Thứ năm, 12/09/2024, 01:57 [GMT+7]

Tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa

Thứ ba, 16/04/2024 - 10:53'
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến Nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và Nhân dân các dân tộc Lai Châu nói riêng. Đặc biệt, trong những năm kháng chiến, những tình cảm ấm áp, lời dặn ân cần trong mỗi Lá thư Người gửi luôn là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, sự động viên kịp thời, đặc biệt có ý nghĩa quan trọng thôi thúc ý chí, khát vọng độc lập trong mỗi chiến sỹ, đồng bào và Nhân dân các dân tộc Tây Bắc; trong đó có Lá thư Người gửi chiến sỹ, đồng bào và Nhân dân các dân tộc Lai Châu.

v

Lai Châu chú trọng hỗ trợ người dân đưa máy móc vào sản xuất nhằm nâng cao giá thành sản phẩm. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Khuyến công tỉnh nghiệm thu Đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong chế biến chè cổ thụ” tại hợp tác xã Biên Cương, xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ).

Đồng hành cùng với trang sử hào hùng, vẻ vang của Nhân dân các dân tộc Tây Bắc luôn có những Lá thư thăm hỏi, động viên của Người. Như bước vào chiến dịch Tây Bắc (1952), để quân và dân Tây Bắc nói chung trong đó có Lai Châu vững tin bước vào chiến dịch, Bác đã gửi thư động viên cho bộ đội, đồng bào Tây Bắc: Thư gửi cán bộ và chiến sĩ chiến dịch Tây bắc (01/10/1952), Thư gửi các chiến sĩ dân công ở mặt trận Tây Bắc (01/10/1952), Thư gửi đồng bào và bộ đội Tây bắc (25/11/1953)… Qua đó thể hiện sự tin tưởng của Người vào lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quật khởi của Nhân dân vùng Tây Bắc, trong đó có Nhân dân các dân tộc Lai Châu. Đúng ngày thị xã Lai Châu được giải phóng, ngày 12/12/1953, dù bận việc nhưng nhận được tin vui, Bác đã dành thời gian viết thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu. Bức thư ngắn gọn nhưng chan chứa tình cảm, không chỉ là những lời thăm hỏi ân cần, tình thương yêu rất mực chân thành, sự cảm thông chia sẻ, khích lệ động viên mà còn là lời căn dặn ân tình của Người với những việc làm, những yêu cầu rất cụ thể:

1. Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau.

2. Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự

3. Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được no ấm.

4. Hết sức trung thành với Tổ Quốc và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Còn đối với những người trước đây đã lầm đường theo giặc nếu trở về với Tổ quốc thì Chính phủ sẽ khoan hồng. Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.

Trong đó lời dặn của Người “Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no”, dù ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.  Khắc ghi lời dặn trong thư, Nhân dân các dân tộc Lai Châu luôn nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng, chung sức kiến thiết, xây dựng Lai Châu ấm no, phồn vinh và hạnh phúc, trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện đồng bộ, quyết liệt chiến lược tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Đảng và Nhà nước ta xây dựng.

Sau gần 20 năm chia tách, thành lập tỉnh, với những nỗ lực, quyết tâm và đồng thuận của cả hệ thống chính trị, Lai Châu cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển, từng bước xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, bứt phá vươn lên bắt nhịp với trình độ phát triển chung của cả nước.

