

Có thể xem ba môi trường “Gia đình, nhà trường và xã hội” là cái nôi nuôi dưỡng, tác động rất lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ em, trong đó gia đình là cơ sở, là nền tảng quan trọng có tính chất quyết định nhân cách của các em trong quá trình trưởng thành. Với tư cách là “tế bào”, là thiết chế cơ bản của xã hội, gia đình là nơi nuôi dưỡng con người về thể chất và tinh thần. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc duy trì, gìn giữ và trao truyền các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc và động viên các thành viên của mình phấn đấu theo đúng chuẩn mực của xã hội. Trong mỗi gia đình các bậc phụ huynh phải đặc biệt quan tâm để giáo dục các em biết thương yêu cha mẹ, biết lắng nghe, biết tự bảo vệ bản thân trước các những cám dỗ, cạm bẫy, tệ nạn xã hội làm ảnh hưởng lớn đến việc hình thành nhân cách các em. Trên cơ sở đó, chúng ta thấy rõ vai trò của gia đình và biện pháp giáo dục của gia đình đối với các em để đạt hiệu quả tốt nhất trong việc hình thành nhân cách của các em thanh, thiếu nhi.
Thiếu nhi cần được quan tâm chăm sóc cả về thể chất và tinh thần. Trong ảnh: Học sinh Câu lạc bộ bảo tồn văn hoá Trường Tiểu học xã Mường Khoa luyện tập bài múa truyền thống của dân tộc Lào.
Nhấn mạnh về vai trò của gia đình cũng như việc gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình trong việc hình thành nhân cách con người và sự phát triển của xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Xuất phát từ yêu cầu của hoạt động giáo dục, gia đình trước đây và hiện nay lúc nào cũng là một khâu không thể thay thế được, gia đình là cái nôi quan trọng để hình thành nhân cách, là môi trường văn hóa đầu tiên, nơi mà mỗi người từ khi chào đời đến trưởng thành liên tục được tiếp nhận những tình cảm chân thành từ các thành viên, luôn giúp các em lớn dần lên, tập đi những bước đầu tiên, học câu nói đầu tiên, qua lời ru của mẹ, của bà... cùng với sự chỉ bảo của gia đình các em được tiếp xúc và thẩm thấu truyền thống văn hóa gia đình và nền văn hóa xã hội. Gia đình là nhân tố đầu tiên chỉ bảo, dạy dỗ các em hành vi ứng xử theo chuẩn mực và các giá trị tốt đẹp của xã hội : “Học ăn, học nói, học gói, học mở”; “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”; “Kính trên nhường dưới”. Chính vì vậy hành vi đầu đời của các em có dấu ấn sâu sắc của gia đình. Trẻ em có hành vi tốt hay xấu trước hết và chủ yếu là do môi trường giáo dục của gia đình tạo nên.
Cha mẹ chính là tấm gương đầu đời gần gũi với con, để con noi theo, nhất là trong cách cư xử của cha mẹ với các thành viên trong gia đình, cư xử giữa cha mẹ với ông bà, với những người xung quanh… Ngày nay, với sự phát triển của thông tin, công nghệ số, của mạng xã hội, nên các em tiếp thu rất nhanh cả những điều hay và nhiều điều xấu có hại, vì vậy cha mẹ cần cập nhật thông tin, nắm bắt được nhu cầu cũng như tâm lý của trẻ để có phương pháp giáo dục, rèn luyện nhân cách phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con. Đồng thời, cha mẹ cũng cần tìm hiểu xu thế mới của giới trẻ trong xã hội hiện tại để chia sẻ, định hướng đối với sự phát triển nhân cách của các em, nhưng cũng cần tránh sự bất đồng về nội dung, phương pháp giáo dục, rèn luyện trong gia đình gây sự hoang mang, thiếu niềm tin ở các em.
Tính đến tháng 12/2023, trên địa bàn huyện có 13.255 hộ gia đình, trong đó: Gia đình chỉ có cha hoặc mẹ sống chung với con là 381 hộ, hộ gia đình 1 thế hệ (vợ, chồng) là 2.689 hộ, gia đình có 2 thế hệ là 6.140 hộ, gia đình có 3 thế hệ trở lên là 3.462 hộ, gia đình khác là 583 hộ. Toàn huyện có 21.203 thanh thiếu nhi từ 16 tuổi trở xuống, chiếm 34,6% dân số, trong đó trẻ em là người dân tộc thiểu số 17.845 trẻ chiếm 29,1% dân số.
Xác định được tầm quan trọng về vai trò các giá trị văn hóa của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục thanh thiếu nhi, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng, kỹ năng ứng xửa xã hội văn minh. Trong những năm qua, huyện Tân Uyên đã xây dựng, ban hành kế hoạch hằng năm, kế hoạch giai đoạn về triển khai công tác gia đình; triển khai công tác gia đình gắn với phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Công tác tuyên truyền được thực hiện khá tốt, hằng năm, bình quân tổ chức được 05 lượt xe thông tin lưu động, 75 lượt băng rôn. Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh - truyền hình huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở về ý nghĩa, lịch sử Ngày gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế hạnh phúc, các chủ đề, khẩu hiệu tuyên truyền Ngày gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình. Trong năm 2023 thực hiện tuyên truyền 02 buổi tại xã Nậm Sỏ và xã Hố Mít về phòng, chống, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các em học sinh.
