

Triển khai Nghị quyết 25, huyện Than Uyên đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hướng về cơ sở, với khẩu hiệu hành động “Đồng hành cùng Nhân dân mỗi tháng 1 việc”. Phát huy vai trò của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác dân vận, nhất là dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm “Trọng dân, gần dân, học dân, hiểu dân, sát dân”. Từ đó, huy động sức dân tích cực tham gia và lan toả các phong trào thi đua yêu nước, các mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn.
Chọn đúng việc, đi đúng hướng
Mường Than là nơi có cánh đồng rộng lớn, nằm trong 4 cánh đồng đẹp nhất của khu vực Tây Bắc “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Cuộc sống của người dân bình dị quanh năm bám đồng, bám ruộng. Thế nhưng, hôm nay, Mường Than là địa phương tiêu biểu của huyện Than Uyên về mọi mặt.
Ông Vàng Văn Xuần - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ngà, xã Mường Than phấn khởi: Từ 2 năm trước, khi xã có chủ trương vận động các bản làm cổng chào bản văn hoá, lúc đầu bà con chưa hiểu nên vẫn còn băn khoăn. Sau dần cán bộ, tổ dân vận của xã đến tuyên truyền cho bà con ở bản đều hiểu ra, đồng thuận nhất trí cao, cùng đóng góp 60 triệu đồng, ngày công làm cổng chào. Từ khi có cổng chào, "bộ mặt" của bản đẹp hơn, bà con tiếp tục đóng góp tiền để trồng hoa ban, muồng hoàng yến, bằng lăng dọc 2 bên đường trong bản, lắp đặp 80 cột cờ, cột đèn. Nhờ vậy, bản chúng tôi ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Bà con ai cũng vui mừng.
Khác với Mường Than, xã Mường Kim - quê hương cách mạng, lựa chọn thực hiện công tác dân vận theo Nghị quyết 25, nhất là dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng các mô hình phát triển kinh tế.
Tuỳ theo điều kiện của từng địa phương, mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện Than Uyên sẽ lựa chọn mô hình phù hợp với lòng dân để làm tốt công tác dân vận trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Ví dụ như Mường Cang có mô hình dân vận khéo về “Bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc Thái”; Mường Mít thực hiện mô hình về “Bảo tồn, phát huy lễ hội Hạn Khuống”; Phúc Than, Tà Mung thực hiện “Nếp sống mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông”, thị trấn Than Uyên làm tốt “Du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hoá”; các cơ quan, đơn vị lựa chọn “xây dựng công sở văn hoá”…
Đồng hành cùng Nhân dân, mỗi tháng một việc
Cụ thể hoá Nghị quyết 25 gắn với các phong trào thi đua yêu nước, bên cạnh việc ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, các cấp, các ngành huyện Than Uyên đã chú trọng việc đổi mới phương pháp, cách làm trong công tác dân vận; dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, toàn huyện có 12 xã, thị trấn, 131 bản, khu dân cư với 14.719 hộ, trong đó người dân tộc thiểu số: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú…chiếm trên 85%.
Để Nghị quyết 25 đi vào cuộc sống, tạo đà cho thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp qua các nhiệm kỳ, huyện Than Uyên tập trung nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là của người dân. Với mục tiêu “Nhà nước của dân, do dân và vì dân” trên quan điểm chỉ đạo “Vì Nhân dân phục vụ”, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Khẩu hiệu hành động được huyện Than Uyên lựa chọn thực hiện xuyên suốt trong 10 năm triển khai Nghị quyết 25 là “Đồng hành cùng Nhân dân mỗi tháng một việc”. Theo đó, Ban Dân vận Huyện uỷ cùng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể huyện thực hiện giúp đỡ Nhân dân các xã hàng tháng bằng mô hình trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự…
Chị Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Than Uyên khẳng định: Trong suốt thời gian qua, Hội luôn phối hợp tốt với Mặt trận Tổ quốc, Huyện đoàn, Đảng uỷ, UBND các xã để thực hiện chương trình “Đồng hành cùng Nhân dân mỗi tháng một việc”. Điển hình như từ đầu năm 2023 đến nay, chúng tôi đồng hành với Nhân dân xã Khoen On thực hiện mô hình “Trồng lạc đỏ” với diện tích trên 4ha; giúp đỡ các hộ dân xã Tà Mung làm nền nhà. Ngoài ra, 12/12 cơ sở hội phối hợp tham gia đồng hành, giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo làm nhà ở, làm đường, trồng và chăm sóc lúa, rau màu, cây ăn quả.
Từ hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành, Nhân dân trên địa bàn huyện đã vượt khó, vươn lên hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bản làng bình yên. Nhất là các đồng chí đảng viên ở chi bộ luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu.
Có thể thấy rằng, thực hiện Nghị quyết 25, dù là cách làm nào, mô hình “Dân vận khéo” nào của huyện Than Uyên cũng đều hướng đến mục tiêu “Vì cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc, tiến bộ và phát triển của Nhân dân” để xây dựng địa phương ngày càng tươi đẹp.
Tin đọc nhiều

Công bố các quyết định về công tác tổ chức và cán bộ

Gợi lên ký ức hào hùng trong Ngày Chiến thắng 9/5

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân dự Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Moskva

Chi bộ Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy: Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2025 – 2030

Hội nghị lần thứ 52 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Than Uyên khóa XVIII

Kỳ họp thứ hai mươi mốt (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Mường Tè

Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ UBND tỉnh

Tổng thống Putin chúc mừng người dân Nga nhân Ngày Chiến thắng