Cùng với Nhà nước pháp quyền XHCN, dân chủ XHCN thì kinh tế thị trường định hướng XHCN là một trong những trụ cột quan trọng định vị chế độ XHCN. Đó là nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường nhằm giải phóng tối đa sức sản xuất cho nền kinh tế, từ đó thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, hoàn thiện cơ sở vật chất đầy đủ đáp ứng yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội; đó là nền kinh tế coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Lai Châu là một tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với 265,165 km đường biên giới. Chặng đường gần 20 năm kể từ khi chia tách, thành lập tỉnh là quá trình đánh dấu những bước trưởng thành, phát triển về kinh tế - xã hội. Từ tình trạng kém phát triển nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự ủng hộ, đoàn kết của đồng bào Nhân dân các dân tộc trên địa bàn, Tỉnh đã từng bước phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, với chất lượng kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, với những khó khăn, thách thức vốn có của một tỉnh miền núi, biên giới, địa hình cao, chia cắt mạnh, tiềm ẩn nguy cơ xẩy ra thiên tai, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, dẫn tới phá hủy cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật; trong khi, nguồn lực đầu tư và điều kiện phát triển của tỉnh rất hạn chế, chủ yếu từ NSTW. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu nhất là hạ tầng giao thông. Thu hút doanh nghiệp đầu tư còn khó khăn. Liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng còn yếu. Trình độ dân trí còn hạn chế; quy mô sản xuất và năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa có bước được cải thiện song vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; vẫn còn tồn tại hủ tục, tập quán lạc hậu trong một bộ phận người dân,.... Đây là những thách thức lớn đối với tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tại địa phương. Trong thời gian tới, để hiện thực hóa khát vọng đưa Lai Châu phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước cần có giải pháp căn cơ, tầm nhìn dài hạn và bước đi vững chắc, ổn định để thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Đảng và Nhà nước ta xây dựng.

Trong giai đoạn tới, để tạo đà cho sự bứt phá cần nhận diện đúng, trúng và có những giải pháp hiệu quả nhằm đánh thức tiềm năng, thế mạnh; định hướng không gian phát triển; xác định các đột phá chiến lược; đồng thời tái cơ cấu kinh tế, từ đó góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển Lai Châu phồn vinh, hạnh phúc

Thứ nhất, nhận diện và phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong quá trình phát triển nhằm tạo đà bứt phá phát triển nhanh, mạnh, vững chắc.

Lai Châu là tỉnh “phên dậu” xung yếu, vùng đầu nguồn, phòng hộ trọng yếu cho các nhà máy thủy điện lớn quốc gia và an ninh nguồn nước cho sự bền vững  của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh đó, Lai Châu còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, núi rừng trùng điệp. Tỉnh Lai Châu với lợi thế về diện tích tự nhiên rộng đứng thứ 10/63 tỉnh, thành trên cả nước, có khí hậu ôn hoà, mát mẻ quanh năm; nằm trên vùng núi cao, thổ nhưỡng phong phú, địa hình đa dạng, rất thuận lợi để phát triển nông, lâm nghiệp như: Phát triển kinh tế dưới tán rừng và trồng các loại cây trồng nông, lâm nghiệp; phát triển vùng chè nguyên liệu gắn với chế biến chè chất lượng cao; phát triển trồng và chế biến Mắc ca; trồng rau, hoa và các loại dược liệu có giá trị kinh tế cao như: Tam Thất đen, Sâm Lai Châu, Thảo quả, nhiều loài cây thuốc quý khác; phát triển vùng sản xuất cây lương thực tập trung với hàm lượng công nghệ cao mang thương hiệu của Lai Châu như trồng và chế biến lúa gạo chất lượng cao với giống lúa đặc sản như séng cù,  tẻ râu, khẩu ký,...; từng bước hình thành và phát triển vùng trồng và chế biến cây quế, cây sơn tra trên địa bàn các huyện trong tỉnh. Trong lòng đất, Lai Châu được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho một kho báu tài nguyên khoáng sản như: Kim loại màu (đồng, vàng, chì). Đặc biệt, mỏ đất hiếm Đông Pao (huyện Tam Đường) có trữ lượng lớn nhất Việt Nam, 5 triệu tấn ô xít và thân quặng quý hiếm F3, F7 phục vụ cho ngành sản xuất công nghiệp điện tử. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có hệ thống sông suối dày đặc thuộc hệ thống Sông Đà, sông Nậm Na, sông Nậm Mu. Song song với việc đầu tư các công trình thủy điện lớn, đặc biệt là hệ thống các hồ thủy điện có dung tích lớn như thủy điện: Sơn La (dung tích 9,6 tỷ m3 nước), Lai Châu (dung tích 1,25 tỷ m3 nước), Huội Quảng (dung tích 185 triệu m3 nước), Bản Chát (dung tích 2,1 tỷ m3 nước). Nhiều vị trí bụng hồ trên sông có diện tích bề mặt rộng với bán kính từ 2 đến 3 km, mực nước sâu vài chục mét, là điều kiện rất thuận lợi, lý tưởng để phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè trên hồ. Những tiềm năng, thế mạnh đó là điều kiện thuận lợi để tỉnh Lai Châu bứt phá phát triển.

