

Phụ nữ Dân tộc Mông hoa ở xã Dào San thêu hoa văn trên vải
Ông Giàng A Trung, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội xã Dào San chia sẻ: “Mỗi nhóm dân tộc Mông đều có đặc trưng riêng thể hiện qua trang phục, đặc biệt là phụ nữ. Phụ nữ Mông đen và Mông hoa sử dụng dây đai thắt lưng. Riêng người Mông Lô Lô thì chân váy có tông chàm và trắng, họa tiết thêu tay được nhấn nhiều ở phần gấu váy, tay, cổ và ngực áo phía trước, trong đó, áo có vạt xẻ sâu”.
Người Mông Lô Lô phân bố ở các bản: Tung Qua Lìn, Căng Ký, Cờ Kí, Căng Há, Sểnh Sảng A, Sểnh Sảng B với tổng số 2.540 hộ, chiếm 19,12% dân số toàn xã. Ở bản Căng Há, có hơn 110 hộ gia đình người Mông Lô Lô sinh sống và hình ảnh phụ nữ ngồi thêu bên hiên nhà trở nên quen thuộc.
Bà Sùng Thị Máo (dân tộc Mông Lô Lô) ở bản Căng Há chia sẻ: “Tôi khâu phần tay áo từ 4 - 5 ngày. Vì làm thủ công hoàn toàn, không dùng máy may nên cả năm cũng chỉ làm được 2 bộ trang phục. Tôi đều tranh thủ thêu trong mùa hè, đến tết mới kịp cho người thân mặc đón tết”.
Trang phục của người Mông Lô Lô có hoa văn đơn giản nhưng mang cá tính riêng. Trong đó, tông màu, cách phối và từng đường kim mũi chỉ thể hiện gu thẩm mỹ riêng của từng người phụ nữ. Một bộ váy truyền thống có giá trên 1 triệu đồng và thường từ 4 - 5 tháng để hoàn thiện. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều người trẻ đã thay đổi cách làm. Họ thường mua vải có hoa văn sẵn ngoài chợ để may chân váy, tiết kiệm chi phí, mặc nhẹ hơn khi lao động.
Ông Giàng A Trung cho biết thêm, dù có sự đổi thay theo thời gian, nhưng văn hóa truyền thống vẫn là gốc rễ. Giới trẻ có thể chọn cách làm hiện đại hơn nhằm tiết kiệm thời gian, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ gìn những giá trị truyền thống. Các hoạt động văn hóa cộng đồng như: lễ hội, chợ phiên, ngày tết... đều khuyến khích mặc trang phục truyền thống, để thế hệ sau không quên cội nguồn.
Dào San không chỉ là nơi sinh sống mà còn là không gian văn hóa giao thoa văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Trong đó, người Mông hoa và Mông đen là hai nhóm cộng đồng đông đảo, có vai trò giữ gìn và lan tỏa bản sắc truyền thống rõ nét nhất tại đây. Người Mông hoa nổi bật với trang phục rực rỡ sắc màu, đặc biệt là váy xòe có họa tiết thêu tinh xảo, phần chân váy thường được xếp ly, điểm nhấn là chiếc thắt lưng vải bản to thêu tay công phu. Còn người Mông đen lại mang phong cách giản dị, kín đáo hơn. Trang phục thường thiên về tông màu chàm hoặc đen tuyền, ít họa tiết cầu kỳ nhưng lại đặc biệt ở kỹ thuật khâu vá, dệt vải và nhuộm màu tự nhiên từ lá cây. Cả hai nhóm Mông hoa và Mông đen đều giữ vai trò quan trọng trong việc lưu giữ nghề dệt vải lanh, thêu thùa, làm giấy dó và các nghi lễ tín ngưỡng truyền thống.
Một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu ở vùng cao Dào San là chợ phiên. Đây không đơn thuần là nơi trao đổi hàng hóa, còn là không gian lan tỏa bản sắc, “sân khấu” nhỏ nơi sắc phục dân tộc khoe sắc. Tại đây, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ người Mông ngồi bên sạp hàng, tay thoăn thoắt thêu hoa văn trên khăn, tay áo hay váy.
Giữa làn sương mù trên những bản làng của xã, những phụ nữ Mông vẫn bền bỉ từng đường kim mũi chỉ, gìn giữ hồn cốt dân tộc trong từng nếp váy. Sự đa dạng trong sắc phục, trong giọng nói và cả những phong tục đặc trưng của Mông đen, Mông hoa, Mông Lô Lô đang làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc nơi vùng cao biên cương của Tổ quốc.

Công bố Quyết định công nhận danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Phát huy giá trị khoa học và văn hóa của di sản bãi cọc Bạch Đằng
Trại sáng tác văn học nghệ thuật năm 2025

Báo Lai Châu - “Người kể chuyện” văn hoá trong thời kỳ mới

Nậm Hàng xây dựng đời sống văn hóa
Giữ gìn nét đẹp văn hoá từ những điều giản dị

Kỳ 3: Đoàn kết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa, chắp cánh du lịch Lai Châu bay cao








