

Theo số liệu thống kê, huyện Phong Thổ có 48 trường, 870 lớp, trên 23.000 học sinh, trong đó riêng bậc mầm non có 17 trường, bậc tiểu học 13 trường. Với đặc thù huyện biên giới, hầu hết học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng nói tiếng phổ thông của các em còn khiêm tốn, dẫn đến rụt rè, thiếu mạnh dạn trong giao tiếp và tham gia các hoạt động. Trước tình hình đó, Phòng GD&ĐT huyện bám sát văn bản chỉ đạo của cấp trên để tham mưu cho UBND huyện và trực tiếp ban hành các kế hoạch, công văn thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.
Trên cơ sở đó, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chỉ đạo và thực hiện. Lấy kết quả tăng cường tiếng Việt là một trong các tiêu chí để bình xét, đánh giá, xếp loại các tổ chức, đoàn thể, đơn vị văn hóa và gia đình văn hóa theo định kỳ hàng năm.
Giáo viên Trường Mầm non Khổng Lào sử dụng hình ảnh trực quan để tăng khả năng dạy tiếng Việt cho trẻ.
Đối với các đơn vị trường, Phòng GD&ĐT huyện hướng dẫn việc tổ chức, triển khai thực hiện và giao quyền để chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo đúng chương trình, thời lượng số môn học để tăng cường dạy tiếng Việt đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế từng đơn vị gắn với thực hiện nhiệm vụ năm học. Tăng cường đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục. Tổ chức Ngày hội đọc sách ở các trường. Đặc biệt, Phòng chỉ đạo thực hiện điểm mô hình tăng cường tiếng Việt đối với các trường: Mầm non Sì Lở Lầu, Mầm non Mù Sang, Tiểu học thị trấn, Tiểu học Mường So, Tiểu học Dào San… làm cơ sở để rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Vương Hùng – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ cho biết: “Trong năm học 2021-2022, ngay khi học sinh tựu trường, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường cho các em học sinh mầm non làm quen với tiếng Việt. Đối với chương trình giáo dục phổ thông mới dành cho học sinh lớp 1, lớp 2, có tích hợp nhiều hình ảnh, cơ sở vật chất được đầu tư, đội ngũ giáo viên giảng dạy trên phần mềm powerpoint… giúp học sinh dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Nhờ đó, đến nay 100% các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn chủ động xây dựng và triển khai thực hiện dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Các trường là nòng cốt giảng dạy, tuyên truyền, hỗ trợ các bậc phụ huynh dạy tiếng Việt cho trẻ. Hình thức chủ yếu là qua các hội thi, buổi giao lưu, chương trình phát thanh măng non, buổi họp bản”.
Giờ đây, học sinh tiểu học là con em đồng bào dân tộc thiểu số có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Việt, tăng sự tự tin khi giao tiếp, học tập hiệu quả. Các trẻ mầm non là dân tộc thiểu số đã hình thành kỹ năng nghe, hiểu, diễn đạt lời nói bằng tiếng Việt. Nhiều trẻ từ 4-5 tuổi giao tiếp tốt bằng tiếng Việt. Điều này giúp tăng tỷ lệ chuyên cần ở các bậc học (tính riêng năm học 2020-2021 tỷ lệ chuyên cần bậc mầm non toàn huyện đạt 99,5%, tiểu học đạt 99,2%); 100% trẻ mầm non là con em dân tộc thiểu số ra lớp; 100% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày; tỷ lệ học sinh nghỉ học, bỏ học giảm dần qua các năm.
Nằm ở trung tâm vùng thấp của huyện Phong Thổ, Trường Mầm non Khổng Lào có 12 lớp, 286 trẻ song có đến trên 90% trẻ là con em đồng bào dân tộc Thái, Dao. Các trẻ học tập ở 5 điểm trường: Trung tâm, Ho Sao Chải, Nậm Khay, Phai Cát và Co Muông. Trẻ ở các điểm trường gần trung tâm xã được sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày nhiều, nghe nói thạo hơn. Riêng với trẻ ở 2 điểm trường: Ho Sao Chải, Nậm Khay (xa nhất xã), khả năng nghe, hiểu tiếng Việt hạn chế. Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025", nhà trường đã huy động phụ huynh, người thân của trẻ nói tiếng Việt tại gia đình, cộng đồng nơi trẻ sinh sống; khuyến khích trẻ 5 tuổi dạy lại cho trẻ 3-4 tuổi. Đối với đội ngũ giáo viên cũng được động viên học tiếng dân tộc để tăng khả năng giao tiếp, giảng dạy cho các trẻ.
Cô giáo Vương Thúy Hằng – Hiệu trưởng Trường Mầm non Khổng Lào chia sẻ: “Trong trường có một số trẻ nói ngọng theo đặc thù dân tộc như: trẻ ở điểm trường Co Muông nói ngọng âm “Đ” với âm “L”. Chúng tôi chỉ đạo các giáo viên trong quá trình hoạt động góc chỉnh các trẻ nói ngọng ngay. Khi cung cấp kiến thức mới đều phát huy tối đa tác dụng của các hình ảnh trực quan (tranh, ảnh, quả thật…). Những lớp có 2 cô giáo sẽ đẩy mạnh hỗ trợ trẻ hạn chế về nhận thức. Giờ đây, các trẻ trong trường hạn chế nói ngọng, khả năng nghe, hiểu nhanh, trẻ 4-5 tuổi bắt nhịp giáo dục tốt”.
Đối với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Huổi Luông, việc dạy học tiếng Việt cho các em học sinh dân tộc thiểu số được đặc biệt chú trọng thông qua việc dạy các tiết học chính trên lớp, dạy qua các hoạt động phong trào. Cách làm hay của trường đó là mỗi giáo viên sẽ lên chương trình soạn bài, giảng bài phù hợp với đối tượng học sinh và tăng thời lượng luyện nói cho học sinh. Thầy giáo Đặng Công Sáu - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho hay: “Kết thúc các năm học gần đây, 100% học sinh trong trường biết giao tiếp tiếng Việt thành thạo. Tháng 11/2020, nhà trường vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn I từ 2016-2020”.
Dạy tiếng Việt cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang là hướng đi đúng của ngành GD&ĐT huyện Phong Thổ giúp học sinh các trường mạnh dạn, tự tin phát triển toàn diện cả về đức-trí-thể-mỹ. Tin tưởng, đây sẽ là động lực để ngành Giáo dục huyện tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu trong năm học 2021-2022, đó là đưa chất lượng giáo dục của huyện lên bằng mặt bằng chung toàn tỉnh.

Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam
Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn xã Bum Tở lần thứ nhất

Họp báo cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí quý II

Năng lực tự chủ - Hướng đi căn bản trong đổi mới giáo dục hiện đại

60 bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể miễn phí

Chia sẻ, lan tỏa yêu thương

Kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Giải ngân gần 1 tỷ đồng cho người dân xã Mường Than








