

Tà Tổng là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè, nơi cư trú của dân tộc Mông và Hà Nhì, gồm 11 bản, với hơn 1.280 hộ, 7.160 nhân khẩu. Trình độ dân trí không đồng đều; phương thức sinh hoạt, sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính tự cung, tự cấp; đời sống bà con nhiều khó khăn. Nhiều năm trước trên địa bàn xã tồn tại nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu như: trong tang ma, người chết không đưa vào áo quan, giết mổ nhiều gia súc, nghi lễ cúng bái rườm rà, dài ngày, gây lãng phí tiền bạc, mất vệ sinh môi trường. Trong việc cưới vẫn xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, gây ra hệ lụy khôn lường, trẻ em sinh ra mắc nhiều bệnh lý, sức khỏe yếu, thấp lùn, trí tuệ suy giảm. Một số phong tục truyền thống như: tục kéo vợ của dân tộc Mông gây phản cảm, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục...
Để khắc phục tình trạng trên, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu rõ những tác hại của các hủ tục, tập quán lạc hậu; hướng bà con tham gia những hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Cụ thể, các ban, ngành, đoàn thể xã lồng ghép với các cuộc vận động “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đơn cử, Trạm Y tế xã thông qua các đợt tiêm phòng, khám bệnh... tuyên truyền về tác hại của hôn nhân cận huyết. Tư pháp xã tuyệt đối không thực hiện đăng ký kết hôn cho những trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức về hôn nhân, gia đình. Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề.
Trưởng bản Tà Tổng (xã Tà Tổng) tuyên truyền, vận động bà con, xóa bỏ các hủ tục, xây dựng nếp sống mới, bản văn hóa.
Đồng thời, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đảm bảo tính kế thừa có chọn lọc, phát huy thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục ra khỏi đời sống. Thực hành tiết kiệm, chú trọng vệ sinh và đảm bảo môi trường sống xung quanh luôn sạch, đẹp. Triển khai các chính sách an sinh xã hội gắn với thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Xây dựng nếp sống văn minh theo hướng đa dạng, sinh động, sáng tạo với các giải pháp khoa học, phù hợp với đặc thù của từng dân tộc. Đưa các nội dung xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh vào các buổi sinh hoạt chi bộ bản, các hội, đoàn thể ở cơ sở.
Đồng thời, bổ sung vào quy ước bản về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, giúp bà con tiếp cận với nét văn hóa mới, tiến bộ trong đời sống, lao động sản xuất, sinh hoạt thường ngày. Qua đó giúp người dân nâng cao nhận thức, tích cực lao động sản xuất hiệu quả; thực hiện ăn, ở hợp vệ sinh, di chuyển chuồng trại ra xa nhà ở, góp phần quan trọng vào đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới của xã.
Chị Sùng Thị Dính (bản Tà Tổng) chia sẻ: “Trước đây, chuyện lấy vợ, lấy chồng của con là do bố mẹ quyết định, chỉ cần nhà trai mang đủ sính lễ thì nhà gái đồng ý cho rước dâu về. Các cặp vợ chồng không báo cáo cũng không đến UBND xã để đăng ký kết hôn. Vì thế, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở đây thường xuyên xảy ra. Được cán bộ xã tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, nay việc cưới xin của các cặp vợ chồng ở đây được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật và không còn chuyện thách cưới hay tổ chức ăn uống linh đình như trước nữa. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống không còn”.
Trong đời sống hằng ngày, việc tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, hoạt động văn hóa, văn nghệ đã giúp đồng bào tiếp cận nét văn hóa mới, tiến bộ trong đời sống, sản xuất và sinh hoạt. Qua đó, nhận thức của phần lớn đồng bào đã được nâng lên, người dân dần thay đổi nếp sống, cách nghĩ, tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, sản lượng và giá trị cao vào sản xuất.
Đồng chí Lỳ Phù Cà - Bí thư Đảng ủy xã Tà Tổng cho biết: “Với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ cùng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, các phong tục, tập quán lạc hậu tại xã Tà Tổng gần như được xóa bỏ. Thay vào đó, các truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của người dân, các trò chơi dân gian… tại địa phương tiếp tục được duy trì và phát huy. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân địa phương nơi đây”.
Tin đọc nhiều

Chủ động kiểm soát từ sớm

Lễ đón Bằng công nhận Trường Tiểu học và Trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia mức độ I
Bộ Công an bàn giao kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Vẻ đẹp người con gái Thái giữa đại ngàn Tây Bắc
Huyện Mường Tè: Xoá 359 nhà tạm, nhà dột nát

Đẩy mạnh phong trào thi đua “Cựu Thanh niên xung phong nêu gương sáng, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Tuổi trẻ Phong Thổ phát huy tinh thần xung kích

Nâng cao kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh









