

Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là bộ luật chung, bộ luật lớn, làm cơ sở pháp lý chung nhất để các luật chuyên ngành căn cứ vào đó quy định các nội dung chi tiết. Do vậy, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) không nên quy định quá chi tiết. Nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bổ sung thêm phần giải thích từ ngữ vì trong luật có quá nhiều từ pháp lý chuyên ngành khó hiểu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị: với những khái niệm, từ ngữ pháp lý đã quen thuộc với hành pháp và tư pháp cũng như người dân mà không dẫn tới hiểu sai thì đề nghị giữ nguyên, tránh sự phức tạp hóa không cần thiết.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự, trong đó quy định những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các quan hệ khác hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia.
|
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ sáng 13/11. (Ảnh: Đỗ Thoa) |
Các ý kiến thảo luận sáng nay đều đồng tình việc phải lấy ý kiến toàn dân về Bộ luật này. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đều chung quan điểm, Bộ luật này chỉ sau Hiến pháp, vì vậy sau kỳ họp thứ 8, phải lấy ý kiến nhân dân về bộ luật.
“Nhưng phải lấy ý kiến thực sự, tránh hình thức, vì bộ luật này liên quan rộng rãi đến mọi quan hệ trong xã hội, liên quan đến cả người đã khuất” – Đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng đồng tình, vì đây là bộ luật gốc, liên quan đến vấn đề sở hữu của toàn dân nên phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Cho ý kiến về việc sử dụng thuật ngữ “vật quyền” và nội dung của vật quyền, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng: Về quyền và vật quyền, trước đây ta gọi là quyền và quyền sở hữu cá nhân; hoặc trước đây ta gọi là giao dịch dân sự nhưng bây giờ gọi là hành vi dân sự... đây là từ mới, khái niệm mới. Do đó, đại biểu Thuyền đề nghị về vấn đề này Tòa án, Viện Kiểm sát phải tổng kết, nếu dùng những từ ngữ mới phù hợp với thực tiễn thì nên sử dụng còn nếu luật cũ ghi là giao dịch dân sự, Tòa án và Viện kiểm sát không hiểu sai và nhân dân cũng hiểu quen rồi thì cũng không cần thiết phải sửa.
Đồng tình với việc Dự thảo quy định 2 loại pháp nhân cơ bản gồm: pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại, nhưng một số ý kiến của đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm bao hàm của tư cách pháp nhân phi thương mại để tránh gặp những vướng mắc không đáng có sau này.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) phân tích: Nếu giải thích pháp nhân phi thương mại là có tên tuổi, có văn phòng chính, có tài khoản, có bổ nhiệm, miễn nhiệm và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, lợi nhuận không chia cho các thành viên thì hợp tác xã hay các tổ chức đoàn thể cũng được xem là pháp nhân phi thương mại.
Một trong những nội dung được các đại biểu sôi nổi thảo luận trong phiên họp sáng nay đó là hình thức sở hữu trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Về hình thức sở hữu, dự luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1 gồm 3 hình thức sở hữu là sở hữu chung, sở hữu riêng và sở hữu toàn dân. Phương án 2 quy định 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng.
Qua thảo luận, một số đại biểu tán thành với phương án 1 vì cho rằng, nếu chỉ quy định 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng là không hợp lý, không thể hiện đầy đủ tính chất "nhiều hình thức sở hữu" của nền kinh tế nhiều thành phần và không bao quát hết các quy định cụ thể về sở hữu trong Hiến pháp (sở hữu toàn dân, sở hữu tư nhân...). Các đại biểu này cho rằng, theo quy định của Hiến pháp, đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Vì vậy, các văn bản pháp luật, nhất là Bộ luật Dân sự cần phải ghi nhận về sở hữu toàn dân.
Bên cạnh đó, cũng có một số đại biểu tán thành với phương án 2 và cho rằng, việc xác định hình thức sở hữu phải căn cứ vào sự khác biệt trong cách thức thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu đối với tài sản chứ không phải căn cứ vào yếu tố ai là chủ thể của quyền sở hữu như quy định hiện hành. Do đó, chỉ có hai hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng. Tuy nhiên, nếu theo phương án này thì cần phân định rõ hình thức sở hữu đối với tài sản công thuộc sở hữu toàn dân là sở hữu chung hợp nhất không thể phân chia do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là một hình thức sở hữu độc lập hay thuộc hình thức sở hữu chung.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: “Nếu tuân thủ Hiến pháp thì phải ghi sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện. Sở hữu toàn dân là sở hữu lớn nhất, sở hữu chung. Vậy thì có loại sở hữu chung, riêng. Phải ghi rõ ai là đại diện của sở hữu chung. Tôi cho rằng, luật phải ghi sở hữu toàn dân là sở hữu chung lớn nhất vì đây là khái niệm chính trị hơn là khái niệm pháp lý. Ngoài ra, phải bàn tính lại, Nhà nước và tổ chức của Nhà nước cái nào là pháp nhân, không pháp nhân, có tài sản thế nào. Không nói chung chung được”.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP.Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, thiết kế quyền sở hữu như trong dự thảo là quá rộng, quá thoáng, tòa án sẽ rất khó xử. “Ví dụ nhà ở 20-30 năm không có tranh chấp thì họ có quyền được xác lập quyền sở hữu không? Nhà cửa cũng vậy, nếu chỉ giao nhà xong, được coi là hợp pháp thì căn cứ vào đâu để bảo vệ quyền lợi hợp pháp đó? Vì hiện nay, mua bán nhà xong, người mua phải làm thủ tục với cơ quan đăng ký để Nhà nước bảo vệ. Nếu bộ luật không quy định cụ thể việc này sẽ có nhiều vấn đề phát sinh", đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh chia sẻ.
Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, dự thảo có nhiều nội dung mà chính ông là một người trong ngành luật cũng không hiểu. Vì vậy, các đại biểu Quốc hội đều hy vọng luật này được làm qua 3 kỳ họp Quốc hội thì sau này sẽ rõ ràng hơn.
Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2014 và năm 2015, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại các kỳ họp thứ 8, thứ 9 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (dự kiến diễn ra vào cuối năm 2015).
Chính phủ đề xuất Quốc hội có Nghị quyết giao cho Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2015. Trên cơ sở kết quả tổng hợp ý kiến nhân dân, Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan để tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Bộ luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.
Theo chương trình, chiều nay Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Dự án Luật Thú y./.

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
![[Trực tiếp] Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước](https://baolaichau.vn/uploaded/post/2025/04/30/a42a9bc3-0222-443b-b625-ece3ae13a3ab.png)
[Trực tiếp] Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Phát huy truyền thống, xây dựng Lai Châu vững bước vào kỷ nguyên mới

Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam
UBND tỉnh: Phiên họp thường kỳ tháng 4

Giao ban ba lực lượng Biên phòng - Quân sự - Công an thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ quý I năm 2025

Kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Phong Thổ khoá XXI, nhiệm kỳ 2021 – 2026









