

GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với tổng số 475/475 số phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 95,19% (tính trên tổng số đại biểu), đúng 14h55 chiều 20-7, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu đồng chí Vương Đình Huệ giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Quốc hội khóa XV Vương Đình Huệ đã tuyên thệ nhậm chức.
Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào và cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ: “Tôi, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Chủ tịch Quốc hội khóa XV Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Dương Giang
Phát biểu nhậm chức, Chủ tịch Quốc hội khóa XV Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV. “Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, tôi nguyện sẽ cống hiến hết sức mình cùng Quốc hội, tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp 75 năm Quốc hội Việt Nam, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng là phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở quán triệt sâu sắc, thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, không ngừng nâng cao chất lượng công tác lập pháp và kỷ luật, kỷ cương quy trình lập pháp, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, ổn định, khả thi, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ để kiến tạo phát triển bền vững đất nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng thời, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước về tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước; về mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia.
Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực tài chính - ngân sách. Nâng cao chất lượng quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; tiếp tục tăng cường đối ngoại của Quốc hội gắn với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần nâng cao uy tín Quốc hội và vị thế của đất nước trên trường quốc tế; tiếp thu các kinh nghiệm tốt trong tổ chức và hoạt động của nghị viện các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Quốc hội; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND; đổi mới và tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri, tham vấn, lắng nghe ý kiến, gắn bó chặt chẽ với cử tri.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội khóa XV.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV trình danh sách đề cử bầu Chủ tịch Quốc hội để Quốc hội thảo luận ở Đoàn. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội.
Trước khi bầu Chủ tịch Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín, Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Tin đọc nhiều

Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo luật

Ban Pháp chế HĐND tỉnh: Họp thẩm tra các dự thảo nghị quyết

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương và Đoàn công tác của tỉnh làm việc tại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Chuỗi chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng Miền Nam

Lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Nhà giáo và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

50 năm Đại thắng mùa xuân 1975: Xây dựng quyết tâm cho bộ đội trong trận quyết chiến chiến lược

Tập huấn nghiệp vụ Ban Chỉ đạo 35 và hướng dẫn triển khai cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2025

Than Uyên: Hội nghị báo cáo viên tháng 4