Thứ hai,đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại, hiệu quả nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững.

Với Lai Châu, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tức là đổi mới cách thức huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực theo hướng hợp lý và hiệu quả; chuyển cách thức tăng trưởng thuần túy dựa vào sản xuất thủ công truyền thống, kinh nghiệm, tận dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có sang tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu chủ yếu dựa vào sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế có quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành phát huy được tiềm năng, thế mạnh, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Theo đó, định hướng phát triển và tái cơ cấu kinh tế được xác định như sau:

Tỉnh Lai Châu phát triển theo trọng tâm MỘT TRỤC - HAI VÙNG - BA TRỤ CỘT. Đó là:

 Một trục: Trục trọng yếu phát triển kinh tế hình thành dọc theo QL.32 - QL.4D - QL.12 nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua QL.279, kết nối huyện Than Uyên - huyện Tân Uyên - huyện Tam Đường - Thành phố Lai Châu - huyện Phong Thổ ra cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng.

 Hai vùng kinh tế của tỉnh, gồm:

- Vùng kinh tế động lực (gồm các huyện và thành phố: Than Uyên, Tân Uyên, Tam Đường, Tp. Lai Châu và Phong Thổ);  Vùng kinh tế nông - lâm sinh thái Sông Đà (gồm các huyện biên giới Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè).

Ba trụ cột phát triển kinh tế gồm: Dịch vụ, tập trung vào du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa và kinh tế biên mậu; công nghiệp, tập trung vào công nghiệp năng lượng, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm thuỷ sản; nông nghiệp, tập trung vào phát triển nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị, dựa vào các sản phẩm nông, lâm sản có lợi thế, có giá trị gia tăng cao.

Đồng thời phát triển 04 đột phá phát triển: Về kết cấu hạ tầng; Về hoàn thiện thể chế; Về phát triển nguồn nhân lực; Về khoa học công nghệ

 Tái cơ cấu các ngành kinh tế tầm nhìn đến năm 2030

 Ngành nông, lâm nghiệp

Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất tích hợp đa giá trị, nông nghiệp hàng hóa tập trung, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, sản phẩm sạch, hữu cơ phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực: Mắc ca, chè, sâm Lai Châu, các sản phẩm OCOP đặc hữu… Các hoạt động nông nghiệp của tỉnh Lai Châu hướng tới phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế rừng bền vững dựa trên nguyên tắc phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt động quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,… gắn với tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng có rừng và hưởng lợi từ rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh quốc phòng và an ninh nguồn nước. Mức tăng trưởng GRDP của ngành đạt khoảng 5%/năm; đến năm 2030 có 3.500 ha lúa tập trung, gần 13.000 ha cây cao su; 35.000 ha cây mắc ca (trồng mới 31.000 ha); 10.000 ha chè; 10.000 ha quế; 3.620 ha cây dược liệu; 500 ha hoa; trên 6.000 đàn ong;...

Ngành công nghiệp, xây dựng

Về công nghiệp: Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, theo cả chiều rộng và chiều sâu; tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh theo hướng chuyên sâu gồm: Công nghiệp sản xuất điện, chế biến nông lâm sản, công nghiệp khai thác và chế biến sâu khoáng sản (nhất là đất hiếm); duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành công nghiệp bình quân đạt 14-15%/năm, giá trị sản xuất tạo ra (Giá so sánh 2010) là trên 23.200 tỷ đồng.

