinh thần biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt, các cán bộ, chiến sỹ (CBCS) lực lượng bộ đội biên phòng (BDBP) và trực tiếp là CBCS Đồn Biên phòng Pa Ủ - những người có sức khoẻ, trí tuệ, hoài bão không thể chấp nhận cảnh quê hương, anh em ruột thịt của mình nghèo khổ mãi.

Đồng chí Bùi Từ Thiện - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND trao tặng quà cho bà con bản Tân Biên trong Lễ khánh thành và bàn giao nhà đại đoàn kết. Ảnh: Tùng Phương.

Đại uý Đinh Đức Hùng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ, người được phân công phụ trách công tác xây dựng nhà đại đoàn kết hồ hởi: “Bản sẽ rất đẹp đấy các anh ạ. Tuy là nhà gỗ nhưng chúng tôi đảm bảo đủ 3 tiêu chí: cứng mái, cứng nền, cứng khung. Hơn nữa còn có công trình phụ tập thể, nước sinh hoạt được dẫn tới tận bếp của từng nhà, có nhà văn hoá, có lối đi giữa bản, điện cao áp chiếu sáng trong bản…”. Anh Hùng say sưa kể để chúng tôi hình dung về hình ảnh của bản trong tương lai còn chúng tôi lại liên tưởng tới việc xây dựng các khu chung cư ở nơi đô thị.

Chúng tôi xuống công trường để cảm nhận không khí của công trường. Bản Tân Biên có 20 hộ dân thì được xây dựng hẳn 21 căn nhà (1 nhà văn hoá bản). Bản làng được dựng tại khu đất cũ chỉ có điều không lộn xộn, lô nhô mạnh nhà nào nhà ấy làm như trước. Mặt bằng được san ủi thành 3 cấp đồng mức, đứng từ một phía, nhìn những căn nhà nối nhau san sát, uốn lượn theo đường cong mềm mại của triền đồi như một đoàn tầu vào khúc cua để phô bày hết vẻ đẹp của nó. Cả bản như một công trường lớn, gỗ được tập hợp hàng chồng lớn, tôn lợp mái xếp xanh cả một góc bản, tiếng người nói, tiếng đục đẽo, tiếng công cụ va vào nhau… cứ như mở hội.

Theo thiết kế, mỗi gia đình sẽ có khoảng 100m2 diện tích, trên đó sẽ dựng môt ngôi nhà gỗ 3 gian, nhà bếp của các gia đình sẽ được dựng về phía sau nhà gần taluy dương phía trước nhà có lối đi chung như vỉa hè tại đó và phần taluy âm sẽ được bộ đội cùng với nhân dân trồng các loại cây xanh tạo bóng mát và cây ăn quả để tạo cảnh quan cho bản. Phía đầu bản có hai cây cột điện hạ thế, sẽ được lắp bóng điện chiếu sáng cho cả bản.

Khi chúng tôi đến nhà ông Phàn Xạ Chô - Trưởng bản Pa Ủ, ông Chô vui vẻ lấy sắn luộc lên mời kèm theo một câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Khoai bùi trong bụng, sắn thơm trong lòng. Đây là vừa để nấu rượu chuẩn bị lên nhà mới vừa để mời anh em cán bộ quân hàm xanh đã làm hộ nhà. Bà con còn nghèo, cán bộ thông cảm”.

Ông trưởng bản đến là vui tính lại còn thuộc lắm thơ, văn, cứ hỏi ông câu gì ông lại mang thơ của cụ Tố Hữu ra trả lời. Khi ra về, ông cứ níu chúng tôi ở lại rồi nắm chặt tay đồng chí chính trị viên của Đồn và lại ngâm một câu thơ: “Áo chàm đưa buổi phân li - cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”, rồi lại lật đật bảo con gái chuẩn bị sắn để ông mang lên mời bộ đội dựng nhà. Một túi nilon nho nhỏ đựng được một ít sắn luộc chẳng thấm vào đâu với quân số mấy chục người lính đang làm nhiệm vụ ở đây nhưng của ít lòng nhiều, âu cũng là tấm lòng bà con với bộ đội…

Quyết tâm vì đồng bào ruột thịt

Cái nắng hanh cuối thu không nóng nhưng đủ sức hanh khô tất cả mọi thứ chỉ trừ những chiếc áo rằn ri đẫm mồ hôi bên những hàng cột kèo. 95 CBCS của Đồn cùng lực lượng tăng cường của Bộ Chỉ huy BĐBP và lực lượng điều động của Bộ Tư lệnh BĐBP tỉnh (chủ yếu là của Học viện Biên phòng) đang hăng say với công việc. Trong câu chuyện của mọi người chỉ thấy nhắc đến nào là gỗ gì, đường mực, đường cưa thế nào chứ không thấy ai kêu vất vả, chẳng ai bảo ở đây lắm ruồi vàng. Dường như những người lính này đang làm việc của nhà mình.

Bộ đội Biên phòng dựng nhà cho bà con bản Tân Biên.

