Xuân “ấm lòng” dân bản
Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Giàng A Dụ - Trưởng bản Pô Tô (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Ông Dụ cho biết: “Trước kia, hàng hóa của Nhân dân hai bên khó bán sang địa bàn của nhau, song chủ trương kết nghĩa biên giới đã mở rộng cánh cửa lưu thông hàng hóa; giá cả nhiều mặt hàng cũng được nâng lên đáng kể. Văn bản kết nghĩa đã tạo điều kiện cho hai bên qua lại giao thương, hàng hóa bán được với giá cao, thanh toán sòng phẳng. Đời sống kinh tế của bà con trong bản khá hơn rất nhiều, không còn tình trạng bỏ ruộng nương, gia đình xuất cảnh trái phép sang lao động thời vụ bên nước bạn”.
Tại trụ sở Đảng ủy, HĐND và UBND xã Huổi Luông, mặc dù bận họp tổng kết cuối năm nhưng đồng chí Lê Văn Dung - Bí thư Đảng ủy xã vẫn dành cho chúng tôi gần một tiếng đồng hồ làm việc. Đồng chí Lê Văn Dung chia sẻ: Sau khi kết nghĩa, chỉ chưa đầy 3 năm khi văn bản có hiệu lực thi hành, tốc độ phát triển kinh tế của bản Pô Tô đẩy nhanh trên tất cả các lĩnh vực. Tín hiệu vui và cũng đáng phấn khởi, tự hào đầu tiên là thu nhập bình quân của Nhân dân bản Pô Tô trở thành một trong những bản thuộc “tốp đầu” toàn huyện. Thống kê bình quân hiện nay đạt khoảng 26 triệu đồng/người/năm, không chỉ vượt xa mức thu nhập bình quân tỉnh giao mà đó là con số từ trước đến nay chính quyền cũng như người dân không ai dám mơ tới! Giờ đây các loại nông sản như: ngô, chuối, khoai lang... không lo nơi tiêu thụ! Trong bản Pô Tô cũng như xã Huổi Luông, một số hộ nông dân thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm.
Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Huổi Luông (Bộ đội Biên phòng Lai Châu) cùng người dân 2 bản Pô Tô và Cửa Cải giao lưu văn nghệ tại buổi lễ ký kết nghĩa bản - bản.
Được sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Huổi Luông, chúng tôi có chuyến trải nghiệm thực tế tại nơi giáp nhau giữa hai bản của hai quốc gia. Đây là địa bàn tương đối bằng phẳng, có một số công trình được xây dựng dù quy mô không thật lớn. Là người “hiểu địa bàn như hiểu lòng mình”, Trung tá Lê Văn Quyết - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông một lần nữa khẳng định: Mô hình kết nghĩa thôn bản hai bên biên giới không chỉ giúp bảo vệ sự bình yên cho mỗi bên, tạo điều kiện tốt cho phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết, thống nhất giữa Nhân dân hai bản, hai quốc gia. Những ngày lễ, tết truyền thống hoặc mỗi khi có người ốm đau, chuyện ma chay, cưới hỏi hoặc thiên tai gió bão... người dân hai bên qua lại thăm hỏi, động viên, chia sẻ niềm vui cũng như nỗi buồn. Những hoạt động đó giúp thắt chặt hơn tình cảm và sự tin cậy lẫn nhau.
Do có lời hẹn trước của Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Huổi Luông, ông Tau A Xà - Trưởng bản Cửa Cải (trấn Kim Thủy Hà, Kim Bình, Vân Nam - Trung Quốc) chờ chúng tôi trong căn nhà trình tường truyền thống của sắc tộc Hà Nhì. Sau tuần trà lá rừng hái từ lưng chừng núi Kim Thủy Hà, trưởng bản Tau A Xà nói: “Đúng là kết nghĩa kết tình tiện lợi trăm bề. Chúng tôi không chỉ xuất hàng sang Việt Nam mà còn nhập hàng từ Việt Nam về bán. Chính sách của hai Nhà nước, hai quân đội và hai địa phương cho phép hai bản kết nghĩa chính là “cầu nối” mọi mặt, mọi lĩnh vực cho cả Cửa Cải và Pô Tô”.
Chúng tôi rời Cửa Cải sau cái bắt tay siết chặt của Trưởng bản Tau A Xà, trở về Đồn Biên phòng Huổi Luông, trao đổi với chúng tôi, Trung úy Vũ Văn Văn - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cho biết: Kể từ khi kết nghĩa, không chỉ đời sống kinh tế người dân hai bản Pô Tô và Cửa Cải được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội hai bên cũng được giữ vững; công tác quản lý địa bàn, quản lý đường biên, mốc giới cũng thuận lợi hơn. Nhân dân hai bản luôn gìn giữ tình đoàn kết vốn có lâu đời, nỗ lực chung tay xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển bền vững. Dưới sự quản lý, hướng dẫn của ngành chức năng, Nhân dân hai bên chấp hành nghiêm các Hiệp định về biên giới, không để xảy ra trộm cắp tài sản, tranh chấp đất đai, vượt biên trái phép... Các cuộc tuần tra phối hợp, song phương được tổ chức trên cơ sở “bạn vì ta, ta vì bạn”, nhờ tinh thần kết nghĩa ưu việt này.
Được biết, người dân hai bản Pô Tô và Cửa Cải phần lớn là dân tộc Hà Nhì - dân tộc sống trọng tình, trọng nghĩa và trọng lẽ phải. Không lâu nữa là đến tết cổ truyền Khù Sự Chà 2023 của người Hà Nhì. Rượu mật ong rừng đã ủ dưới lòng đất từ nửa năm trước, trang phục đã may xong, những quả còn yêu thương cũng đã khâu rất đẹp chỉ còn chờ hội xuân để háo hức tung lên cho còn bay về phía người yêu, mang theo ước nguyện lứa đôi. Trong những ngày xuân này, có niềm vui của ấm no, phát triển, của tình quân - dân cá nước và mối giao hòa giữa hai bản trong tiết xuân “ấm lòng dân bản”...
Đức Duẩn
Bình luận