Về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh. Triển khai thực hiện đầu tư công theo kế hoạch trung hạn, bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và các cấp, ưu tiên thực hiện đầu tư theo các Đề án, nghị quyết của tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các dự án trọng điểm có tính chất động lực, tác động lan tỏa, liên vùng,… Gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng nông thôn, hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hóa xã hội, hạ tầng thông tin truyền thông.

Ngành thương mại, dịch vụ

Phát triển ngành dịch vụ đa dạng, hiện đại, bền vững trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh của tỉnh và theo kinh tế thị trường; chú trọng xây dựng, phát triển bền vững dịch vụ logistics; tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, phát huy vai trò là cửa ngõ thông thương giữa các nước ASEAN và Trung Quốc thông qua cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng; mở thêm một cửa khẩu song phương tại huyện Mường Tè. Tốc độ tăng bình quân của ngành dịch vụ khoảng 9%/năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng bình quân 13%/năm, giá trị đến năm 2030 đạt khoảng 230 triệu USD. Xây dựng Khu KTCK Ma Lù Thàng trở thành một động lực phát triển kinh tế của tỉnh Lai Châu.

Phát triển du lịch Lai Châu trở thành lĩnh vực quan trọng trong cơ cấu ngành dịch vụ của tỉnh, phát triển mạnh du lịch treking leo núi, thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe và vui chơi giải trí, vui chơi có thưởng,...; định hướng hình thành 05 khu/điểm du lịch cấp quốc gia và 27 khu du lịch cấp tỉnh. Đến năm 2030, đạt khoảng 2 triệu lượt khách du lịch/năm.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học; thực hiện nhanh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Xây dựng và phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu, các cụm liên kết ngành. Từng bước nâng tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đổi mới công tác xúc tiến thu hút đầu tư; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn tới

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục bãi bỏ các thủ tục không cần thiết. Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thông tin nhanh, thúc đẩy việc công khai hóa, minh bạch hóa các thủ tục; đào tạo và bố trí lực lượng cán bộ có năng lực tốt. Nâng cao tính công khai, minh bạch của môi trường kinh doanh; củng cố và xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Tiếp tục triển khai các hoạt động cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội và đầu tư tại tỉnh. Tăng cường quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và du lịch. Chú trọng phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, kinh tế hộ, phấn đấu đạt 3.000 doanh nghiệp và hợp tác xã.

Thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng: ”Phát triển kinh tế là trung tâm” gắn với lời dạy của Bác trong Lá thư Bác gửi cán bộ, chiến sỹ, đồng bào và Nhân dân các dân tộc Lai Châu, trong những năm qua, mặc dù với vô vàn những khó khăn, thách thức và rào cản nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế của tỉnh Lai Châu đã có những bước tiến quan trọng góp phần thay đổi cơ bản diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn tiếp theo, với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, nhất định tỉnh Lai Châu sẽ đạt được những thành tựu phát triển mới, bắt kịp với xu thế phát triển của đất nước, thực hiện thành công tâm nguyện và lời nhắn nhủ của Bác trong Lá thư.

 

Y.N

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Nguy cơ cao sạt lở tại bản tái định cư Nậm Manh
Đứt gãy đường vào bản, nước phun lên giữa nhà vào những ngày mưa to, nứt chân tà-luy âm là những hiện tượng đã và đang diễn ra với 36 hộ tại bản tái định cư Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn).
Nhiệt tình, trách nhiệm
Với tinh thần trách nhiệm, đức tính cần cù, chịu khó nghiên cứu, học hỏi, có tư duy và phương pháp làm việc khoa học, năng động, sáng tạo, chị Lò Thị Tán (33 tuổi), công chức văn hóa - xã hội xã...
Chiêu trò lừa đảo “việc nhẹ lương cao” vẫn tiếp diễn
Chiêu trò mời chào, tuyển cộng tác viên làm việc online nhưng thực chất là yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để thực hiện nhiệm vụ rồi lừa đảo vẫn tái diễn.