

Về thăm Mường Than, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê cách mạng. Chỉ sau hơn một năm, các bản: Ngà, Hua Than, Én Luông… đã có cổng chào mới rất đẹp với những hoa văn trang trí mạng đậm bản sắc văn hoá của dân tộc Thái, Mông. Trên khắp các cánh đồng, bà con đang bắt tay vào sản xuất vụ đông, trồng rau, đậu các loại; đặc biệt là bí xanh - mô hình kinh tế mới của xã.
Đồng chí Đàm Vũ Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than phấn khởi: Hiện nay, toàn xã trồng được 2ha bí xanh có liên kết với Công ty TNHH Thương mại rau quả Ngọc Linh (tỉnh Sơn La). Dù mới được đưa vào trồng, cây rất thích hợp với thổ nhưỡng, sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu hoạch đúng theo thời vụ và năng suất cao, đem lại niềm vui, tin tưởng về loại giống mới cho người dân. Bên cạnh đó, xã khuyến khích người dân, hợp tác xã (HTX) tham gia phát triển các mô hình kinh tế mới như: chăn nuôi đại gia súc quy mô trang trại; trồng cây ăn quả. Hiện nay, toàn xã có hơn 55ha cây ăn quả: bưởi, chanh leo đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Vừa qua, bà con trồng thêm gần 5ha dâu tây, chanh leo; tổng đàn gia súc trên 4.500 con, xã có mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô hàng lớn hàng trăm con của HTX Dung Bảo.
Cán bộ xã Mường Than (huyện Than Uyên) hướng dẫn bà con chăm sóc bí xanh.
Mường Than là một ví dụ điển hình của huyện Than Uyên trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân hăng say lao động sản xuất nhằm phát huy nội lực, tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế. Được biết, ở lĩnh vực kinh tế, huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với từng tổ chức hội đoàn thể, điển hình như: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Thanh niên khởi nghiệp”… Đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao: bí xanh 6,3ha ở Mường Kim, Mường Than; nuôi trâu bò vỗ béo kết hợp sinh sản ở Phúc Than, Mường Cang; nuôi cá lồng trên lòng hồ Thuỷ điện Bản Chát, Huội Quảng với quy mô trên 300 lồng cá; mở rộng vùng lúa hàng hoá chất lượng cao với các loại giống séng cù, J02, nếp tan pỏm.
Trên lĩnh vực xã hội, an ninh – quốc phòng, huyện phát huy sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc, triển khai hiệu quả các phong trào: “Chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”, “Lai Châu chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Chị Nguyễn Thị Việt Hà - Phó Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cho biết: Thời gian qua, Hội quan tâm, đẩy mạnh triển khai phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Lai Châu nhân ái, tự tin, sáng tạo, khát vọng phát triển”, gắn với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" đến hội viên. Trong năm nay, Hội phối hợp với Ban quản lý CWS huyện tổ chức các hoạt động hướng dẫn của cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải; duy trì và nâng cao chất lượng các câu lạc bộ vệ sinh môi trường, làm gạch sinh thái; tổ chức nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống mua bán người, bình đẳng giới, hướng dẫn chăm sóc trẻ dưới 6 tuổi tại nhà. Hiện toàn huyện có 3.225 hộ gia đình hội viên, phụ nữ đạt các tiêu chí gia đình "5 không, 3 sạch”.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp, ngành trong huyện đã trao tặng hàng nghìn suất quà cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó với tổng trị giá vài chục tỷ đồng. Vận động quỹ: “Đền ơn đáp nghĩa” gần 25 triệu đồng, “Bảo trợ trẻ em” hơn 19 triệu đồng. Toàn huyện có 7/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã, thị trấn duy trì hiệu quả mô hình an ninh tự quản tại bản, khu dân cư; xã không ma tuý.
Trong công tác văn hoá, huyện quan tâm, chú trọng các phong trào thi đua: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Lai Châu thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Đưa văn hoá vào trường học”. Trên tinh thần đổi mới, sáng tạo gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tất cả “Vì nhân dân phục vụ”. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tích cực bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc thông qua các việc làm cụ thể: truyền dạy văn hoá dân gian cho thế hệ trẻ; tham gia các đội văn nghệ bản, câu lạc bộ đàn tính, hát then; duy trì nghề truyền thống dân tộc; phục dựng các lễ hội...
Chị Hoàng Thị Thành (ở xã Pha Mu) chia sẻ: Tôi thường xuyên tham gia biểu diễn múa, hát cùng đội văn nghệ của xã vào các dịp lễ, hội. Rồi truyền dạy cho các thế hệ trẻ nét văn hoá độc đáo của người Thái chúng tôi về: trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ.
Nhờ sôi nổi tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân huyện Than Uyên không ngừng được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững, ổn định.
Tin đọc nhiều

Gợi lên ký ức hào hùng trong Ngày Chiến thắng 9/5

Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân dự Lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Moskva

Chi bộ Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy: Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2025 – 2030

Hội nghị lần thứ 52 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Than Uyên khóa XVIII

Kỳ họp thứ hai mươi mốt (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Mường Tè

Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ UBND tỉnh

Tổng thống Putin chúc mừng người dân Nga nhân Ngày Chiến thắng

Cách mạng màu? Đừng mơ!