Về triển khai chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình: Ban Chỉ đạo Công tác gia đình huyện phối hợp với các cơ quan, đoàn thể liên quan chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các khu dân cư tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Câu Lạc bộ gia đình phát triển bền vững của các bản, tổ dân phố với các nội dung tuyên truyền như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); Tháng hành động về phòng, chống bạo lực gia đình và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030 trên địa bàn huyện; kỹ năng giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình...
Hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới được triển khai thực hiện tốt, đến nay 10/10 xã, thị trấn triển khai, duy trì hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình. Toàn huyện có 11 Câu Lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 69 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 78 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; 40 đường dây nóng tại cơ sở; có 08 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình trên địa bàn huyện Tân Uyên còn một số khó khăn, hạn chế như:
Tình trạng ly hôn còn xảy ra nhiều (trong năm 2023, trên địa bàn huyện có 116 vụ li hôn, tăng 44 vụ so với năm 2022), trong đó có 02 vụ liên quan đến bạo lực gia đình, các vụ li hôn và bạo lực gia đình đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý, suy nghĩ, nhân cách của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là các em đang trong độ tuổi thanh thiếu nhi.
Một số gia đình do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, bố mẹ lo làm kinh tế hoặc đi làm ăn xa, để ông bà chăm sóc dẫn đến tình trạng trẻ bỏ học, bị bạn bè xấu lôi kéo tham gia vào các tệ nạn xã hội như trộm cắp, ma túy,… hoặc có những gia đình nuông chiều quá mức cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã, hư hỏng của một bộ phận thanh thiếu nhi hiện nay.
Để phát huy được vai trò của các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục thanh thiếu nhi, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng, kỹ năng ứng xử xã hội văn minh trong thời gian tới. Với mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc là hạt nhân, là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi con người, nơi nuôi dưỡng bồi đắp nhân cách, lối sống, đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy vai trò của các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục thiếu nhi, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng, kỹ năng ứng xử xã hội văn minh, huyện Tân Uyên xin được đưa ra một số giải pháp: Tiếp tục quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình; chú trọng thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn huyện. Trong đó tập trung tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về xây dựng gia đình trong tình hình mới.
Lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết từ cơ sở. Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, giá trị gia đình; xây dựng nhân cách đạo đức, lối sống văn minh cho thế hệ trẻ thông qua sự phối hợp giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Xây dựng gia đình là một môi trường an toàn cho trẻ em; bài trừ lối sống ích kỷ, thực dụng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi trong gia đình trong việc tuyên truyền và nêu gương về đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình nhằm giáo dục toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Giáo dục bằng phương pháp nêu gương: Đó là biện pháp giáo dục bằng cách thông qua những tấm gương sáng trong gia đình của ông bà, cha mẹ, anh em …, trẻ em lớn lên và được tiếp nhận cách sống, ứng xử của những người xung quanh, trẻ em sẽ bắt chước học theo từ đó hình thành nhân cách tốt qua trải nghiệm thực tế. Phong trào: “ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền” cũng là nhằm nêu gương tốt để giáo dục trẻ em. Cách giáo dục này mang lại cho trẻ em cách sống, làm việc theo gương tốt của gia đình và chuẩn mực của xã hội. Nâng cao hiệu quả thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Tổ chức các buổi sinh hoạt giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình cho học sinh. Chủ động đề xuất, phối hợp với các đơn vị liên quan để tuyên truyền, xây dựng môi trường ứng xử văn hóa, biểu dương kịp thời các điển hình những tấm gương tốt đẹp về ứng xử văn hóa trong trường học.
Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Cha mẹ cần thường xuyên, chủ động liên hệ với nhà trường không chỉ thông qua sổ liên lạc điện tử mà cần trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, các câu lạc bộ con tham gia để nắm tình hình học tập, rèn luyện của con, kịp thời động viên, nhắc nhở...
Tin đọc nhiều

BHXH Việt Nam: Đột phá từ cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân

Bảo hiểm xã hội - Chính sách ưu việt, nhân văn vì quyền lợi người lao động

Đẩy mạnh truyền thông về chính sách BHXH nhân Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân

Sìn Hồ: Thiên tai làm thiệt hại trên 760 triệu đồng

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả

Dư âm vang vọng mãi

Tìm thấy bé gái đi lạc trong rừng ở xã Pa Ủ

Những ngôi nhà xây bằng tình thương và trách nhiệm






