

Ngày 3/9/1945, chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị một trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay là “tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” để bầu ra Quốc hội. Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 14/SL về việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Tiếp đó, ngày 17/10/1945, Chính phủ ký Sắc lệnh số 51/SL quy định thể lệ Tổng tuyển cử.
Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện chủ trương “thống nhất, thống nhất và thống nhất”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Hành động này chứng tỏ, Chính phủ và Việt Minh luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng người có tài, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm, thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc.
Nhân dân Thủ đô Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó. Vì lẽ đó, cho nên Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.
Hưởng ứng lời hiệu triệu thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 6/1/1946, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam, trên khắp mọi miền của Tổ quốc nô nức tham gia bầu cử, bất chấp sự phá hoại điên cuồng của các thế lực xâm lược và chống đối, góp phần mang đến sự thành công cho cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946.
Cụ thể, cả nước, số cử tri tham gia bỏ phiếu là 89%, trong khi đó theo quy định của Điều 56 Sắc lệnh số 51 về thể lệ Tổng tuyển cử, chỉ cần một phần tư (1/4) số cử tri có quyền bầu cử đi bầu thì cuộc bầu cử đã có giá trị. Cuộc Tổng tuyển cử bầu được 333 đại biểu, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái yêu nước và cách mạng khác nhau, 43% không đảng phái; có 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên mang nhiều ý nghĩa, không những là sự hợp pháp hóa, chính đáng hóa quyền lực của Nhà nước mà còn là giải pháp mang tính gốc rễ, căn bản để giải quyết những mâu thuẫn, xung đột giai cấp, đảng phái trong điều kiện hòa bình. Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho quá trình xây dựng chế độ dân chủ mới; là sự khởi đầu và phát triển của Quốc hội, một thiết chế dân chủ, trụ cột trong Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hơn 70 năm đã trôi qua, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946 để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu.
Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trong đó, hoạt động lập pháp ngày càng được quan tâm, quy trình nâng cao chất lượng của các văn bản luật, pháp lệnh nhằm từng bước hoàn thiện, hệ thống pháp luật phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, bảo đảm việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, góp phần củng cố, xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đóng góp vào kết quả chung đó, những năm qua, hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, củng cố niềm tin của cử tri vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và vai trò của Quốc hội trong đời sống chính trị của đất nước.
Đặc biệt, Đoàn đã có nhiều đổi mới về tổ chức, hoạt động và đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện ba chức năng cơ bản là: Lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Điển hình như trong công tác xây dựng luật, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh luôn đổi mới cách thức tổ chức như phân công các dự án luật phù hợp với khả năng và trình độ học vấn chuyên ngành để các đại biểu tham gia tốt công tác xây dựng pháp luật, phát huy vai trò trách nhiệm cá nhân của từng đại biểu trong việc chủ động nghiên cứu, kết hợp với việc tổ chức để Văn phòng tham gia nghiên cứu, tổng hợp ý kiến của các ngành, cấp. Do đó, các ý kiến tham gia thảo luận tại tổ và Hội trường của Đoàn đều có chất lượng, góp phần vào kết quả công tác lập pháp của Quốc hội.
Hay trong hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng, chuyên đề, lĩnh vực. Trước khi diễn ra hoạt động tiếp xúc cử tri, Đoàn đã xây dựng kế hoạch, thống nhất với Uỷ ban MTTQ tỉnh ban hành văn bản đề nghị địa phương thông báo và mời rộng rãi cử tri, nhân dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tham dự; khuyến khích cử tri tham gia phát biểu ý kiến, góp ý, đề xuất, kiến nghị những vấn đề liên quan đến quốc kế, dân sinh...
Với những hoạt động tích cực, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã có những đóng góp quan trọng vào kết quả chung của Quốc hội cả nước, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước

Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
![[Trực tiếp] Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước](https://baolaichau.vn/uploaded/post/2025/04/30/a42a9bc3-0222-443b-b625-ece3ae13a3ab.png)
[Trực tiếp] Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Phát huy truyền thống, xây dựng Lai Châu vững bước vào kỷ nguyên mới

Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam
UBND tỉnh: Phiên họp thường kỳ tháng 4

Giao ban ba lực lượng Biên phòng - Quân sự - Công an thực hiện Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ quý I năm 2025

Kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) HĐND huyện Phong Thổ khoá XXI, nhiệm kỳ 2021 – 2026









