Thứ sáu, 11/10/2024, 11:45 [GMT+7]

Đầu tư thiết chế văn hóa cho người dân vùng biên

Thứ tư, 18/09/2024 - 16:39'
Những năm qua, huyện Mường Tè tận dụng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, kêu gọi, lồng ghép nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa. Từ đó, tạo điều kiện để nhân dân có nơi hội họp, luyện tập, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần, gìn giữ bản sắc dân tộc; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong chuyến công tác tại xã Bum Nưa, chúng tôi nhớ mãi nụ cười của các em nhỏ dân tộc Mảng ở bản Nậm Củm khi chơi trốn tìm quanh nhà văn hóa. Trên nhà sàn, các thành viên trong đội tham dự Hội thi xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh nỗ lực luyện tập tiểu phẩm, văn nghệ để quyết tâm giành giải cao.
Anh Lò Văn Chung - Trưởng bản Nậm Củm chia sẻ: Năm 2023, bản được huyện, xã quan tâm sửa lại nhà văn hóa; đầu tư bàn, ghế, loa, đài phục vụ hoạt động chung của bản. Đây cũng là nơi để bản tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; lễ hội; văn nghệ, thể thao... Vì thế, dân bản rất phấn khởi. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể bản tích cực tuyên truyền tới các hộ dân quan tâm bảo vệ cơ sở vật chất; thường xuyên vệ sinh môi trường khuôn viên, trồng thêm cây xanh, hoa, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại nhà văn hóa.
Huyện Mường Tè có 14 xã, thị trấn với 110 bản, khu khố, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 92,63% dân số toàn huyện. Xác định văn hóa là nền tảng, động lực tinh thần cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, huyện triển khai có hiệu quả các nghị quyết của trung ương, của tỉnh về văn hóa. Trọng tâm là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

1

Nhà văn hóa bản Nậm Củm (xã Bum Nưa, huyện Mường Tè) được đầu tư khang trang, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp chính quyền tuyên truyền, nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho bà con.

Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, phòng, ban chuyên môn, tổ chức hội, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tích cực hưởng ứng, lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cùng xây dựng môi trường văn hóa trong hệ thống chính trị, cộng đồng bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và gia đình. Hằng năm, huyện tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao gắn với các dịp lễ, tết, ngày hội. Tiêu biểu là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc; chú trọng đưa thông tin về cơ sở...
Đặc biệt, huyện quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến từng xã, bản, khu phố nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân có nơi hội họp; nghe thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; giao lưu văn nghệ, thể thao nâng cao đời sống tinh thần.
Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng A Lình - Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Mường Tè cho biết: Xác định hệ thống thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng, hằng năm huyện bố trí lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như: nhà văn hoá, sân luyện tập thể thao, bàn ghế, tăng âm, loa, hệ thống ánh sáng. Đến nay, toàn huyện có 1 trung tâm hội nghị - văn hóa cấp huyện, 13 nhà văn hóa cấp xã, 106 nhà văn hóa bản, khu phố. 100% nhà văn hóa được cấp đầy đủ tăng âm, loa, micro. 1 sân vận động cấp huyện, 3 sân vận động cấp xã, 5 nhà thi đấu thể thao cấp xã, 4 nhà thi đấu thể thao tại các cơ quan, đơn vị huyện; 2 khu vui chơi giải trí cho trẻ em. Huyện có 1 đội thông tin lưu động được cấp trang thiết bị chuyên dụng phục vụ hoạt động chuyên môn (tăng âm, loa, hệ thống ánh sáng, xe ôtô chuyên dụng); xây dựng 7 cụm pano tuyên truyền cổ động.
Cũng theo ông Giàng A Lình, cơ bản hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện đã và đang phát huy hiệu quả, đóng góp quan trọng vào công tác tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là tại các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Nhờ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân nâng cao hơn; hủ tục, tệ nạn xã hội dần được đẩy lùi. Đến nay, toàn huyện có 89 bản, khu phố văn hóa; 87 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 9.030 hộ gia đình văn hóa (đạt gần 80%).
Thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho các xã, bản còn thiếu; bố trí nguồn lực tu sửa nhà văn hóa đã xuống cấp. Từ đó, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế đồng bộ, hiện đại; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Đông - Duy

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Đảng viên mẫu mực
Ông Nguyễn Văn Đại - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) là đảng viên luôn mẫu mực, hết lòng với công việc, gần gũi với nhân dân. Dưới sự dẫn dắt của ông,...