Thứ sáu, 13/12/2024, 21:48 [GMT+7]

Phòng chống đói, rét cho vật nuôi

Thứ sáu, 04/03/2022 - 07:53'
Hiện, toàn huyện Nậm Nhùn có 27.593 con gia súc và 169.128 con gia cầm các loại. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết khắc nghiệt cũng như bảo vệ tốt đàn vật nuôi, huyện đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân tăng cường các biện pháp phòng, chống đói rét (PCĐR) cho gia súc, gia cầm.

Xã vùng cao biên giới Hua Bum có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, cách trung tâm huyện hơn 100km. Thời tiết thường xuyên xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài, kèm theo mưa phùn, nhiệt độ xuống thấp. Trình độ dân trí không đồng đều, người dân trong xã có thói quen thả rông gia súc sau vụ mùa nên một số con trâu, bò bị chết cóng.

Ông Pờ Ha Lòng - Phó Chủ tịch UBND xã Hua Bum cho biết: “Hiện, toàn xã có 1.585 con gia súc; gần 6.000 con gia cầm. Để đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển ổn định trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, xã tuyên truyền, vận động các hộ chưa có chuồng trại phải tiến hành làm ngay, hướng dẫn người dân cách che chắn chuồng nuôi đúng cách để đưa gia súc về nhốt, đặc biệt là khi nhiệt độ ngoài trời thấp.

Vận động người dân trồng nhiều cỏ voi, tích trữ rơm, rạ sau mùa gặt, không đem đốt bỏ. Đồng thời, thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc-xin định kỳ cho đàn gia súc, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, xử lý tốt chất thải chăn nuôi, đề phòng dịch bệnh xảy ra. Năm 2021, xã đã phối hợp với đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức tiêm hơn 2.300 liều vắc-xin phòng ngừa các bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho trâu, bò, dịch tả lợn…”

Người dân huyện Nậm Nhùn tích trữ thức ăn cho đàn gia súc.

Đến thăm gia đình anh Thào A Sính - một trong những hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn xã Hua Bum. Anh Sính đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc từ những năm 2010. Hiện, gia đình anh có hơn 30 con trâu, bò, mỗi năm xuất chuồng trên 5 con, thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Chia sẻ kinh nghiệm về cách chăm sóc vật nuôi vào thời điểm giá rét, anh Sính cho biết: “Để bảo vệ đàn vật nuôi, gia đình tôi dùng tre, nứa, vải bạt tiến hành tu sửa, gia cố lại chuồng trại để chống gió lùa, giữ ấm cho đàn gia súc. Để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc, gia đình tôi trồng hơn 4ha cỏ voi; ngoài ra, sau khi thu hoạch lúa mùa tích cực đi thu gom, tích trữ rơm, rạ, đảm bảo nguồn thức ăn những ngày giá rét, mưa lớn”.

Hiện nay, tổng đàn gia súc của huyện Nậm Nhùn có 27.593 con (trong đó: 9.148 con trâu, 5.109 con bò, 13.336 con lợn); 169.128 con gia cầm các loại.

Để chủ động thực hiện các biện pháp PCĐR cho đàn vật nuôi, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về kiến thức chăn nuôi, qua đó người dân tăng cường thực hiện các biện pháp PCĐR cho vật nuôi.

Đồng thời, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của các xã, thị trấn hướng dẫn cho người chăn nuôi về các biện pháp phòng dịch bệnh, PCĐR như: thu gom chất thải, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô ráo, tăng cường cung cấp nguồn thức ăn, nước uống để đảm bảo dinh dưỡng. Vận động người dân phát triển diện tích trồng cỏ và tận dụng triệt để phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như rơm, rạ, thân ngô, lạc… sau thu hoạch để làm nguồn thức ăn dự trữ. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ về thực hiện tiêm phòng định kỳ, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Được sự tuyên truyền, hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn của huyện, xã, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã có ý thức hơn trong việc chủ động PCĐR cho gia súc, gia cầm. Từ việc chuẩn bị các vật liệu, như: tre, nứa, vải bạt dự phòng che chắn chuồng trại trong những ngày giá rét, sương muối; nhiều hộ chăn nuôi còn tích cực trồng cỏ, tận dụng triệt để các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn dự trữ đủ trong mùa đông. Đồng thời, bổ sung thêm muối, khoáng và thức ăn tinh (cám, bột ngô, sắn…) để tăng sức đề kháng, hàm lượng dinh dưỡng cho đàn gia súc.

Để duy trì ổn định số lượng đàn gia súc, gia cầm trong thời tiết giá rét, các hộ chăn nuôi cần tiếp tục thực hiện tốt việc che chắn chuồng trại, thường xuyên vệ sinh môi trường bảo đảm nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ; cung cấp đủ chất dinh dưỡng để tránh tình trạng gia súc bị sụt cân. Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của đàn vật nuôi vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp.

Gió Pư

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Cần thực hiện nghiêm túc hơn
Dù hầu hết các đơn vị kinh doanh xăng, dầu đã chấp hành quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế; nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh còn số lượng...
Anh nông dân vùng biên giới làm giàu từ trông sâm Lai Châu
Thay vì trồng trọt, chăn nuôi theo cách truyền thống, nhiều năm nay, anh Tẩn Sài Sông dân tộc Dao ở bản Lả Nhì Thàng (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) mạnh dạn đổi mới tư duy làm kinh tế. Với việc...