

Phong Thổ là huyện vùng cao, biên giới với 16 xã và 1 thị trấn, trong đó có tới 12 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có hơn 80 nghìn dân, với 9 dân tộc cùng sinh sống; dân tộc Dao và Mông chiếm hơn 60%, tiếp đến là Thái, Hà Nhì, Kinh… Với đặc thù đa dân tộc, địa hình chia cắt, giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt và điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, việc tiếp cận giáo dục của trẻ em nơi đây gặp vô vàn khó khăn.
Chính vì vậy, huyện Phong Thổ sớm xác định rõ việc nâng cao chất lượng giáo dục – nhất là bậc mầm non và tiểu học – là nền tảng để phát triển nguồn nhân lực cho địa phương. Trong đó, tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số được coi là nhiệm vụ cấp thiết, mang tính quyết định. Đây không chỉ là công cụ giúp trẻ học tập tốt hơn, mà còn là cầu nối để các em hòa nhập xã hội, mở rộng cơ hội vươn lên.
Từ năm 2016, huyện đã triển khai nghiêm túc Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016–2020, định hướng đến năm 2025, kết hợp lồng ghép với Đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018–2025. Hai đề án cùng hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện, hỗ trợ trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và kỹ năng ngôn ngữ.
Theo bà Mai Thị Hồng Sim – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, để nâng cao hiệu quả thực hiện đề án, huyện đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phù hợp với điều kiện thực tế từng điểm trường, đặc biệt là ở các xã đặc biệt khó khăn. Tính đến năm 2024, toàn huyện đã đầu tư sửa chữa, xây mới 239 phòng học bậc mầm non và tiểu học, với tổng kinh phí gần 35,9 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng bổ sung 13 bộ thiết bị, đồ dùng dạy học tối thiểu, tổng giá trị trên 21,4 tỷ đồng. Từ chỗ phải học trong những lớp tạm bợ bằng tre nứa, đến nay, phần lớn trẻ em Phong Thổ đã được học trong các phòng học kiên cố, nền lát gạch, mái tôn chống nóng, khang trang và an toàn.
Khánh thành công trình phòng học trường PTDTBT TH&THCS Tung Qua Lìn.
Toàn huyện hiện có 1.249 phòng học, trong đó có 838 phòng kiên cố, 366 phòng bán kiên cố và chỉ còn 45 phòng tạm. Tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt khoảng 75% ở bậc mầm non và trên 85% ở bậc tiểu học. Đây là những con số biết nói, cho thấy sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Phong Thổ trong việc xây dựng hệ thống trường lớp hiện đại, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trong lĩnh vực giáo dục mầm non, hiện toàn huyện có 350 phòng học, trong đó có 224 phòng kiên cố và 126 phòng bán kiên cố. Số bộ thiết bị đồ chơi tối thiểu đạt 177 bộ, với 17/17 trường có thư viện riêng. Ở cấp tiểu học, có tổng số 586 phòng học (325 phòng kiên cố, 261 bán kiên cố), 20/20 trường có bếp ăn đạt yêu cầu, 18/18 trường có phòng thư viện (trong đó 9 đạt chuẩn). Hệ thống thiết bị, học liệu ngày càng đầy đủ hơn, góp phần hỗ trợ giáo viên nâng cao chất lượng giảng dạy, nhất là trong việc tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng việc triển khai các đề án tại Phong Thổ vẫn còn không ít khó khăn. Địa hình chia cắt khiến việc vận chuyển vật liệu, thiết bị đến các điểm trường xa gặp nhiều trở ngại. Kinh phí đầu tư dù có nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu mở rộng trường lớp, nhiều điểm trường vùng sâu vẫn còn thiếu phòng học, thiếu thiết bị học tập tối thiểu. Thêm vào đó, điều kiện khí hậu khắc nghiệt làm cơ sở vật chất xuống cấp nhanh, trong khi công tác bảo trì, sửa chữa chưa kịp thời. Một số trường tiểu học vẫn thiếu thư viện đạt chuẩn, số bộ thiết bị chưa đầy đủ còn chiếm tỷ lệ lớn. Những hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động giáo dục, đặc biệt là hoạt động tăng cường tiếng Việt – yếu tố then chốt trong nâng cao chất lượng học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện các đề án, huyện Phong Thổ đang tập trung rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị tại từng điểm trường, từ đó xây dựng kế hoạch đầu tư, ưu tiên kiên cố hóa phòng học bậc mầm non và tiểu học. Song song với đó, huyện đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội hóa, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trong việc vận động hỗ trợ cơ sở vật chất và học liệu. Việc khuyến khích các mô hình cộng đồng học tập, lớp học thân thiện, dạy học linh hoạt cũng được đẩy mạnh nhằm thích ứng với điều kiện vùng cao.
Không chỉ dừng lại ở hạ tầng, Phong Thổ còn chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai cho giáo viên dạy trẻ dân tộc thiểu số. Bởi suy cho cùng, con người mới là yếu tố quyết định thành công của mọi chính sách giáo dục.
Từ thực tế triển khai tại huyện Phong Thổ có thể thấy, hiệu quả của các đề án giáo dục không chỉ nằm ở con số phòng học được xây mới, thiết bị được bổ sung, mà quan trọng hơn là đã mở ra cơ hội cho hàng nghìn trẻ em vùng cao được tiếp cận với môi trường học tập an toàn, chất lượng và thân thiện. Đây chính là bước khởi đầu quan trọng để tạo nền móng phát triển bền vững cho địa phương, từng bước thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội học tập, công bằng và tiến bộ.

Thắp sáng đường quê - Phong trào nhỏ, ý nghĩa lớn

Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh: Phòng chống tác hại thuốc lá

Tập huấn việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

Tăng cường truyền thông bình đẳng giới – Lan tỏa thông điệp nhân văn trên địa bàn tỉnh

Bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong mùa mưa

Ra mắt mô hình “Thư viện cà phê sách”

Tổ công tác 2106 của Bộ Chính trị kiểm tra việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Lan tỏa tình yêu thương, thực hiện tiến bộ xã hội





