

Những mốc son vàng
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Tháng 12/1946, Pháp chính thức tái chiếm Than Uyên. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ, Nhân dân các dân tộc Than Uyên một lần nữa đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Đối phó với phong trào cách mạng, thực dân Pháp mở nhiều cuộc càn quét, khủng bố, truy bắt các cán bộ cách mạng nhằm làm suy yếu phong trào. Không khuất phục, quân và dân Than Uyên phối hợp với du kích, lực lượng vũ trang tỉnh liên tiếp tấn công tiêu diệt, buộc địch phải rút khỏi địa bàn.
Ngày 7/8/1948, Tỉnh ủy Yên Bái đã ra Quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng Than Uyên (tiền thân của Đảng bộ huyện Than Uyên, Tân Uyên ngày nay). Theo đó, ngày 10/2/1949, Chi bộ xã Mường Kim trực thuộc Ban Cán sự Đảng Than Uyên được thành lập (chi bộ nông thôn đầu tiên của Đảng bộ Than Uyên). Ngày 3/10/1949, Tỉnh ủy Yên Bái tiếp tục ban hành Quyết định thành lập Ban Huyện ủy Than Uyên. Cùng thời điểm, ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên Khu ủy 10 ra quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay). Sau khi thành lập, Ban Huyện ủy Than Uyên đã phối hợp phát động quần chúng Nhân dân nổi dậy phá tề, trừ gian, đánh đuổi thực dân Pháp. Đến ngày 15/10/1952, huyện Than Uyên được hoàn toàn giải phóng.
Đồng chí Chu Văn Thành - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tân uyên kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ tại Đảng bộ xã Nậm Sỏ.
Để cứu vãn tình thế, thực dân Pháp thực hiện âm mưu gây phỉ, bạo loạn trên địa bàn. Dưới sự lãnh đạo của Ban Huyện ủy, quân và dân Than Uyên cùng bộ đội chủ lực truy kích, tiến đánh. Đến cuối tháng 7/1954, Than Uyên cơ bản thanh toán được nạn phỉ trên địa bàn.
Sau tháng 7/1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và Nhân dân Than Uyên bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước ổn định và nâng cao đời sống Nhân dân. Than Uyên luôn là hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam, góp phần giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, từ năm 1986 - 2008, Đảng bộ Than Uyên đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị... góp phần tạo thế và lực mới cho Than Uyên và Tân Uyên phát triển sau này.
Thực hiện Nghị định 04/2008/NĐ-CP, ngày 30/10/2008 của Chính phủ về chia tách huyện Than Uyên thành 2 huyện: Than Uyên và Tân Uyên, ngày 01/01/2009, Đảng bộ, chính quyền huyện Tân Uyên tổ chức Lễ ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Đây là bước ngoặt, là cơ hội mới cho Tân Uyên phát triển nhanh và bền vững.
Thành tựu nổi bật
Sau 70 năm thành lập Đảng bộ, 10 năm chia tách và thành lập huyện, Đảng bộ và Nhân dân Tân Uyên tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ, khai thác tiềm năng và lợi thế để phát triển. Tân Uyên hôm nay đã có nhiều thay đổi. Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng đã định; thu ngân sách hàng năm vượt kế hoạch đề ra; giá trị xuất khẩu đạt mức cao; thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú. Tân Uyên đã thoát khỏi huyện nghèo của cả nước.
Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp đạt khá, quy hoạch và triển khai được các vùng sản xuất tập trung, nâng giá trị và tạo được thương hiệu một số sản phẩm nông sản hàng hóa chất lượng cao. Cây chè trở thành cây chủ lực, giúp giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững. Quy hoạch, mở rộng được diện tích vùng trồng cây lâu năm như: quế, sơn tra, mắcca và vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao gắn với công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng đô thị văn minh đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường nhiều tiến bộ; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ và phát huy hiệu quả. Các lĩnh vực văn hóa, thông tin, tuyên truyền, y tế, giáo dục và đào tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác an sinh xã hội, đảm bảo chính sách người có công, nhân đạo, từ thiện được các cấp, các ngành và Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, từ 29 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ), 1.272 đảng viên, 5 bản, trường học, trạm y tế chưa có đảng viên khi thành lập (năm 2009), đến nay, Đảng bộ huyện Tân Uyên đã có 51 TCCSĐ, với 2.518 đảng viên; xóa bản trắng chi bộ, đảng viên. Hàng năm TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trên 90%, trong đó trên 50% đạt trong sạch, vững mạnh. Đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng trên 80% trình độ đại học, trên đại học; có tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, phục vụ Nhân dân. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ hiệu lực, hiệu quả, quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, vai trò của Mặt trận và các tổ chức thành viên tiếp tục được phát huy. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường.
Ghi nhận những thành tích đạt được, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Tân Uyên vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; Huân chương Chiến công hạng Ba, hạng Nhì; Huân chương Lao động hạng Nhất. Các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng nhiều cờ, bằng, giấy khen và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Những định hướng lớn
Nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh, huyện Tân Uyên có nhiều lợi thế và cơ hội để phát triển. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, trong nửa nhiệm kỳ còn lại và những năm tiếp theo, Đảng bộ Tân Uyên tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại, nhất là các chỉ tiêu chưa đạt hoặc đạt thấp và phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, đưa Tân Uyên trở thành huyện khá trong tỉnh và đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, thị trấn Tân Uyên đạt chuẩn văn minh đô thị.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, trong những năm tới, Đảng bộ Tân Uyên tập trung ưu tiên đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các sản phẩm hàng hóa chủ lực, có giá trị kinh tế cao, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, khai thác và sử dụng các nguồn lực hiệu quả.
Khai thác triệt để các nguồn thu, tăng cường quản lý chi, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư và chi ngân sách. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, chú trọng giải pháp xã hội hóa các nguồn lực, nhất là huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế và trong Nhân dân.
Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nguồn nhân lực. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống. Giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa.
Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang huyện. Nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa và đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCSĐ, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền, nhất là ở cơ sở. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Chấn chỉnh, nâng cao ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến cơ sở. Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6,7 BCH Trung ương (khóa XII) về công tác tổ chức và cán bộ. Đổi mới và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, nhất là 10 năm chia tách và thành lập huyện, chúng ta thật đáng trân trọng và tự hào. Những trang sử vàng oanh liệt hôm qua và kết quả đạt được hôm nay là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của toàn đảng bộ, toàn quân và toàn dân các dân tộc Tân Uyên qua các thời kỳ lịch sử. Phát huy truyền thống huyện anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tân Uyên nguyện một lòng theo Đảng, đoàn kết phấn đấu vươn lên xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Tin đọc nhiều

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải kiểm tra xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Mường Tè

HĐND huyện Phong Thổ khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 – 2026: Kỳ họp thứ hai mươi sáu (kỳ họp chuyên đề)

Kỳ họp thứ hai mươi (kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Mường Tè

Kỳ họp thứ hai mươi tư (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Than Uyên

Tọa đàm trực tuyến phân tích Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI tỉnh Lai Châu

Kỳ họp thứ hai mươi bảy (Kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Tam Đường nhiệm kỳ 2021-2026

Kỳ họp thứ hai mươi ba (kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Nậm Nhùn khóa III nhiệm kỳ 2021 - 2026

Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao









