

Cán bộ y tế xã Pa Khóa (huyện Sìn Hồ) tuyên truyền tới người dân bản Hồng Ngài, xã Pa Khóa cách phòng chống bệnh lỵ
Ngay sau khi sự việc xảy ra, đoàn công tác gồm: Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng 2 đội cơ động phòng chống dịch tuyến tỉnh phối hợp với Trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã và các ban, ngành, đoàn thể của xã Pa Tần tiến hành họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại chỗ. Các lực lượng nhanh chóng xác minh tình hình, diễn biến các ca bệnh, xác định nguyên nhân gây bệnh. Ban chỉ đạo phân công nhiệm vụ cho các đội tiến hành cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế bệnh nhân diễn biến nặng và lây lan mầm bệnh. Các lực lượng tiến hành khoanh vùng tẩy uế môi trường, khử trùng bằng cloramin B, lấy mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời, huy động tối đa các lực lượng tuyến tỉnh, tuyến xã, lực lượng biên phòng đóng chân trên địa bàn, các thầy, cô giáo, ban, ngành, đoàn thể xã dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, huy động 4 máy phun, 200kg cloramin B 25% để khử khuẩn môi trường, 9.200 viên cloramin B 250mg xử lý nguồn ngước; phun khử khuẩn môi trường, khử khuẩn nước sinh hoạt bằng cloramin B tại 6 bản có ca bệnh và các trường có học sinh ăn bán trú. Cùng với đó, các lực lượng tuyên truyền, vận động những người mắc bệnh ra trạm y tế, trung tâm y tế huyện điều trị. Khi được cán bộ tuyên truyền về tác hại của bệnh, đa số các bệnh nhân bị bệnh nặng tự giác về trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện điều trị. 10 bệnh nhân không chấp hành điều trị tại cơ sở y tế, Ban chỉ đạo đã cử tổ điều trị lên các bản để điều trị tại nhà. Đến nay, các ca bệnh dần ổn định, xuất viện, hiện chỉ còn 6 bệnh nhân đang điều trị.
Khí hậu mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều là cơ hội cho các loại côn trùng (ruồi, nhặng, gián…) truyền bệnh, vi sinh vật gây bệnh phát triển. Nguyên nhân của các ca mắc bệnh lỵ trực khuẩn trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xác định do tập quán sinh hoạt của đồng bào còn lạc hậu; việc ăn, ở mất vệ sinh; phóng uế bừa bãi; tập trung nhiều ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Sìn Hồ.
Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Trần Đỗ Kiên - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trước tình hình bệnh tiêu chảy có diễn biến phức tạp, trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch mùa hè, chỉ đạo tuyến dưới tăng cường phòng, chống bệnh lỵ trên địa bàn toàn tỉnh. Khi phát hiện các ca bệnh đầu tiên, đơn vị tăng cường giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh; cách ly, điều trị kịp thời các ca bệnh. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường, khử khuẩn môi trường, nguồn nước sinh hoạt tại các hộ có người mắc bệnh bằng cloramin B. Tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực nhiễm bệnh và các xã giáp ranh thực hiện vệ sinh môi trường, cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, thực hiện ăn chín, uống nước sôi để nguội; vận động người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi”.
Là một trong những bệnh nhân bị bệnh lỵ trực trùng, đến nay sức khỏe của chị Sìn Thị Bình (ở bản Nậm Nó 1, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn) đã ổn định. Chị Bình nói: “Tôi bị đau quặn bụng, đi ngoài nhiều lần có lẫn máu. Khi bị bệnh, tôi đã nhanh chóng tới Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ để khám và điều trị bệnh. Tại đây, được các y, bác sỹ chăm sóc tận tình, chu đáo, sức khỏe đã khá hơn, tôi được bác sỹ kê đơn thuốc cho điều trị tại nhà. Trước khi ra viện, tôi còn được các bác sỹ hướng dẫn cách vệ sinh cá nhân, ăn uống đảm bảo vệ sinh; cắt móng tay sạch sẽ, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh”.
Bệnh lỵ trực trùng là một bệnh lây lan nhanh, bùng phát mạnh. Vì vậy, ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường hướng dẫn người dân về sự nguy hiểm, dấu hiệu nhận biết và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lỵ; thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh lỵ trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn xảy ra dịch bệnh (xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ) nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa có hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh.
Ngoài ra, tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống dịch bệnh lỵ bằng các biện pháp như: ăn chín, uống nước đã đun sôi; vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh; giữ vệ sinh nguồn nước công cộng; sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, đi vệ sinh đúng nơi quy định, không phóng uế bừa bãi.
Đối với các trường học, giáo viên cần thực hiện việc theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh, thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện học sinh có dấu hiệu mắc hoặc nghi mắc bệnh lỵ để kịp thời xử lý; hướng dẫn các em học sinh, gia đình các biện pháp phòng chống để chủ động phòng chống bệnh lỵ.
Đối với các gia đình không có nhà tiêu hợp vệ sinh thì phải đào hố, khử trùng bằng cloramin B; tuyệt đối không dùng phân tươi để bón rau. Khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh (đau bụng, đi ngoài nhiều lần có lẫn máu), người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Bệnh lỵ trực trùng là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do trực khuẩn shigella gây ra. Dấu hiệu chính của bệnh là tiêu chảy và phân thường có lẫn máu. Bệnh lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp với các vi khuẩn trong phân; từ người bệnh sang người lành trực tiếp qua tiếp xúc hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn; các loại côn trùng như: ruồi, nhặng, gián làm lây lan mầm bệnh sang thức ăn. Bệnh lỵ trực trùng lây truyền qua đường tiêu hóa, bùng phát nhanh, lây lan mạnh. Khi mắc, người bệnh thường có biểu hiện đau quặn bụng, mót rặn, đi ngoài phân tóe nước có lẫn máu, tiêu chảy với số lần nhiều, gây mất nước cấp, nhanh làm cho người bệnh rối loạn điện giải, kiệt sức, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Thời gian ủ bệnh từ 1 - 7 ngày.

Thắp sáng đường quê - Phong trào nhỏ, ý nghĩa lớn

Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh: Phòng chống tác hại thuốc lá

Giúp học sinh vùng cao tiếp cận môi trường học tập an toàn

Tập huấn việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Tăng cường truyền thông bình đẳng giới – Lan tỏa thông điệp nhân văn trên địa bàn tỉnh

Bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong mùa mưa

Ra mắt mô hình “Thư viện cà phê sách”

Tổ công tác 2106 của Bộ Chính trị kiểm tra việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp






