

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra giấy tờ của người và phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 4D.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2016 thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và Nghị định số 107/2014/NĐ-CP. Nghị định đã sửa đổi, bổ sung, làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm; bổ sung quy định xử phạt đối với 45 hành vi và nhóm hành vi vi phạm chưa được quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ để đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ và loại bỏ một số hành vi không cần thiết.
Đồng thời tăng mức phạt tiền hơn 100 hành vi vi phạm về giao thông đường bộ. Cụ thể, trong lĩnh vực đường bộ, Nghị định 46 bổ sung việc xử phạt hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20m2 làm nơi trông, giữ xe; để xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực thu phí... Xử phạt các hành vi như dùng tay sử dụng điện thoại di động, không thắt dây an toàn tại các vị trí có dây an toàn; vượt đèn vàng... Nghị định quy định việc bắt buộc người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; máy kéo, xe máy chuyên dùng “Sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn”.
Nghị định số 46 cũng quy định tăng mức xử phạt một số hành vi về kết cấu hạ tầng đường bộ, hành vi vi phạm quy định về đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, vi phạm quy định về hoạt động kiểm định, nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm quy định về tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông; nhóm hành vi chở hàng quá trọng tải cho phép chở của phương tiện, nhóm hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường, một số hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ.
Tăng mức phạt đối với nhóm người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, Nghị định đã bổ sung thêm về thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền lập biên bản; thủ tục xử phạt và lùi thời gian thực hiện của một số lỗi vi phạm Luật Giao thông đường bộ…
Ngay sau khi Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt có hiệu lực thi hành, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông xây dựng kế hoạch, mở lớp tập huấn, triển khai, hướng dẫn Công an các huyện, thành phố, CBCS của đơn vị, các lực lượng khác làm công tác bảo đảm trật tự ATGT và tham mưu lấy ý kiến, góp ý của các cơ quan, ban, ngành, quần chúng nhân dân về việc lực lượng Cảnh sát giao thông và lực lượng khác làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP.
Phối hợp với phối hợp Công an các huyện, thành phố, các trường học, các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ với nhiều hình thức như: xây dựng các tin bài, phóng sự; hình thức sân khấu hóa, thi tìm hiểu pháp luật giao thông; tổ chức ký cam kết chấp hành pháp luật giao thông đường bộ,...để nội dung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ tới được với các tầng lớp nhân dân. Ngoài ra, phối hợp với Ban giám hiệu các đơn vị trường học duy trì mô hình Cổng trường ATGT đã xây dựng, thực hiện ký cam kết không để cán bộ, công nhân viên, học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông..
Cùng với đó, tập trung lực lượng, phương tiện, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Quá trình kiểm tra xử phạt, tập trung theo các chuyên đề: Xử phạt vi phạm nồng độ cồn; xe quá khổ quá tải; lạng lách đánh võng; chuyển hướng sai quy định. Tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm. Quá trình tuần tra kiểm soát có sự tham gia phối hợp giữa lực lượng CSGT với các lực lượng khác nhằm làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm. Từ năm 2016 đến nay đã tổ chức tuần tra kiểm soát 9.565 lượt. Đặc biệt là, để giảm thiểu tình trạng vi phạm, từ năm 2017, đã triển khai 2 điểm kiểm tra dừng nhắc nhở lái xe kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện khi lên, xuống đèo tại Km 47+200 và Km 82+500 QL4D cho 10.716 lượt lái xe.
Theo đánh giá của Trung tá Đỗ Tú Anh – Phó Trưởng phòng CSGT thì sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định, việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ của người tham gia giao thông trên toàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy định tăng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi vi phạm có tác dụng răn đe, giáo dục rất cao đối với người tham gia giao thông. Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ còn cụ thể hóa được các hành vi vi phạm, các nhóm hành vi vi phạm và có chế tài xử phạt cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả trong việc xử phạt các lỗi vi phạm hành chính.
Rõ nét nhất là, trên các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn, các nút giao thông có tín hiệu đèn, người và phương tiện tham gia giao thông đi lại khá nền nếp. Không còn tình trạng vượt đèn vàng. Vào giờ cao điểm tại các khu vực đông dân cư, trường học, lực lượng cảnh sát giao thông đứng phân luồng, hướng dẫn giao thông. Người dân đã tự giác nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, việc chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông được chấp hành tốt. Người điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia tham gia giao thông đã giảm hẳn.
Trong 2 năm triển khai thực hiện Nghị định, lực lượng Cảnh sát giao thông trong tỉnh đã lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông với 978 trường hợp chạy quá tốc độ; 1980 trường hợp không đội mũ bảo hiểm đúng quy định; 115 trường hợp không đi đúng phần đường, làn đường; 125 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông 268 trường hợp chở quá số người quy định; 1425 trường hợp vi phạm quy định về GPLX; 443 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; 434 trường hợp chở hàng quá tải; 14 trường hợp vi phạm quy định về sử dụng chất ma túy khi điều khiển phương tiện…..Theo đó, đã lập biên bản 16.616 trường hợp, phạt tiền 15.040 trường hợp với số tiền 8.027.448.000 đồng, tước giấy phép lái xe có thời hạn 967 trường hợp.
Tuy nhiên cũng phải khẳng định rằng, vẫn còn không nhỏ một số bộ phận thanh thiếu niên bị ảnh hưởng phong tục tập quán, sự hiểu biết về pháp luật còn chưa cao dẫn đến khi tham gia giao thông như phóng nhanh, vượt ẩu, đi chiếm phần đường, có nồng độ cồn vượt quá mức quy định khi điều khiển phương tiện, không chấp hành tín hiệu đèn điều khiển giao thông, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, không có giấy phép lái xe...tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Đáng chú ý là một số nhóm hành vi tăng như: không đội mũ bảo hiểm; đi ngược chiều, không có gương chiếu hậu trái, chạy quá tốc độ quy định từ 5km đến dưới 10 km, không có giấy chứng nhận bắt buộc BHTN dân sự, chở quá số người quy định. Nguyên nhân chủ yếu trước tiên phải khẳng định là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao; mật độ phương tiện giao thông tăng nhanh, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó thì chế tài xử phạt vi phạm hành chính của Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đối với 1 số lỗi vi phạm này mức phạt còn thấp; một số lỗi không tạm giữ phương tiện, không tước giấy phép lái xe nên chưa đủ sức răn đe người vi phạm.
Do vậy, để Nghị định số 46/2016/NĐ-CP tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm ATGT trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, lực lượng CSGT tiếp tục đẩy mạnh tuần tra kiểm soát đi đôi với tuyên truyền để người tham gia giao thông nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc chấp hành quy trình, quy chế, tác phong công tác, văn hóa ứng xử trong hoạt động tuần tra, kiểm soát giao thông của cán bộ chiến sỹ. Quyết tâm bảo đảm an toàn giao thông trên những cung đường.

Chủ tịch Thuận An và ông Phạm Thái Hà đã nộp khắc phục hậu quả bao nhiêu tiền?
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Khởi tố 4 bị can là lãnh đạo, cán bộ tỉnh Thanh Hóa trong vụ án xảy ra tại Công ty Thiên An Phát

Xác định nguyên nhân ban đầu vụ cháy cư xá làm 8 người tử vong

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo cập nhật dữ liệu dân cư sau khi sáp nhập tỉnh, thành phố

Một người tử vong do sạt lở đất đá trên quốc lộ 4D

Đừng để “ma men” dẫn lối đến tù tội
Ra mắt mô hình “Camera an ninh” trên địa bàn xã Sùng Phài