Nói là việc nhà cũng không phải không đúng, ít thấy nơi nào tình quân dân lại thắm thiết như ở đây. Chuyện ở đây người dân kết nghĩa với BĐBP, rồi BĐBP làm rể nhân dân là chuyện dễ thấy. Chẳng nói ai xa chính ông Phàn Xạ Chô cũng là người rất trọng nghĩa tình ấy. Bản Tân Biên do Đồn biên phòng Pa Ủ lập nên mà người có công lớn nhất là nguyên đồn trưởng Nguyễn Minh Trung. Chẳng biết ông đồn trưởng đã nghỉ hưu kia với ông trưởng bản này có thống nhất không nhưng khi chúng tôi nhắc tới tên của ông đồn trưởng, ông trưởng bản phản đối ngay: “Không phải là Nguyễn Minh Trung đâu, Phàn Xạ Trung, còn tôi là Nguyễn Minh Chô”, mọi người nhìn nhau mãi mới hiểu hoá ra họ đổi họ cho nhau cho thêm khăng khít nghĩa tình. Tôi còn được nghe thêm tin rằng ông trưởng bản “Nguyễn Minh Chô” này lại sắp có con rể là một chiến sỹ của Đồn Biên phòng Pa Ủ. Nghe đâu anh Đèo Văn Tương và con gái ông Chô là Phàn Gạ Bơ đang về ra mắt bên họ trai để chuẩn bị cho cả đồn, cả bản uống rượu hỷ. Có lẽ đất và người nơi đây có duyên với BĐBP.

Vượt gần ngàn cây số, từ thủ đô xa xôi lên đây, chỉ nghỉ đúng một buổi tối tại đồn biên phòng, nếm vừa đủ ruồi vàng, bọ chó như một thể thức nhập gia, gần 20 CBCS của Học viện Biên phòng bắt tay ngay vào việc dựng nhà cho đồng bào. Những bóng áo xanh xuất hiện ở khắp mọi vị trí trên “công trường bản” từ đục, đẽo, lắp dựng tới đào hố, kê đá, khơi đất. Thấy tôi cứ trầm trồ mãi khi thấy ai cũng làm việc khá chuyên nghiệp, thượng tá Đỗ Văn Vinh - Trợ lý Tham mưu phòng Hành chính (Học viện Biên phòng) cười: “Có giỏi giang gì đâu, anh em làm mãi rồi quen ấy mà”.

Những học viên trắng trẻo như công tử, những bàn tay chẳng có một tẹo chai nào và những chiếc áo rằn ri bết mồ hôi cứ ngỡ rằng các học viên sẽ sớm thoái trí khi lần đầu tiên lên chốn rừng xanh núi đỏ này vậy mà họ vẫn rất hăng hái lăn mình vào mọi việc.

Học viên Dương Văn Đức cho biết: “Chỉ thấy vui thôi anh ạ. Tất nhiên là có nặng nhọc nhưng những dịp thế này là vinh dự của mỗi người vì được trực tiếp đóng góp công sức cho đồng bào. Không chỉ giúp đỡ trực tiếp, cán bộ, học viên của Học viện cũng quyên góp chia sẻ với đồng bào ở đây được khoảng 70 triệu đồng tiền mặt nữa”.

Trong những CBCS làm ở đây có một người khá đặc biệt đó là thiếu uý Pờ Bó Hừ (cán bộ của Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu). Bó Hừ cho biết: “Là một người con của dân tộc La Hủ, khi dựng nhà cho đồng bào, tôi vừa thấy tự hào vì mình đang giúp những người trong dòng tộc mình và vừa thấy có trách nhiệm vì mình là một người bộ đội đang thực hiện nhiệm vụ giúp dân”.

Ngày 26/12/2010, bản kiểu mẫu đầu tiên của cả đường biên giới 273km đã khánh thành và người dân đã về trong những căn nhà mới - căn nhà của tình quân dân thắm thiết. Đến đây tôi lại nhớ câu thơ mà ông “Nguyễn Minh Chô” đọc khi chia tay chúng tôi: “Mình về thành thị xa xôi - Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng - phố đông còn nhớ bản làng - sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng - Mình đi ta hỏi thăm chừng - Bao giờ Việt Bắc tưng bừng thêm vui”. Có lẽ ngày để bản Tân Biên tưng bừng thêm vui đã đến và chắc rằng những người lính đã đến nơi này, nặng tình với đất khó sẽ mãi “Mình đi mình lại nhớ mình”, thoả lòng mong mỏi của ông trưởng bản đã ngoài 70 tuổi này.

Xuân Thi

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Kiểm soát thị trường vật tư nông nghiệp
Ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, điều này cho thấy phân bón và giống có vai trò không nhỏ trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, ngoài sử dụng phân hữu...
Tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng
Chủ động, nhiệt tình, không ngại khó, ngại khổ, gương mẫu trong lời nói và việc làm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ; trách nhiệm, tận tình hướng dẫn và gần gũi, kịp thời nắm bắt tư...