

Huyện Phong Thổ có địa hình chia cắt phức tạp, độ dốc cao, nhiều hộ dân sống ở khu vực sườn núi, khe suối nên khi xảy ra mưa lớn nguy cơ sạt lở cao hơn. Theo số liệu thống kê đến thời điểm này, toàn huyện có 150 hộ dân trong diện có nguy cơ sạt lở, trong đó 20 hộ có nguy cơ cao. Tính đến nay huyện mới thực hiện được việc di chuyển cho 70 hộ ở xã Lản Nhì Thàng, hiện tại vẫn còn nhiều hộ phải sống trong cảnh thấp thỏm lo lắng mỗi khi trời mưa to kéo dài, nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Một số hộ dân ở bản Lùng Than (xã Mù Sang, huyện Phong Thổ) vẫn đang nằm trong khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất cần được di chuyển đến nơi ở mới.
Chúng tôi có mặt tại bản Sin Chải (xã Mù Sang) là nơi chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa đá, giông lốc, lũ ống, lũ quét vừa qua. Nhiều người dân vẫn chưa hết bàng hoàng bởi những gì đã xảy ra, chỉ sau một đêm đã có 3 người chết, 450 ngôi nhà bị hư hỏng cùng hàng trăm hécta hoa màu mất trắng. Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn do thiên tai gây ra. Anh Ma A Lăng (bản Sin Chải, xã Mù Sang) chia sẻ: “Mưa to nước trên này chảy như suối. Không dám ở trên này, gia đình tôi mong được di chuyển đến nơi khác cho an toàn. Mỗi khi mưa to chúng tôi lại cảm thấy lo lắng nhưng không biết phải làm thế nào nữa, ở đây lâu quá rồi. Nhiều hôm mưa to còn không dám ngủ, đã có gia đình bị đất sạt trôi mất nhà, chết cả người”. Cũng giống như gia đình anh Lăng, anh Ma A Sèo, người cùng bản cho biết thêm: Những hộ có điều kiện đã di chuyển đi nơi khác rồi, nhưng một số hộ thì chưa có điều kiện để di chuyển và không có đất để ở. Mong muốn Nhà nước hỗ trợ Nhân dân đến nơi ở mới.
Mặc dù đã di chuyển được nhiều hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, tuy nhiên hiện tại huyện Phong Thổ vẫn còn gần trăm hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao chưa thể di chuyển đến nơi ở mới do khó khăn về nhiều mặt. Vấn đề di dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở gặp khó khăn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó khó nhất có lẽ là vấn đề kinh phí di chuyển các hộ đến nơi ở mới. Cùng với đó, phần lớn các hộ phải di chuyển đều nằm trong diện hộ nghèo, không có khả năng tự di chuyển đến nơi ở mới. Đối với những hộ có điều kiện kinh tế khá, chính quyền xã và các phòng, ban của huyện đã vận động được nhiều hộ tự di chuyển để đảm bảo an toàn. Không những khó khăn về kinh phí, một vấn đề nữa là thiếu mặt bằng.
Vậy giải pháp được huyện đưa ra là gì, đó là việc ở các xã vùng cao như: Dào San, Vàng Ma Chải, Mù Sang, Mồ Sì San… nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở cao, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân chủ động phòng chống. Huy động nguồn lực tại chỗ di chuyển các hộ dân nguy cơ cao ra ở nơi an toàn. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, các xã, thị trấn theo dõi diễn biến tình hình thời tiết chủ động bố trí lực lượng phòng chống thiên tai. Phát huy tinh thần chủ động, thường xuyên rà soát đưa các hộ trong khu vực có nguy cơ cao như: sườn đồi, ven sông, suối đến nơi an toàn. Phương châm thực hiện là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân lên hàng đầu. Cùng với đó, huy động sự tham gia của lực lượng biên phòng, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 356, Đồn công an sẵn sàng lực lượng ứng cứu, di chuyển đối với người dân trong vùng có nguy cơ sạt lở.
Ông Vương Thế Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: Hiện nay, quá trình di chuyển có những khó khăn, thứ nhất là mặt bằng để di dân lên các vị trí an toàn là hạn chế. Thứ hai, tập quán của bà con không muốn tách rời đến nơi ở mới xa cộng đồng bản cũ. Huyện đã chủ động thực hiện di dời các hộ có nguy cơ sạt lở cao trên cơ sở điều kiện thực tế của huyện, của các hộ gia đình và nguồn lực cộng đồng, nhưng kinh phí thực hiện rất lớn. Do đó, huyện mong nhận được sự quan tâm sắp xếp nguồn vốn của tỉnh để bố trí di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao.
Những cơn mưa đầu mùa chưa phải lớn nhưng thiệt hại đã thấy rõ. Hy vọng rằng từ những nỗ lực của huyện, các xã trên địa bàn các hộ trong diện nguy cơ sạt lở sẽ sớm được di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn. Để làm được điều đó, ngoài nỗ lực của huyện rất cần sự hỗ trợ của tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng chung tay giúp sức, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi mùa mưa đến.

Lai Châu công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên quốc lộ 4D

Thăm hỏi, động viên 2 hộ dân bị ảnh hưởng do sạt lở đất

Thầm lặng nghề hái chè

Thắp sáng đường quê - Phong trào nhỏ, ý nghĩa lớn

Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh: Phòng chống tác hại thuốc lá

Giúp học sinh vùng cao tiếp cận môi trường học tập an toàn

Tập huấn việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Tăng cường truyền thông bình đẳng giới – Lan tỏa thông điệp nhân văn trên địa bàn tỉnh







