

<> "Tiếp lửa vùng biên - Bài 1: Tròn sứ mệnh
... Hơn 10 năm trước - Trung tá Phạm Minh Hải kể - thực hiện Nghị quyết số 16 của Tỉnh uỷ Lai Châu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh các xã biên giới giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo, Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu phối hợp với Huyện uỷ Sìn Hồ xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống chính trị cơ sở xã Nậm Ban (thời điểm ấy xã Nậm Ban thuộc huyện Sìn Hồ).
Theo đó, thành lập Ban Chỉ đạo do BĐBP tỉnh chủ trì và cử một tổ công tác phối hợp gồm cán bộ BĐBP và một số thuộc các ban, ngành của huyện Sìn Hồ tăng cường cho xã biên giới Nậm Ban. Thiếu tá Phạm Minh Hải - người có nhiều kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng ở Đồn Biên phòng Pa Tần được chọn làm Tổ trưởng tổ công tác biên phòng. Đồng thời, Ban Thường vụ Huyện ủy Sìn Hồ (nay là huyện Nậm Nhùn) chỉ định đồng chí Phạm Minh Hải làm Phó Bí thư Chi bộ xã (chưa thành lập Đảng bộ cơ sở).
Bí thư Đảng ủy xã Phạm Minh Hải dự buổi họp Chi bộ bản Nậm Ô.
Nậm Ban là xã biên giới của huyện Nậm Nhùn, có 4,6km đường biên giới giáp Trung Quốc, diện tích tự nhiên 12.542,01ha, 363 hộ, 1.943 nhân khẩu, 6 bản, gồm 3 dân tộc chính là Mông, Mảng, Hà Nhì còn lại là các dân tộc khác. Nhìn chung mặt bằng dân trí thấp, đời sống kinh tế của Nhân dân còn nhiều khó khăn; các chi bộ của xã hầu như không sinh hoạt, không có nghị quyết; nhiều bản “trắng” đảng viên. Các tổ chức chính trị cơ sở còn nhiều hạn chế, đội ngũ cán bộ xã yếu kém; đoàn thể hoạt động chưa nề nếp; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 74%.
Chủ tịch UBND xã Nậm Ban Tào A Thắng nói: Từ bao đời, kinh tế của Nhân dân trong xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với tập quán canh tác lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên. Khoảng từ năm 2010 trở về trước, đội ngũ cán bộ, công chức xã trình độ học vấn thấp, nhiều người chưa hết tiểu học, hiểu biết còn hạn chế nên các tổ chức chính trị, xã hội hoạt động hiệu quả không như mong muốn. Chính vì vậy, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa thực sự đi vào đời sống cũng như được Nhân dân hiểu thấu đáo, chung sức thực hiện. Nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đã triển khai nhưng kết quả thu được không đạt mục đích ban đầu. Cuộc sống của đại bộ phận đồng bào nơi đây vẫn trăm bề khó khăn. Muốn đời sống Nhân dân khá hơn nhưng bằng cách nào? Câu hỏi ấy “ám ảnh” không chỉ cá nhân Phó Bí thư Đảng ủy Phạm Minh Hải mà cả tập thể cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể địa phương.
Sau gần 2 tháng thâm nhập địa bàn, Thiếu tá Phạm Minh Hải mạnh dạn đề xuất ý kiến sắp xếp, điều chuyển một số cán bộ, giáo viên trẻ có năng lực và tâm huyết đang công tác tại các đơn vị trường học sang giữ một số chức danh của Đảng ủy và UBND xã bằng hình thức thi tuyển công khai, rộng rãi và minh bạch. Với phương châm: vừa công tác vừa học tập, anh đã tham mưu, tạo điều kiện cho 6 người đi học trung cấp chuyên môn, 9 người đi học lý luận chính trị, 23 cán bộ đương chức và dự nguồn được đi học nâng cao trình độ chuyên môn... Chưa đầy 5 năm sau, đội ngũ cán bộ cơ sở, bản được đào tạo cơ bản đạt chuẩn. Nhất là xây dựng được lề lối, tác phong làm việc nghiêm túc, trách nhiệm giúp bộ máy chính quyền từng bước hoạt động hiệu quả, đáp ứng sự kỳ vọng của đông đảo người dân.
Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi được mời tham dự cuộc họp thường kỳ của Chi bộ bản Nậm Ô. Dưới sự điều hành của Bí thư Chi bộ người dân tộc Mảng Chìn Me Long, nội dung cuộc họp được triển khai nghiêm túc, đảm bảo các bước trong quy định, đảng viên phát huy dân chủ, tích cực đóng góp ý kiến. Kết thúc cuộc họp, qua kết luận của đồng chí Bí thư Chi bộ thì cuộc họp có 6 đảng viên nhưng có tới 11 ý kiến tham gia và đó là điều không thường xuyên có được tại những cuộc họp chi bộ vùng cao. Đặc biệt ý kiến nào cũng rất sát thực, cụ thể, không chỉ nêu khó khăn còn bàn thảo tỷ mỷ để tìm giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Các ý kiến đều được ghi chép vào biên bản cuộc họp, ý kiến chưa có sự thống nhất cao ghi chú để tiếp tục bàn trong buổi họp sau.
Đúng như lời Bí thư Đảng ủy xã Phạm Minh Hải (năm 2013, anh được tín nhiệm bầu giữ chức danh Bí thư) nhận xét: “Trong hoạt động của tổ chức Đảng thì chi bộ bản là gần dân, hiểu dân nhất và cũng nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác nhất. Chi bộ khẳng định rõ và hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm đương nhiên Đảng bộ xã vững mạnh. Những năm tới, chúng tôi có kế hoạch luân phiên cử các đồng chí bí thư (hoặc phó bí thư) chi bộ đi đào tạo tiếp nhằm nâng cao trình độ học vấn và lý luận chính trị...”.
Từ sự quan tâm, hướng dẫn của Bí thư Đảng ủy xã Phạm Minh Hải và cấp ủy chi bộ, nhiều đảng viên trẻ xã Nậm Ban phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong phát triển kinh tế. Trong ảnh: Anh Hải cùng đảng viên Chi bộ bản Nậm Ô thăm, chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò sinh sản của một gia đình đảng viên trẻ.
Tiếp câu chuyện, anh Hải chia sẻ: Nhiều năm qua, ở các thôn, bản vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, trở ngại lớn nhất đối với công tác phát triển đảng viên và xây dựng chi bộ không phải quần chúng không có lý tưởng phấn đấu vào Đảng mà chủ yếu là do trình độ học vấn còn những hạn chế nhất định. Mặt khác, đời sống còn khó khăn, trong khi cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng để tăng cường lực lượng cho Đảng.
Đến nay, toàn Đảng bộ xã có 11 chi bộ với tổng số 110 đảng viên (tăng 26 đảng viên so với năm 2015). 100% bản, trường học, trạm y tế có tổ chức Đảng, trong đó có 6 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ y tế. Theo đánh giá hàng năm, Đảng bộ xã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các tập tục lạc hậu được xóa bỏ; phát triển mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Nhân dân trong xã trồng 40ha thảo quả, 15ha sa nhân tím, 10ha mận tam hoa; chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa... Cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng, giúp bộ mặt Nậm Ban thêm khởi sắc.
Cũng nhờ sự góp sức của cán bộ Hải mà từ chỉ có một trường học theo kiểu “3 trường làm 1” - cả mẫu giáo, tiểu học và THCS ở cùng địa điểm với mấy lớp học lụp xụp giờ xã đã có 3 trường: mầm non, tiểu học, THCS riêng biệt. Đặc biệt, anh tham mưu đơn vị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình trường bán trú với một nhà ăn, trang cấp đồ dùng trong nhà bếp; kêu gọi sự sẻ chia, tinh thần “lá lành đùm lá rách” của các nhà hảo tâm về gạo ăn cho học sinh. Cá nhân anh trực tiếp xuống cùng với thầy, cô giáo hướng dẫn học sinh nấu cơm, dạy kỹ năng sống... Đây cũng là mô hình bán trú đầu tiên của Lai Châu. Nhờ vậy, từ xã chỉ có hơn 200 học sinh đi học nay đã có tổng số hơn 600 em. Đây là nguồn nhân lực quan trọng để xây dựng quê hương trong tương lai.
Ưu tiên, chú trọng công tác xây dựng Đảng tạo hiệu ứng rõ nét là vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường ở tất cả bản vùng cao, biên giới, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Chính môi trường công tác là nơi để đảng viên người dân tộc thiểu số rèn luyện, trau dồi, khẳng định mình. Qua thực tế tôi luyện, nhiều đảng viên đã và đang trưởng thành, đủ năng lực đảm nhiệm những vị trí công tác cao hơn...
(Còn nữa)

Phát động đợt thi đua “Đoàn kết hiệp đồng - Lập công dâng Đảng”
Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra công tác phòng không bảo vệ các công trình trọng điểm tại tỉnh Lai Châu

Công bố quyết định thành lập các Đảng bộ, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực

Cái giá đắt cho vợ chồng “hờ” bán “hải sản tươi”

Hạnh phúc khi được gắn bó với biển, đảo
Lễ Công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an và Giám đốc Công an tỉnh

Ra mắt mô hình “Thư viện cà phê sách”

Quốc hội thống nhất bỏ chức danh Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh






