

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên học môn Tiếng Việt qua máy chiếu.
Nếu như trước đây, giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Tân Uyên phải rất vất vả để có thể tìm kiếm những hình ảnh, biểu tượng, đồ dùng phục vụ bài giảng, thì nay, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn, giảng đã giúp các thầy, cô giáo chủ động, nâng cao hơn nghiệp vụ sư phạm. Vậy nên, các tiết học đã thực sự lôi cuốn, thu hút học sinh từ nhiều hình ảnh trực quan minh họa sinh động. Qua đó, học sinh tiếp thu bài dễ dàng, tích cực đóng góp ý kiến xây dựng bài giúp giờ học trở sôi nổi và hào hứng hơn.
Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học thị trấn Tân Uyên có 28 lớp với trên 1.000 học sinh. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài, căn cứ tình hình tình hình thực tế, nhà trường đã xác định mục đích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học trực tiếp là tạo môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, khắc phục tình trạng “thầy đọc, trò chép”. Còn khi triển khai học trực tuyến vẫn đảm bảo học sinh được tiếp thu những kiến thức cơ bản đầy đủ, hiệu quả nhất. Để làm được điều đó, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, đặc biệt là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên. Đồng thời, đề xuất Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như huy động các tổ chức, đơn vị hảo tâm đầu tư, hỗ trợ, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đến nay, nhà trường có 31 máy chiếu, máy chiếu vật thể 6, 64 máy tính cây, 1 phòng học thông minh và một phòng học trực tuyến.
Nhiều năm học qua, Trường THCS thị trấn Tân Uyên đã thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy trực tiếp và trực tuyến, mang lại những hiệu quả nhất định. 100% giáo viên chủ động khai thác dữ liệu Internet vào soạn giảng bằng giáo án điện tử. Ứng dụng, khai thác đa dạng các phần mềm, thiết bị vào việc dạy học và các thiết bị đã được trang bị đặc biệt là hệ thống âm thanh và bảng tương tác. Đối với học sinh, nhà trường tăng cường hướng dẫn phương pháp học tập tiếp cận với công nghệ hiện đại, đặc biệt cách học online trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường mà còn thúc đẩy niềm đam mê khoa học công nghệ cho mỗi học sinh.
Là huyện có địa bàn rộng, nhiều dân tộc cùng sinh sống, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, khiến sự nghiệp giáo dục của huyện Tân Uyên gặp không ít trở ngại. Đặc biệt là chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Từ thực tế đó, ngành Giáo dục huyện Tân Uyên đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua để nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, ngành chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Đổi mới mạnh mẽ quan điểm chỉ đạo dạy - học, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, phát huy tính chủ động sáng tạo của người học.
Học sinh Trường THCS thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên học tập qua các thiết bị công nghệ thông tin.
Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo còn tổ chức các lớp tập huấn phần mềm hỗ trợ giảng dạy các môn học cho cán bộ, giáo viên cốt cán các trường. Thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Từ đó, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin để thiết kế bài giảng điện tử, tìm kiếm, chọn lọc các tài liệu trên mạng để phục vụ công tác giảng dạy.
Một trong những hiệu quả thiết thực của việc ứng dụng công nghệ thông tin là góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Các giờ học sinh động hơn; khơi gợi trí tò mò, sự chủ động của học sinh trong tìm kiếm thông tin bài học trên mạng xã hội. Tự tin, chủ động, hào hứng tham gia các diễn đàn học tập; giải các đề thi, học tiếng Anh.
Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy giúp học sinh huyện Tân Uyên nắm kiến thức bài giảng nhanh hơn.
Kết quả đó minh chứng cụ thể trong năm học 2020 – 2021, đối với bậc giáo dục mầm non toàn huyện thực hiện đạt và vượt 8/8 chỉ tiêu chất lượng giáo dục chung: 99,2% trẻ đạt yêu cầu giáo dục. Bậc tiểu học đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu; 9/11 đơn vị trường thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu giao; học sinh hoàn thành tất cả các môn học và hoạt động giáo dục 99,96%. Bậc THCS, tỷ lệ học sinh có học lực từ trung bình trở lên đạt 96,9%.
Có thể nói, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học của ngành Giáo dục Tân Uyên thời gian qua đã và đang mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dạy và người học. Đặc biệt, giải quyết rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19.

Chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025

Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bum Tở: Phiên họp thứ nhất

Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Đào tạo nhân lực chuyên môn sâu

Sập nhà do sạt lở đất ở Lào Cai khiến 2 người chết, 3 người bị thương

Góp sức tạo nên những mái ấm “3 cứng”
Đoàn công tác của tỉnh thăm, tặng quà gia đình chính sách

Hướng dẫn điều kiện nhập quốc tịch, trở lại quốc tịch Việt Nam







