

Dạo quanh thị trường thành phố Lai Châu, tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nhiều mặt hàng do các nhà sản xuất trong nước cung ứng được các chủ hàng bày bán ở vị trí thuận lợi, dễ thấy nhất. Bà Trần Thị Hương - Giám đốc Siêu thị Hương Long (thành phố Lai Châu) cho biết: "Qua nghe tuyên truyền của các cấp, ngành, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Do đó, tôi thường xuyên thông tin, giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng. Đến nay, gần 70% mặt hàng trong Siêu thị đều do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, hàng bán theo giá niêm yết, chất lượng đảm bảo. Người tiêu dùng hiện nay cũng có những thay đổi trong mua sắm, chú trọng lựa chọn hàng hóa chất lượng. Họ đặc biệt quan tâm về giá cả, độ an toàn, nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu của sản phẩm từ hàng thiết yếu đến đồ gia dụng. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả kinh doanh, đáp ứng nhu cầu người mua, chúng tôi chú trọng nhập, phân phối các mặt hàng thương hiệu Việt, trong đó, ưu tiên các mặt hàng được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Khách hàng mua sắm hàng hóa tại Siêu thị Hương Long (thành phố Lai Châu).
Để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng có sức lan tỏa, thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền về cuộc vận động. Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông xây dựng các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền trên 1.178 tin, bài, phóng sự; 27 chuyên mục; 148 băng zôn; 3.445 tờ rơi; 38.740 cuốn thông tin, bản tin, tài liệu. Tổ chức 42.107 buổi tuyên truyền cho trên 153.000 lượt người tham gia. Vận động, hướng dẫn 749 hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh, vận chuyển, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng… Từ đó, giúp người sản xuất kinh doanh cũng như người tiêu dùng có nhận thức đúng đắn về hàng Việt, coi việc kinh doanh, sử dụng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Ngoài ra, các sở, ngành còn tập trung triển khai rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao. Duy trì, nâng cấp hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Lai Châu trên không gian số. Đưa các sản phẩm Ocop của tỉnh lên sàn thương mại điện tử như: Posttmart.vn (sàn bưu điện), Voso.vn (sàn Viettel)… Giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất quảng bá, xây dựng hình ảnh và phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng trong tỉnh.
Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng trong tỉnh.
Công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu… được Ban Chỉ đạo tỉnh quyết liệt triển khai thực hiện, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính, không ngừng tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo tỉnh còn tổ các chương trình, hội chợ thương mại như: "Phiên chợ Nông sản" tỉnh Lai Châu năm 2023, Hội chợ Thương mại Công thương, các hoạt động hưởng ứng ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3. Các điểm bán hàng Việt trên địa bàn; đưa hàng Việt về nông thôn, duy trì các phiên chợ đêm, cửa hàng Liên kết - Giới thiệu - Tiêu thụ nông sản an toàn của Hội Nông dân tỉnh Lai Châu... Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện phát triển thương hiệu sản phẩm tiềm năng của mình; nâng tầm giá trị thương hiệu nông sản tỉnh nhà; gia tăng cơ hội kết nối giao thương, cung ứng các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.
Chị Trần Thị Bích Ngọc - tổ 2, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu cho biết: "Thời gian gần đây, tôi cũng như các thành viên trong gia đình luôn tin dùng các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt. Đặc biệt, các mặt hàng thực phẩm, hoa quả do người dân trong tỉnh sản xuất, bởi nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng mà chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp với mức thu nhập của chúng tôi”.
Đồng chí Hoàng Kiều Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, thời gian qua, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy trong triển khai thực hiện. Đến nay, Cuộc vận động đạt được nhiều kết quả tích cực, hình thành được ý thức sử dụng hàng Việt Nam trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lan tỏa thành phong trào rộng rãi trong nhân dân. Qua đó, tạo được hiệu quả kép khi giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, đồng thời góp phần tạo thói quen tin tưởng, tiêu dùng hàng Việt cho người dân địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tặng quà tri ân gia đình chính sách

Công ty Điện lực Lai Châu nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025

Học sinh Việt Nam đạt 5 huy chương Olympic Vật lý quốc tế IPhO 2025

Quản lý, bảo vệ tài sản trường học dịp hè

Nhịp cầu kết nối yêu thương

Cải thiện và nâng cao chất lượng dân số

Diện mạo nông thôn khởi sắc

Thăm và tặng quà gia đình chính sách tại xã Phong Thổ








